Tại sao một tương quan bạn bè bị mất đi? Làm sao mà những mối dây gắn kết bền chặt với người khác trở nên không còn nữa? Hãy cùng xem xét xem bạn có rơi vào các nguyên nhân sau đây không:
1. Làm biếng
Để có mối tương quan tốt, người ta phải ra khỏi chính mình. Phải lăn mình để đi gặp gỡ chuyện trò với người khác. Nếu chúng ta lười nhác, lúc nào cũng tìm cớ để trì hoãn hay không muốn gặp mặt, sớm muộn gì những tương quan bạn bè hay hẹn hò cũng sẽ đi đến hồi kết. Suốt ngày ngồi trên ghế sofa ở nhà, đắm chìm những thú vui lệch lạc. Sự lười biếng thể lý sẽ dẫn đến lười biếng tri thức. Thế rồi, ta mải mê với những trò chơi điện tử, những thước phim ngắn hay dài tập.
Hãy bớt thời gian trước màn hình lại và ưu tiên lên kế hoạch gặp gỡ bạn bè và gia đình thì hơn!
2. Hay chỉ trích
Lúc nào cũng có những bình luận tiêu cực sẽ làm cho chúng ta xa cách người khác. Dù chúng là những bình luận về chuyện có thực, nhưng nếu nó không nhắm đến việc giúp đỡ người khác, nó cũng tạo ra khoảng cách giữa chúng ta. Nếu nó chỉ là những điều bịa đặt (ví dụ, từ những tin đồn thất thiệt), nó sẽ biến chúng ta thành những kẻ bất trung. Chẳng ai muốn làm bạn người bất trung cả.
Do đó, nếu có điều gì đó liên quan đến người khác, bạn hãy chia sẻ với họ với tấm lòng cao thượng. Việc sửa lỗi sẽ có tác dụng tốt nếu nó được thực thi với ý hướng ngay lành. Nên tìm một thời điểm thuận lợi: đôi khi nó cũng đòi chúng ta phải rất kiên nhẫn để không bỏ lỡ thời cơ khi nó đến.
3. Thời gian
Bạn có dành thời gian cho các mối tương quan của bạn không? Không phải chỉ là qua whatsapp hay những tin nhắn nhanh, cần phải hiện diện với người khác, thích thú trò chuyện, chia sẻ qua lại, sao cho hai bên biết nhau nhiều hơn nữa. Trong các mối tương quan, cần phải có sự quảng đại trong nhiều phương diện như: giúp đỡ nhau (vốn tốn khá nhiều giờ của mình), đồng hành, lắng nghe, gặp gỡ thăm viếng nhau. Bạn có sẵn sàng mất giờ cho người khác không?
4. Thành kiến
Những thành kiến là rào cản gây khó khăn cho việc bắt đầu một tương quan tình bạn. Không thể nào có được sự thân ái và tôn trọng nếu vẫn còn những thành kiến. Có những thành kiến tạo ra bởi vấn đề xã hội, dân tộc thiểu số hay tôn giáo khiến mình không thể tạo lập tình bạn với đồng nghiệp, hàng xóm hay người thân trong gia đình.
Có thành kiến nào dành cho người khác đang ngăn cản bạn không? Hãy chia sẻ với người đó hoặc tìm nhiều thông tin hơn liên quan đến vấn đề này. Đừng phán xét họ nhưng hãy để ý đến cung cách hành xử và lời nói của họ. Đừng để mình bị chế ngự bởi những phong trào trên mạng xã hội, nhưng chính mình phải biết kiểm chứng mọi thứ.
5. Im lặng
Khi người nào đó làm phiền mình nhưng mình chẳng nói gì, kiểu im lặng này có thể làm mình xa cách người khác. Nó có thể là một kiểu lãnh đạm hay coi thường.
Kiểu im lặng như thế cũng có thể làm nảy sinh trong lòng chúng ta rất nhiều càm ràm, những thứ tiêu cực mà mình chẳng thể bỏ qua được.
Để vượt qua được nó, chúng ta phải đối diện với vấn đề, chia sẻ nó với người ta vào dịp thuận lợi và giải quyết những xung khắc. Hãy khai thông mọi tình huống.
6. Hời hợt
Một tương quan mà chỉ là “quen biết” thì không cần hy vọng gì nơi người khác. Nhưng nếu chúng ta muốn thiết lập tình bạn, mà chỉ gặp nhau vào các dịp lễ, làm cốc bia trong nhóm hay chỉ chào hỏi vào các buổi gặp mặt thì không đủ. Thậm chí chúng ta có thể lập kế hoạch đi chơi với “đám bạn” nhưng nó thật ra vẫn còn thiếu.
Bạn có thật sự hiểu biết đủ về bạn của mình? Ngoài những lúc vui cười và giỡn đùa với nhau, bạn có biết ước mơ của họ hay điều mà họ bận tâm? Họ có là một phần của cuộc sống bạn và bạn có là một phần của họ không? Bạn có mở lòng để họ biết về bạn nhiều hơn không? Khi gặp chuyện nghiêm trọng, hai bên có chia sẻ cho nhau biết không?
Hãy ra khỏi sự hời hợt và cố gắng trò chuyện ở mức độ sâu sắc hơn, nó sẽ giúp các bạn thêm tin tưởng nhau.
7. Ích kỷ
Bạn muốn duy trì tương quan này vì nó có lợi cho bạn? Bạn lúc nào cũng nghĩ về mình trước hết? Bạn tìm kiếm trong tương quan này (tình bạn hay tình yêu) chỉ là một lợi ích kinh tế, xã hội hay tình cảm? Bạn thật ích kỷ nếu chỉ luôn tìm kiếm sự thoải mái cho mình, hay chỉ làm điều bạn thích, hoặc khi bạn không để cho người khác nói, hoặc khi bạn không quan tâm gì đến ý kiến hay điều họ ưa thích.
Làm sao bỏ được sự ích kỷ này? Hãy nghĩ đến người khác: họ thích gì, họ có sáng kiến gì, bạn có thể làm gì cho họ.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(Theo: https://es.aleteia.org/2020/02/18/las-7-causas-que-ponen-en-peligro-nuestras-relaciones/2/)
https://dongten.net/2020/08/18/7-nguyen-nhan-lam-cho-cac-moi-tuong-quan-cua-ban-co-nguy-co-do-vo/