Đi tu lúc nào cũng cầu nguyện ???
Đi tu thánh thiện lắm.
Cũng đúng nhưng không hoàn toàn như vậy. Ngoài đời sống thiêng liêng, đời tu còn được vun trồng bằng nhiều hoạt động khác nữa như học tập, lao động, và nghỉ ngơi…
Đời tu của nó cũng không nằm ngoài quy luật đó nên đòi nó phải quân bình mọi thứ. Nhưng nhiều lúc nó không giữ được thăng bằng. Ngày mới nhập dòng, nó rất háo hức và sốt sắng trong các giờ kinh nguyện. Nhưng rồi một ngày, nó chợt nhận ra “cầu nguyện” – mối dây thân tình giữa Chúa và nó dường như đang bị xa cách bởi các hoạt động khác của đời sống thường nhật chi phối nó quá nhiều. Giờ đến với Chúa của nó chỉ là những việc bổn phận. Nó dần xa Chúa, dần đánh mất đi bản thân mình, nên nó đã quyết định tham gia khóa tĩnh tâm 4 ngày 3 đêm tại gia đình Thỉnh Sinh.
Lần đầu tiên…Thỉnh sinh tại Tu viện Phú Nhai tĩnh tâm riêng…
Nó háo hức vì đây là cơ hội để nó tìm ý Chúa nơi mình cách rõ ràng hơn và đồng thời nó cũng đi tìm lại chính bản thân mình.
“Tìm lại chính mình”. Nó gắn mục đích này trong suốt hành trình leo núi với Chúa. Hành trang chính yếu nó “nhét” vào balô là sự thinh lặng, thinh lặng thật sự trong tâm hồn. Trên từng bậc thang của hành trình, nó cố gắng dành trọn thời giờ đến với Chúa: qua các Thánh lễ, các giờ chầu Thánh Thể, cầu nguyện và ngay cả những giờ tự do để nói chuyện với Chúa và xét lại bản thân.
Vì sao lại tìm chính mình trong khi mình vẫn hiện hữu?
Trong bài giảng tĩnh tâm, Cha giảng phòng có nhắc đến câu nói của chân phước Carlo Acutis: “Mọi người sinh ra là một bản gốc, nhưng nhiều người lại chết như một bản sao”. Câu nói của ngài khiến nó suy nghĩ về bản thân và cả những mục đích thực sự mà nó mong muốn trong đời tu. Nó bắt đầu đời tu đến nay đã được hơn hai năm. Đời sống cộng đoàn đôi khi làm nó mất đi cái “nó là”, mất đi cái “chất” tiềm ẩn trong con người nó, nó hòa nhập rồi cũng hòa tan. Nó thường có xu hướng bắt chước người khác, đánh mất đi chính mình, luôn không hài lòng với bản thân.
Ngay thời điểm nó bất lực với bản thân mình nhất thì Chúa “rủ” nó, Chúa đồng hành cùng nó trên hành trình leo núi Canvê. Tại đỉnh núi, Chúa chọn một chỗ bớt gồ ghề, sỏi đá, ra hiệu cho nó ngồi xuống. Chỉ mình nó với Chúa, nó tâm sự hết tận đáy lòng, những vui-buồn, thăng-trầm trong đời sống của nó. Những lúc vui, hạnh phúc, nó thấy Chúa hiện diện một cách rõ ràng, cụ thể, yêu thương nó với tất cả tình yêu. Nó thấy Chúa đồng hành, che chở nó. Còn “Chúa ơi, những lúc con buồn, con gặp khó khăn, con cô đơn, sao Ngài vẫn nằm im trên Thánh giá, sao con không thấy dấu chân Ngài đâu?”. Nó quay sang Chúa thắc mắc.
– Con yêu dấu của Ta, không phải riêng con, rất nhiều người khi gặp gian nan, thử thách đã luôn phàn nàn với Ta như vậy. Nhưng… con biết không, Ta luôn bên con lúc con mạnh và ngay cả khi con yếu. Đôi lúc con gục ngã, Ta ở phía sau để bồng ẵm con trên vai.
