Giám hạt tòng nhân là một thực thể pháp lý gồm các tín hữu, bao gồm một bộ phận của Giáo hội cổ vũ đời sống và sứ mạng truyền giáo phổ quát theo cách bổ sung cho sứ mạng của các giáo phận, mặc dù các thành viên của Giám hạt phải tuân theo thẩm quyền của các Giám mục. Giám hạt được tổ chức theo phẩm trật, với một vị Giám chức đứng đầu và cùng với các linh mục và phó tế cộng tác với ngài.
Philippines là một trong những nước có số người di cư đông nhất trên thế giới. Hơn 13 triệu dân nước này làm việc ở nước ngoài. Trong số này, khoảng 2 triệu người đang hoạt động trong thị trường lao động và được gọi là “Người lao động Philippines ở nước ngoài” và họ là lực lượng hỗ trợ cơ bản cho nền kinh tế của quốc gia.
Chăm sóc mục vụ tốt hơn cho người di dân Philippines
Đức cha Narciso Abellana, chủ tịch Ủy ban Mục vụ Người Di dân và Người Lưu động của Hội đồng Giám mục Philippines, phát biểu rằng Giám hạt có thể giúp ích rất nhiều cho “Người lao động Philippines ở nước ngoài”, đặc biệt là ở những quốc gia có ít hoặc không có sự hiện diện của Giáo hội Công giáo. Ngài hy vọng rằng ý tưởng thành lập Giám hạt dành cho người lao động di cư sẽ thành công. Ngài cũng lưu ý: “Điều này có thể tạo ra phạm vi tiếp cận rộng hơn trong việc tiếp cận những người lao động nhập cư của chúng tôi, vì nó sẽ không chỉ phụ thuộc vào các giáo sĩ địa phương”.
Dự án thành lập Giám hạt tòng nhân
Dự án thành lập Giám hạt tòng nhân đã được thảo luận trong khoảng ba năm. Hội đồng Giám mục Philippines thậm chí còn thành lập một ủy ban đặc biệt chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất này trước khi gửi quyết định lên Vatican và gửi yêu cầu chính thức.
Trong Phiên họp toàn thể vào tháng 7/2023, các giám mục Philippines đã đồng ý rằng cần thêm thời gian để nghiên cứu dự án trước khi gửi về Tòa Thánh. Đức cha Pablo Virgilio David, chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, giải thích: “Việc gia hạn này được coi là cần thiết để giúp tham khảo ý kiến nhiều hơn với các Hội đồng Giám mục khác, đặc biệt là ở các quốc gia có người di cư và người lưu động Philippines”; đồng thời ngài cho biết thêm: “Ủy ban đặc biệt được yêu cầu đảm trách các vấn đề như hậu cần và đào tạo các linh mục cho mục vụ của “Người lao động Philippines ở nước ngoài”, cũng như đào tạo những người Công giáo di cư làm nhà truyền giáo, đặc biệt ở các quốc gia mà Kitô hữu là thiểu số. (ACI Prensa 13/09/2023)
Hồng Thủy – Vatican News