Tin mừng : Lc 13, 1 – 9
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh.
Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.
Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!”
Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
ĂN NĂN SÁM HỐI
Xưa người Do-thái quan niệm rằng, những tai ương bệnh tật xảy đến cho ai là do đương sự hoặc cha ông người đó tội lỗi, dựa vào đó họ có thể so sánh ai công chính hơn ai. Họ cũng cho rằng chết là hình phạt do tội gây ra.
Nhưng Chúa Giêsu cho biết đó là lối suy nghĩ không đúng đắn. Thật ra, cái chết về thân xác là điều không tránh được, ai rồi cũng phải chết, nó xảy đến do tai ương, bệnh tật, tuổi già hay vì bất cẩn, v.v. và nó cũng không phải là thứ quá đáng sợ. Cái đáng sợ chính là cái chết của linh hồn. Đó là cái chết đời đời do tội lỗi. Chính vì thế, cái chết thể xác nhắc nhở mọi người phải sám hối, phải thay đổi đời sống để được sống muôn đời. Chúa Giê-su biết rõ lòng dạ con người chứ không chỉ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài, nên Ngài đã cảnh tỉnh những người đến kể cho Chúa nghe về cái chết của những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? […] Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy” (Lc 13, 4-5).
Qua lời cảnh tỉnh đó, Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta rằng; trước một biến cố xảy ra trong cuộc sống, đừng vội xét đoán hay kết án ai, hãy coi đó như là những bài học cho phần rỗi của mình và của tha nhân; đồng thời tìm ra ý Chúa qua dấu chỉ thời đại với con mắt đức tin. Ngoài ra, đức bác ái dạy ta phải “vui với người vui, khóc với người khóc”, chứ không luận tội, kết án người anh em dù họ có những biểu hiện sai lỗi bên ngoài. Như cây vả không sinh hoa kết trái, Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi và tạo cơ hội cho chúng ta sám hối. Thật vậy, Chúa Giê-su như người làm vườn, cầu xin ông chủ là Thiên Chúa Cha gia hạn, để dùng ơn cứu độ của Người qua các Bí tích mà vun xới và bón tưới cho cây vả sinh hoa trái. Người thợ làm vườn nói với ông chủ : “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nữa” (Lc 13, 8). Thiên Chúa kỳ vọng chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái là những nhân đức và những việc làm tốt đẹp. Nhưng trong thực tế, chúng ta không làm những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi ta. Vì thế, mỗi chúng ta cần nhìn lại thực trạng của bản thân, để xem mình có sinh hoa trái trong đời hay không, nhất là trong mùa Chay thánh này. Nếu không thì ta phải thay đổi, phải sám hối vì thời gian Thiên Chúa kiên nhẫn với ta cũng chỉ có hạn.
Mùa Chay đến, ngoài việc giúp ta khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình trong tương quan với Thiên Chúa, còn nhắc bảo chúng ta hãy có cái nhìn bao dung đối với tha nhân, vì mỗi người đều là những tội nhân đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa luôn yêu thương và bao dung tha thứ những tội lỗi của chúng ta, nên Ngài cũng muốn chúng ta hãy có lòng thương xót đối với đồng loại. Vì yêu thương anh em mình là một trong những điều kiện cần có để chúng ta được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tiếc rằng trong cuộc sống, chúng ta thường đối xử với nhau cách khắt khe và hẹp hòi nên cuộc sống này vẫn còn tồn tại những đau khổ. Bên cạnh đó, chiến tranh, thiên tai, chết chóc, dịch bệnh vẫn diễn ra hàng ngày đe doạ mạng sống của con người, làm cho con người sống trong sự bất an và lo sợ. Chính những điều ấy có thể làm gia tăng niềm tin cho một số người nhưng cũng khiến nhiều người bị mất niềm cậy trông. Vậy tôi thì sao? Tôi có vững tin vào Thiên Chúa trước mọi nghịch cảnh? Tôi đã sống tinh thần mùa Chay như thế nào? Tôi có sẵn lòng sống quảng đại bao dung với anh chị em mình? Và với lời mời gọi ăn năn sám hối trở về cùng Chúa, đã bao giờ tôi quyết tâm hoán cải, quyết tâm “cắt bỏ” những thứ không tốt để có thể đến gần Chúa hơn, hay tôi cứ chần chờ, cứ lần nữa, cứ trì hoãn để được sống theo dục vọng và đam mê trần thế rồi ngày một xa Chúa hơn?
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con cảm nhận được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng con biết sám hối, biết thật lòng trở về với Chúa và có cái nhìn bao dung nhân hậu đối với những người xung quanh để được Chúa xót thương. Amen
Anna Lien Vu