Tin Mừng: Lc 15, 1-10
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.
Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
BƯỚC TỚI – ĐÓN NHẬN – RA VỀ
“Các con thân mến, hãy để Chúa Giêsu nhìn và chữa lành tâm hồn các con… Hãy bắt chước Ngài và làm như Ngài… Chúa Giêsu muốn con có một cái nhìn không chỉ dừng lại ở bề ngoài, nhưng đi vào trong tâm hồn của tha nhân, một cái nhìn không phán xét, một cái nhìn đón nhận. Để gặp gỡ và giúp đỡ lẫn nhau, các con cần đối thoại”1. Đây cũng là lời mời gọi mà bài Tin mừng hôm nay cũng mời gọi mỗi người ki-tô hữu chúng ta hãy làm như vậy.
BƯỚC TỚI
“Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu” (Lc 15,1)
Khung cảnh thật đẹp mở đầu bài Tin Mừng Chúa Nhật 24 TNC hôm nay. Lui tới – động từ chỉ sự qua lại rất thường xuyên giữa hai chủ thể, mà ở đây kể đến là Chúa Giêsu và những người thu thuế, những người tội lỗi. Thật ngạc nhiên, vì người lui tới với Đức Giêsu lại không phải là những người khôn ngoan và lỗi lạc mà lại là những người được cho là “không công chính và ô uế” trong quan điểm của người Do Thái lúc bấy giờ. Xét theo bối cảnh thời đại, người thu thuế và người tội lỗi là thành phần bị tách biệt và cô lập khỏi xã hội, họ đã sống một cuộc đời bị bạn bè và láng giềng xa lánh. Vậy mà nay họ dám can đảm bước tới, đến gần Đức Giêsu để được “nghe Người giảng’’.
ĐÓN NHẬN
Trước hành động đầy can đảm của những người thu thuế và tội lỗi, chúng ta bắt gặp hai cách hành xử hoàn toàn trái ngược. Một bên là “những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau”. Họ xầm xì với nhau về nhóm người này bởi theo họ, đó chính là “những người ô uế” cần phải tránh xa. Những kinh sư luôn tự cho mình là người công chính và có quyền lên án người khác. Họ không biết lắng nghe, cái nhìn của họ không phải cái nhìn yêu thương mà chỉ là sự phán xét và không đón nhận. Trái lại, chúng ta lại thấy cách hành xử hoàn toàn trái ngược của Đức Giêsu, thay vì khước từ, thay vì kết án thì Người lại“đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với họ”. Chúa không cư xử với họ như những người khác đã làm, Người tiếp đón, Người lắng nghe tiếng lòng và những tâm tư, ước muốn của họ; Người cho họ có cơ hội được trải lòng mình ra và rồi Người chữa lành, tha thứ cho họ bằng lòng thương xót vô biên.
Để từ đó, người thu thuế và quân tội lỗi RA VỀ với cõi lòng tràn đầy niềm vui và hoan hỷ; họ ra về với tâm hồn tổn thương nhưng đã được chữa lành. Từ đây, họ vẫn là những con người với thân xác ấy nhưng sống với một tinh thần mới, một cuộc đời mới – cuộc đời của những con người biết Chúa và có Chúa đồng hành.
Câu chuyện đã hơn 2000 năm nhưng vẫn còn tái diễn trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Liệu rằng, mỗi khi chúng ta phạm tội, ta có can đảm “lui tới’’ với Chúa cách thường xuyên như những người thu thuế và tội lỗi năm xưa đã làm, hay ta trốn tránh và thờ ơ với những yếu đuối của chính mình? Liệu rằng, khi chứng kiến tha nhân vấp phạm, ta có mở lòng đón nhận và sẵn sàng yêu thương, tha thứ hay ta chỉ lo “xầm xì với nhau”, xa lánh và không chấp nhận những giới hạn của người khác?
Áng Tin Mừng hôm nay là đoạn rất đẹp nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Ngài không bỏ bất kỳ một con chiên nào mà Ngài đã yêu thương nuôi nấng và chăm sóc. Ngài dạy ta biết rằng Lòng Thương Xót của Ngài thì luôn lớn hơn những tội lỗi mà ta đã phạm. Vì vậy, ta hãy luôn can đảm bước tới với Ngài bất cứ khi nào ta có thể, cả lúc vui, lúc buồn, nhất là khi ta yếu đuối, vấp phạm. Hành động của các kinh sư và người Pharisêu cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta đừng phán xét anh chị em mình. Chúa mời gọi ta hãy trở về với Ngài và cũng mong muốn ta hãy mở ra với tha nhân, bỏ đi những nhỏ nhen, giận hờn, bỏ đi tính ích kỷ, vụ lợi để sống hết mình với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu, từ bi và hay thương xót, xin Chúa giúp chúng con ý thức về thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, để mỗi ngày chúng con đến với Chúa nhiều hơn, để chỉ trông cậy vào Chúa và đón nhận tình yêu thương của Ngài, từ đó chúng con biết đem điều chúng con đã lãnh nhận đến với tha nhân. Amen.
Maria Lê Thị Mơ – Thỉnh sinh
1ĐTC Phanxico, Sống Tốt, Lm. John Phương Đình Toại, M.I chuyển ngữ, tr.146-147.