“Đây không phải là một khối đá, đó là Nhà thờ Chính toà Đức Bà”. Cách đây không lâu, Jean không bao giờ nghĩ từ miệng mình sẽ thốt là những lời xác tín này. Vào chiều tối ngày 15/4/2019, trong lúc đang ngồi xem tivi cùng với gia đình. Trước hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa, người thanh niên vẫn không có một cảm xúc nào. Anh nói trong lúc cha mẹ anh như muốn điên lên: “Con không quan tâm, đó chỉ là một khối đá thôi”.
Mới 25 tuổi, Jean hoàn toàn trái ngược với khuôn mẫu của một thanh niên Công giáo đạo hạnh với quần jean, giày thể thao, tóc dài và bông tai, nói chung một người không thích truyền thống, cổ điển. Sinh ra trong một gia đình Công giáo thực hành đạo tốt, Jean đã đánh mất đức tin từ khi còn là một thiếu niên. Anh nói: “Tôi từng nổi loạn với gia đình và những người thân. Tôi không muốn làm việc và đã rơi vào vòng xoáy của nghiện ngập. Tôi hoàn toàn từ bỏ Giáo hội, tôi tự cho mình là một kẻ vô chính phủ”. Theo Jean, trong giai đoạn đó, anh thực sự đi xuống địa ngục. Từ nghiện ma tuý, anh bị chứng rối loạn tâm thần và phải nhập viện nhiều lần.
Để chiến đấu chống lại ma quỷ đang hoành hành, Jean bám lấy điều mà anh yêu quý nhất: nhà hát. Từ khi còn nhỏ, anh có niềm đam mê nghệ thuật sân khấu, muốn là diễn viên đứng trên sân khấu chứ không phải chỉ là khán giả ngồi ở những hàng ghế như những lần được mẹ đưa đi xem. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh quyết định thi vào trường sân khấu để trở thành diễn viên.
Năm 2020, người sáng lập chương trình Đức Bà Đá Tảng, kể lại câu chuyện Nhà thờ Chính toà Đức Bà Paris bị hoả hoạn tàn phá, đã mời Jean tham gia chương trình. Khi đọc kịch bản, Jean đã thích ngay và lập tức ký hợp đồng. Anh tham gia chương trình vì ngưỡng mộ cái đẹp, và chính cái đẹp này đã thúc đẩy anh tự vấn về ý nghĩa thánh thiêng của cái đẹp. Anh xúc động nhưng vẫn chưa liên kết điều này với đức tin.
Sau đó là những tuần dài suy tư và đấu tranh nội tâm. Dần dần người trẻ tìm lại được bình an và ngừng sử dụng ma tuý. Mấy tháng sau, anh quyết định đi xưng tội và tham dự Thánh lễ. Jean giải thích: “Con đường trở lại của tôi chưa kết thúc. Tôi cần phải học thêm nhiều điều nữa. Tôi tham dự Thánh lễ với sách lễ trên tay và cố gắng tìm hiểu những điều được hướng dẫn trong đó, ví dụ tại sao có những lúc cần phải quỳ gối. Tôi bắt đầu tập thói quen cầu nguyện vào mỗi sáng và chiều tối. Ngày Chúa nhật tôi không còn ngủ nướng nữa”.
Nhờ có vở diễn Đức Bà Đá Tảng mà Jean bắt đầu con đường hoán cải. Anh cảm thấy được nâng đỡ bởi những người trẻ khác, những người đang cùng anh thực hiện cuộc phiêu lưu. Anh nhớ lại: “Khi đến với chương trình, tôi vẫn đang ở giữa cuộc chiến. Một số đồng nghiệp đã giúp đỡ, đồng hành, đưa tôi đến với Thánh lễ. Tôi tìm thấy nơi những diễn viên trẻ này một đời sống thiêng liêng tốt. Điều này đã giúp nâng tôi dậy”.
Là một diễn viên chuyên nghiệp, Jean có nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ 83 diễn viên của chương trình. Trong kịch bản, có một câu anh nói “Đây không phải là khối đá, đó là Nhà thờ Đức Bà”. Đối với anh, những lời này có ý nghĩa mạnh mẽ. Theo một cách nào đó, đây là một cách để anh chuộc lại những gì anh đã nói một cách dửng dưng vào thời điểm xảy ra hoả hoạn.
Jean thú nhận nếu không có nghệ thuật và sân khấu, những điều anh yêu thích, thì không điều gì có thể thúc đẩy anh tìm kiếm Thiên Chúa. Anh nói: “Nghệ thuật là một trong những cách thức đẹp nhất để đến gần Chúa. Tôi thường so sánh một vở opera hoặc một buổi hoà nhạc với thiên đàng. Tuy nhiên, để dung hoà giữa đức tin Công giáo và nghề diễn là điều không dễ. Cần phải can đảm”.
Tuy nhiên, anh khẳng định mặc dù khó khăn anh vẫn trung thành với những gì đã được thúc đẩy. Anh cho mọi người thấy những biểu hiện là người Công giáo mặc dù bị chế nhạo. Lúc đầu thật khó khăn, anh cầu nguyện để biết phải làm gì với sự nghiệp này, dần dần anh đã khắc phục được những cản trở này. Với kinh nghiệm này, anh bảo đảm rằng việc trở thành diễn viên Công giáo không thay đổi gì nhiều, ngoại trừ không chấp nhận những gì xúc phạm đến đức tin.
Trong thời gian tới, Jean sẽ có mặt trên sân khấu của Palais des Congrès với vai người thanh niên khao khát vẻ đẹp và sự vĩ đại. Hâm mộ nhà văn Paul Claudel, người lang thang trong nhiều năm trước khi tìm được đức tin ở Nhà thờ Đức Bà, người trẻ diễn viên mong ước một điều: “Tôi nóng lòng chờ đời khi Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại, tôi sẽ đến cây cột mà Claudel đã đến khi niềm tin trở lại. Tôi trở lại Nhà thờ như đứa con lưu lạc trở về Nhà Cha”.