Nó thẫn thờ… nhớ lại lúc gặp chuyện buồn, nó thường nhìn lên Thánh giá và Ngài vẫn lặng im, nhưng Ngài đã âm thầm đến bên nó qua chị em xung quanh bằng nhiều cách khác nhau. Nó tự nhiên thốt lên trong vô thức: “Chúa ơi! Con hạnh phúc quá à!!!… À mà Chúa ơi, trong cuộc sống, con luôn dùng chiếc kính hiển vi để phóng đại những yếu điểm trong con, chẳng còn chỗ để nhận ra cái ‘con là’ nữa Chúa ạ!”
– Con là người duy nhất sở hữu tất cả những thứ “con là” mà không ai có được. Con đặc biệt trong trái tim của Ta và Ta đã khắc tên con từ muôn thuở rồi. Con hãy sống thật con người mình với những ưu-khuyết và tìm điểm tích cực trong con, để con đem niềm vui đó đến những người xung quanh… Chẳng phải Ta đã nói qua trình thuật của Thánh sử Matthew: “Hãy để ánh sáng của các ngươi chiếu sáng trước con người, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm” (Mt 5,16) sao?! – Giêsu mỉm cười đáp lại.
Chúa với nó im lặng một hồi lâu. Bầu trời vẫn xanh trong, tiếng gió quyện với tiếng chim, làm cho tâm hồn nó thêm nhẹ nhàng. Những lời Chúa thì thầm với nó như dòng suối chảy tràn vào lòng nó. Nó thêm động lực để vững mạnh hơn trong đời dâng hiến.
– Ta biết con đang mơ hồ để xác định hướng đi cho bản thân. Con hãy rời khỏi vị trí của mình, hãy quyết định như con thuyền lướt sóng ngoài biển cả. Con hãy luôn nhìn vào bản đồ để xác định vị trí của mình, lắng nghe trái tim mình đang hướng về đâu. Đối tượng mà con yêu mến ấy có ảnh hưởng đến hành trình dâng hiến của con không. Con nhé!
– Ôi Chúa của con, thật Ngài đã thấu mọi sự. Nó thầm nói với chính mình như vậy.
Chúa nắm lấy bàn tay nó, nhẹ nhàng đặt vào trái tim của Ngài. Nó cảm nhận một trái tìm bị lưỡi đòng đâm thâu tỏa ra hơi ấm của tình yêu, một tình yêu cho đi, tiếp thêm năng lượng cho nó, để không chỉ trong những ngày tĩnh tâm này mà khi trở về với cuộc sống đời thường, nó luôn biết kết nối với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện, qua việc tham dự Thánh lễ, qua việc lắng nghe, sống Lời Chúa và qua việc lãnh nhận các Bí tích.
Kỳ tĩnh tâm dù rất ngắn, nhưng Chúa đã cho nó nếm lại mùi vị của tình yêu. Một tình yêu được kết tinh sau thời gian không quá ngắn cũng không quá dài khi đi theo Chúa, nhưng đủ hương vị chua-cay-ngọt-bùi. Khi nó thêm vào tình yêu vị đắng của sự phản bội, Người liền nêm vị ngọt của sự kiên nhẫn. Khi nó thêm vào tình yêu vị cay của sự kiêu hãnh, Người liền nêm vị bùi của lòng khoan nhân1. Nó hiểu được phần nào biển cả tình yêu của Chúa dành cho nó. Nó thầm tạ ơn Chúa đã cho nó khoảng thời gian quý giá để nó được trải lòng mình ra với Chúa, thời điểm để nó nhìn lại bản thân và tìm lại chính mình. Từ đây, nó có thể quảng đại và chậm rãi đón nhận toàn vẹn con người của mình, chẳng ép bản thân trở thành bản sao của bất kỳ ai khác. Nó học cách buông bỏ, nhẹ nhàng hơn, bớt u phiền, khoan dung hơn với chính mình và tập cảm thông với chị em xung quanh2.
Tĩnh tâm hè năm 2024
Clara Sương Mai
1 Ý trong sách“Nơi chim trời làm tổ”.
2Nt.