Chương 3: Misa Takatifu
13. Boda boda
Sau kinh nghiệm đẹp với Matatu, tôi lại muốn thử Boda boda. Boda boda là xe ôm. Ở đây có cả xe đạp ôm lẫn xe Honda ôm.
Cơ hội đến với tôi vào một ngày Chúa nhật. Hôm ấy, tôi ra ngoài đi Lễ với bà con giáo dân. Thánh Lễ trong tiếng Swahili là Misa Takatifu. Từ chỗ tôi ở đến Nhà Thờ Giáo Xứ cách một đoạn đường dài hơn 6 cây số. Đi bộ mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Gần chỗ tôi ở có một số gia đình người Công Giáo. Thế là chúng tôi đi bộ cùng nhau đến Nhà Thờ. À không… là tôi xin đi bộ theo họ thì đúng hơn!
Đi Lễ ở đây thích lắm. Nhưng tôi sẽ kể cho các bạn nghe về chuyện Thánh Lễ sau nhé! Bây giờ là chuyện với một anh tài xế Boda boda dễ thương.
Thánh Lễ xong, đoàn người tản ra về. Tôi ở lại thật lâu trong ngôi Nhà Thờ nhỏ để cầu nguyện. Lâu lắm rồi tôi mới được tham dự một Thánh Lễ thật sốt sắng từ phía ghế ngồi của giáo dân. Những người đi cùng với tôi hình như không chờ được, nên khi tôi xong giờ cầu nguyện thì sân Nhà Thờ đã không còn ai nữa.
Ngặt một nỗi, tôi lại không nhớ đường về. Lúc đi, tôi nhớ chúng tôi quẹo trái quẹo phải nhiều lần lắm. Lại leo lên một số con dốc đáng kể nữa. Tôi thì cứ mãi lo nói chuyện, chẳng chịu để ý đường xá gì hết. Nhưng may quá, tôi nhớ là trước cái cú quẹo cuối cùng để đến nhà thờ, chúng tôi có đi ngang qua một bãi đậu Boda boda.
Tôi mất gần 15 phút để tìm lại được cái bãi xe ôm ấy. Tôi gặp một chú tài xế dễ thương, cười thật tươi. Nhìn thấy tôi từ xa, chú đã đưa lên một ngón tay cái, ngụ ý hỏi có đi không. Tôi cũng đưa lên một ngón tay cái đáp lại. Thế là chốt kèo.
Sau khi nói địa chỉ, tôi hỏi giá của chuyến xe. Chú tài xế đòi 50 Shilling. Tôi tưởng mình nghe nhầm, nên hỏi lại. Chú nhẹ nhàng đáp lại:
– 50 Shilling, đi về vùng đó 50 Shilling là đúng giá rồi á…
Tôi hỏi lại không phải là sợ bị chém. Cái giá đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi nhẩm tính trong đầu, 50 50 Shilling là chỉ hơn ¼ Euro có một chút xíu thôi. Thấy tôi ngạc nhiên, chú tài xế bỗng dừng lại, nhìn nhìn tôi một hồi, rồi hỏi:
– … hình như là Ông Cha phải không?
Hôm ấy đi Lễ tôi mặc một chiếc áo thun trắng kiểu Clegerman bên trong. Mặc dù tôi không đeo cổ Col, và mặc dù tôi có mang một chiếc áo khoác bên ngoài, nhưng ai tinh mắt nhìn vào cái cổ áo là biết liền. Thế nên tôi đành cười cười hỏi lại:
– Chú là dân có Đạo hả? Con mặc cái áo bên trong che kỹ vậy mà chú cũng thấy sao?
Ông chú xe ôm khoanh tay chào tôi, rồi nói:
– Dạ không. Cái địa chỉ mà Cha muốn đến là địa chỉ của Nhà Dòng mà. Con có biết chỗ đó. Cha lên xe đi, con chở đi liền. Đi miễn phí Cha ơi…
Trước khi lên xe, tôi nói thòng:
– Chú đi xe, cho con trả tiền nhé! Chứ miễn phí là con không đi đâu đó!
Ông chú xe ôm cười cười:
– Dạ được. Cám ơn Cha. Mời Cha lên xe.
Thế là tôi leo lên xe. Xe ông chú chỉ có 1 cái nón bảo hiểm. Đương nhiên cái nón phải dành cho tài xế rồi. Ông Cha được ngồi sau, tóc gió tha hồ tung bay.
Mà chú tài xế này chạy xe chiến thiệt. Chở ông Cha về nhà mà cứ như chở đi xức dầu bệnh nhân vậy. Giống như sợ tới nơi không kịp. Xe có bao nhiêu tốc độ thì cứ chạy bấy nhiêu thôi!
Tôi vội bấm vai ông chú, áp dụng ngay một câu thành ngữ vừa mới học được: haraka haraka hina baraka. Câu thành ngữ có nghĩa đại khái là: vội vàng mà làm chi, vội vàng chẳng mang lại phúc lành cho bạn đâu!
