Sinh ra với phận người giới hạn, ai trong chúng ta cũng đều có những khát khao, ước ao một cuộc sống thật hạnh phúc và bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Sống trong xã hội đánh giá cao giá trị của đồng tiền, nhiều người bon chen và lao mình vào công việc, tìm kiếm hạnh phúc trong sự đầy đủ của tiện nghi vật chất. Cuộc sống cứ xoay hết vòng này đến vòng khác, bình yên thì vui vẻ, nhưng khi gặp phải thất bại, nhiều người lại thấy cuộc sống toàn khổ đau. Khi đối diện với những thách đố, phải chăng con người có đủ can đảm đứng dậy, đủ dũng khí để đối diện với nó, và tìm thấy bình an ngay giữa những sóng gió của cuộc đời?
Các môn đệ của Đức Giêsu, khi còn sống với Thầy, mạnh mẽ, can đảm là vậy, nhưng rồi sau cái chết đau thương trên thập giá của Thầy mình, các ông đã sống trong tình trạng lo âu, bối rối và sợ hãi. Chính trong lúc bất an như vậy, ân sủng từ một luồng sinh khí mới đến với các ông, Đức Giêsu Phục sinh hiện đến, ban Chúa Thánh Thần và đầy tràn ân sủng của Người trên các ông. “Ai nấy đều được đầy tràn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4). Đặc biệt đó là ơn Bình an, “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,19).Đức Giêsu cũng đã từng sống phận người như chúng ta, nên Ngài thấu hiểu được tầm quan trong và sự cần thiết của sự bình an. Chính vì thế, mà ngay sau khi sống lại, Ngài đã hiện ra và ban bình an cho các môn đệ. Trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi thôi, mà những hai lần Đức Giêsu nhắc tới “bình an.” Ngài nhấn mạnh sự cần thiết của bình an trong đời sống con người và nhấn mạnh món quà Bình an đến từ Chúa Thánh Thần. Nhưng đối với con người chúng ta, khi nói tới bình an, lại thường hiểu theo cái nhìn bên ngoài, đó là tình trạng không có chiến tranh, không có hận thù, cuộc sống thuận lợi, vui tươi, may lành, mà chúng ta quên mất đi, sự bình an đích thực là bình an sâu thẳm trong tâm hồn.
Nhờ việc đón nhận Chúa Thánh Thần, mà các môn đệ của Đức Giêsu đã có bình an đích thực, khiến các ông không còn lo lắng hay sợ hãi ngay cả khi các ông phải đối diện với bắt bớ. Chỉ có bình an mới là động lực cho những bước chân đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục sinh. Cho dẫu sứ vụ loan báo Tin Mừng có bị đánh đổi cả mạng sống, nhưng các môn đệ vẫn dám lên tiếng cho điều mình tin, vẫn một lòng công bố tin vui về một “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Giờ đây, các ông chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là làm sao cho tất cả mọi người nhờ tin vào Danh Đức Giêsu mà được sống đời đời, còn những đau khổ vì Danh Đức Kitô lại trở thành niềm vui, danh dự…cho các ông. Như Thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Giáo hội nhìn nhận rằng thời đại ngày nay là thời đại của Chúa Thánh Thần, Ân sủng của Ngài luôn hoạt động cách tích cực trong Hội Thánh, cách riêng nơi mỗi con người với những đặc sủng khác nhau. Nhưng để những đặc sủng đó được sinh hoa kết trái trong Thánh ý Chúa, thì đòi hỏi mỗi con người chúng ta phải sống đức tin, và đón nhận và làm phát triển ân ban đó trong đời sống cụ thể của mình. Trong tâm tình mừng đại lễ Chúa Thánh Thần, ước mong sao cho cuộc sống mỗi người chúng ta luôn trào tràn lửa Thánh Thần, để được như Thánh Stephano xưa, khi đứng trước những kẻ bắt bớ, họ đã chẳng làm được gì để chống đối ngài, vì ngài luôn xác tín, luôn yêu thương, luôn trông cậy. Hơn nữa, ngài đã chẳng cậy vào sức riêng mình, mà hoàn toàn phó mình nơi tình yêu quan phòng của Chúa, “Họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khi đã ban cho ông” (Cv 6,10). Ước mong sao cuộc sống mỗi người chúng ta luôn ngời lên vẻ đẹp của niềm vui, sự tươi trẻ, sức sống mới nơi tình yêu Chúa Phục sinh ân ban qua Chúa Thánh Thần, để khuôn mặt của chúng ta ngời lên niềm bình an, hạnh phúc có Ngài – “Khuôn mặt giống như mặt thiên sứ” (Cv 6,15).
Maria Kim Ngân