Tin Mừng: Ga 1, 6-8. 19-28
Có người đã được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Và đây là chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Ðấng Ki-tô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là Ê-li-a không?” Ông nói: “không phải”. – “ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không”.
Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói”.
Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisieu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Elia hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sống Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
Cuộc Đời Làm chứng
Gioan – một nhân vật được nhắc đến trong suốt Mùa Vọng, được biết đến như Vị Tiền hô đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế; và với Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B hôm nay, ông được giới thiệu rõ hơn, ông chính là người được Thiên Chúa sai đến: “Có người đã được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an”. Gioan đến để “làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”.
Tin mừng hôm nay cũng như nhiều bài Tin mừng khác cho ta thấy một đặc điểm trong cách làm chứng của Gioan Tẩy giả: Khi làm chứng, Gioan không nói về chính mình, không quy về mình, không nghĩ về mình và không lo cho mình, mà chỉ làm chứng về “sự thật”, về “ánh sáng” và “ánh sáng” ở đây chính Đức Kitô vì Ngài đã nói sau đó: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 12,44).
Từ những gì được các Thánh sử kể lại trong Tin mừng, có thể nói rằng, vào thời điểm đó, ông Gioan có một tầm ảnh hưởng nhất định, ông được nhiều người tìm đến và hẳn là rất được mến mộ: “Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông” (Mc 1,5). Tuy nhiên, ông đã luôn và chỉ làm chứng về Đức Giêsu, khi được hỏi ông là ai, có phải là Ðấng Kitô hay ngôn sứ Êlia? Ông đáp: “không” và thẳng thắn tuyên bố: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa”. Thật vậy, ông chỉ coi mình là người đi “sửa đường” để chuẩn bị lòng dân đón Chúa, ông cũng xác tín ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để “làm chứng về ánh sáng”. Không những thế, ông còn khiêm tốn trong sự nhận biết về chính mình: “tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Không chỉ dùng những lời nói để rao giảng, để kêu gọi người ta sửa đổi, mà ông còn dùng cả đời sống của mình để làm chứng: ông sống trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn chấu chấu và mật ong rừng (x. Mc 1,4-6). Có thể nói, Gioan đã dùng cả con người và cuộc đời mình để làm chứng cho Thiên Chúa.
Đức Phaolo IV có viết: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là chứng nhân”. Như vậy, không chỉ có xưa mà ngày nay cũng thế, việc là một chứng nhân luôn có giá trị lớn lao. Vậy nếu chúng ta luôn tự hào mình là người Công giáo, mà đời sống của chúng ta chưa thể hiện được niềm xác tín vào Đức Kitô và chưa diễn tả được cốt lõi của Tin Mừng thì làm sao người ta có thể nhận ra gương mặt của Chúa?
Là người Kitô hữu, chúng ta phải nói và làm luôn đi đôi với nhau mới có sức thuyết phục và mới có thể làm chứng cho Chúa được. Bên cạnh đó, mỗi khi chúng ta sống bác ái yêu thương phục vụ, sẵn sàng hy sinh, quảng đại, tha thứ… là chúng ta đang trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô ngay giữa thời đại này.
Nhìn vào tấm gương của Gioan Tẩy giả, chúng ta hãy học nơi ông cách hạ mình xuống để Chúa được lớn lên, biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng, xóa mình ra không để Chúa được tỏ mình ra cho muôn dân. Ước gì mỗi người chúng ta, bằng đời sống của mình, sẽ trở thành chứng nhân sống động của Chúa như Gioan tiền hô.
Anê Trần Thị Dung