Tin Mừng: Ga 10, 1-10
(1)“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. (2) Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. (3) Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. (4) Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (5) Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” (6) Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. (7) Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. (8) Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. (9) Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (10) Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Chúa Giêsu – Vị Mục Tử Nhân Lành
Trong bài tin mừng hôm nay, Thánh Gio-an tường thuật cho chúng ta câu chuyện về Người Mục Từ và đàn chiên, và Vị Mục Tử trong bài tin mừng hôm nay là Người luôn hy sinh, chăm sóc để chiên của Ngài được sống và sống dồi dào: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10b).
Trước hết, tin mừng cho chúng ta thấy hình ảnh người mục tử đích thực phải là người đi qua cửa để đến với chiên: “ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10, 2). Cánh cửa là một hình ảnh rất thực tế và quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Theo lẽ thường thì ai trong chúng ta cũng có một gia đình, và cuộc sống của chúng ta bắt đầu từ cái nôi mà chúng ta gọi là nhà. Để vào được nhà của mình thì chúng ta phải có chìa khóa, và chỉ có những ai là chủ nhà thì mới có chìa khóa của ngôi nhà ấy. Do đó, người mục tử đích thực phải là người đường đường chính chính đi qua cánh cửa để mà đến với chiên. Người mục tử này có chìa khóa của riêng mình, anh mở cánh cửa để vào vì anh là chủ nhà và cũng là chủ đàn chiên. Trái lại, những ai trèo qua lối khác để vào thì đều là kẻ trộm, kẻ cướp: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10, 1). Kẻ trộm thì không có chìa khóa của ngôi nhà. Do đó, hắn không thể quang minh chính đại đi vào với đoàn chiên qua cửa được. Hơn nữa, vì không có chìa khóa của ngôi nhà nên kẻ trộm phải trèo qua những lối mà ít có người canh gác để vào bên trong và cướp cũng như bắt mất chiên. Do đó, chỉ những ai đi qua cửa để đến với chiên thì mới là mục tử đích thực.
Ngoài ra, tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy một hình ảnh rất đẹp về mối tương qua giữa người mục tử và đàn chiên. Mối tương quan mật thiết ấy được thể hiện qua việc người mục tử đích thực thì luôn nghe được tiếng của các con chiên. Không những nghe mà anh còn hiểu và nhận ra mùi của chúng. Bên cạnh đó, vì đã quen và khăng khít với chủ nên chiên cũng nhận ra và nghe tiếng của anh. Hơn nữa, người mục tử cũng là người sẽ đi trước để khám phá và tìm cho chiên đồng cỏ xanh tươi. Văn hóa du mục là văn hóa sáng sáng mở chuồng dẫn chiên đi và tối tối đưa chiên về an toàn. Để có một đồng cỏ xanh tươi và an toàn cho chiên thì người mục tử phải đi trước để khám phá xem đồng cỏ phía trước có an toàn hay không. Nếu có sói hay thú dữ thì chính anh sẽ là người chiến đấu với chúng để bảo vệ và mang lại an toàn cho đoàn chiên. Thật vậy, chỉ có vị mục tử đích thực, và là chủ của đoàn chiên thì mới quan tâm và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ đàn chiên như thế, còn những kẻ chăn thuê thì sẽ không có sự tận tâm hết mình như vậy. Khi sói đến, hắn bỏ chạy tháo thân và không quan tâm đến sự an nguy của đàn chiên. Ngoài ra, vì là mục tử đích thực và ở với chiên cả ngày nên vị mục tử cũng thấm đẫm mùi chiên; anh cũng biết tính cách của từng con chiên trong đàn của mình; anh cũng biết con nào khỏe và con nào ốm yếu, v.v. Vì vậy, mỗi tương quan giữa người mục tử và đàn chiên của anh là mối tương quan tràn đày sự yêu thương chăm sóc, và chỉ có Vị Mục Tử đích thực mới làm được điều này.
Chúa Giê-su đã khẳng định cho chúng ta thấy rằng Ngài là Vị Mục Tử Nhân Lành đích thực: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10, 9). Tam Nhật Thánh mà chúng ta mới cử hành trước lễ Phục Sinh đã cho chúng ta thấy rõ hình ảnh của Vị Mục Tử hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên. Vị Mục Tử đích thực thấm đẫm mùi chiên và hiểu rõ từng con chiên trong đàn chiên của Người. Người nghe từng tiếng than thở trong cuộc sống của chúng ta. Người tự nguyện mang lấy những đau khổ, thử thách, khó khăn của chúng ta và Người chữa đã lành tất cả mọi vết thương để mang lại cho chúng ta cuộc sống bình an: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 20b). Cuộc sống của chúng ta còn rất nhiều những con chiên lạc xa đàn. Hy vọng những con chiên này biết nhận ra vị mục tử và đàn của mình để đi qua “Cửa” cùng với những con chiên khác mà đến với đồng cỏ xanh tươi, nơi mà chúng được sống và sống dồi dào.
Chúa Nhật hôm còn được gọi là ngày lễ “Chúa Chiên Lành”, chúng ta cũng được mời gọi sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa – Vị Mục Tử Nhân Lành luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ nam nữ, những người đang sống trong đời Thánh hiến. Họ là những mục tử theo chân Vị Mục Tử Nhân Lành để chăm sóc đoàn chiên của Chúa giữa cuộc sống đầy phong ba và cám dỗ ngày nay. Xin cho các Ngài được đầy tràn ơn lành hồn- xác để các Ngài luôn là những vị mục tử đích thực hiểu và nghe tiếng chiên để chăm sóc cũng như mang lại bình an cho đoàn chiên mà Đức Giê-su đã ủy thác. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên cầu xin cho các bạn trẻ biết luôn quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa để tiếp nối sứ vụ chăm sóc đoàn chiên giữa thế giới ngày này khi cuộc sống còn nhiều đàn chiên khác cần được chăm sóc: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 36-38).
Đaminh Xuân Hồng