Ông chú tài xế quay lại nhìn tôi cười ngất, nhưng vẫn chẳng chịu giảm ga tí nào. Đi được một đoạn đường, chú quay lại, vừa hỏi vừa hét thật to để át tiếng gió phần phật bên tai:
– Sao hôm nay Cha lại đi xe ôm thế? Xe hơi của Cha đâu?
Tôi cười:
– Con làm gì có xe hơi mà đi chú! Sáng con đi bộ ra đây đó…
Ông chú ngạc nhiên:
– Ủa, Cha đi làm Lễ là phải có xe chứ! Con thấy mấy Cha đi làm Lễ ai cũng đi xe mà!
– Đúng rồi chú – Tôi đáp lại – Nhưng mà hôm nay con không có đi làm Lễ. Hôm nay con đi Lễ với giáo dân.
Hình như ông chú lại càng ngạc nhiên hơn:
– Ủa, Cha mà cũng đi Lễ nữa hả?
Tôi cười lớn:
– Có chứ! Ông Cha cũng là người có Đạo á nha! Con là người Đạo Công Giáo và con giữ đạo rất đàng hoàng à!
Ông chú cũng cười theo phụ hoạ:
– Không phải. Ý là con tưởng ông Cha thì chỉ làm Lễ thôi chứ!
Tôi đáp lại:
– Dạ, đúng rồi. Ngày nào ông Cha cũng làm Lễ. Nhưng đâu có luật nào cấm ông Cha đi Lễ với giáo dân đâu ha.
Ngẫm nghĩ một hồi, ông chú thừa nhận:
– Ờ ha… Chắc là làm Lễ riết rồi lâu lâu Cha cũng nhớ nhớ cái thời mình còn là giáo dân ha, nên lâu lâu đi Lễ với bà con giáo dân cho đỡ nhớ hả Cha?
Tôi cười với cái lối lý luận ngây thơ của ông chú. Nhưng rồi cũng phải thừa nhận rằng cái lối lý luận ấy quả thật không sai. Lâu lâu tôi hay đi Lễ chung với giáo dân lắm. Nhất là mỗi khi có cơ hội đến một nơi xa lạ, không ai biết mình là ai, không làm cho ai chia trí lo ra.
Chạy được một hồi, ông chú lại quay đầu ra sau:
– Cha ơi, có chuyện này con muốn hỏi…
– Chuyện chi vậy chú – tôi hỏi lại?
– Cha thấy con chạy xe ngày Chúa nhật có được không? – Tự nhiên ông chú chạy xe chậm lại, nói để tôi nghe rõ hơn – Con đi Lễ chiều thứ Bảy rồi Cha à! Nhưng mà Chúa nhật chạy xe thế này thì có phạm tội làm việc xác không Cha?
Ây chà. Bắt đầu chuyên mục hỏi đáp mục vụ ngay trên xe ôm luôn à? Kinh nghiệm mục vụ dạy tôi từ từ hãy trả lời ông chú. Tôi nói:
– Chú kể cho con nghe về hoàn cảnh gia đình của chú đi…
Thế là ông chú cho xe chạy thật chậm lại, và bắt đầu kể… Nhà ông chú có 7 đứa con. Một đứa con trai và một đứa con gái lớn được đi học ở xa. 5 đứa còn lại phải ở nhà, vì vợ chồng ông không kham nổi chuyện nuôi con đi học. Bọn nhỏ chỉ phụ vợ ông loanh quanh ở nhà trồng rau trồng đậu trên miếng đất nhỏ xíu. Trước đây ông chú có làm bảo vệ cho một khu giải trí gần nhà. Nhưng sau Covid, ông chú thành người thất nghiệp. May mắn là nhờ những ngày tháng đi làm mà ông chú còn dành dụm mua được một chiếc Boda boda cũ để chạy xe ôm. Chiếc xe này là nguồn thu nhập chính của cả gia đình rồi…
– Nhưng mà chỉ có ngày Chúa nhật mới có khách đi xe Cha à. Ngày thường khu này vắng lắm…
Tôi an ủi:
– Chú chạy Boda boda ngày Chúa nhật cũng là một cách đưa người khác đến với Chúa mà ha…
– Dạ phải. Nhưng mà con chạy xe lấy tiền Cha à. Chứ đâu có chở người ta đi không! Lấy tiền là làm ăn rồi. Vậy là làm việc xác ngày Chúa nhật rồi phải không Cha?
Ông chú nói chuyện thật nghe thương gì đâu. Tôi lại phải tiếp tục an ủi:
– Không sao đâu chú à. Bây giờ chú còn nghèo, còn khó khăn, chú phải nghĩ đến gia đình mình và trách nhiệm của mình trước. Phải cố gắng làm ăn thôi. Ít bữa mà Chúa cho nhà chú khá hơn rồi á, chú nhớ vẫn chạy Boda boda đưa người ta đi Lễ ngày Chúa nhật nhé!
– Dạ Cha, ít bữa mà Chúa cho con giàu lên một chút, con sẽ chở người ta đi Lễ miễn phí luôn, không lấy tiền đâu Cha…
Vậy đó, kinh nghiệm lần đầu tiên đi xe ôm ở Châu Phi của tôi là như vậy đó.
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog