Trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, thánh sử Luca đã thuật lại cho chúng ta cuộc viếng thăm giữa Đức Maria và bà Elisabeth. Sự kiện tưởng chừng thật đơn giản, thân tình, nhưng thực chất đây lại là cuộc gặp gỡ đầy thánh thiện và ngập tràn tình yêu.
Trước hết, gọi đây là cuộc viếng thăm thánh thiện, bởi người đi thăm là Đức Maria – người mang Chúa trong lòng, “người có phúc hơn mọi người phụ nữ” và là người “có phúc bởi đã tin”. Sự hiện diện của Mẹ Maria là điểm nương tựa cho bà Elisabeth lúc thai kì. Hơn thế, Mẹ còn đem niềm vui, ơn cứu độ cho gia đình người chị họ. Bởi thế, người được thăm là Bà Elisabeth cũng đã lãnh nhận được nhiều hoa trái thánh thiện, bà thốt lên lời hân hoan: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng” (Lc 1, 43-43). Đây không chỉ là cuộc viếng thăm của hai người bà con, nhưng hơn hết là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa với dân Người, là cuộc gặp gỡ giữa hai hài nhi: hài nhi Giêsu và hài nhi Gioan. Cuộc gặp gỡ này khiến hài nhi Gioan đã nhảy lên vì vui sướng.
Mặt khác, đây còn là cuộc viếng thăm của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi phải được biểu lộ bằng hành động, sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ và hi sinh cho tha nhân. Ngay khi được thiên sứ bao tin, và biết được người chị họ của mình đang mang thai, Maria đã không ngại đường xa, với đầy hiểm nguy vây bủa, nhưng Mẹ “vội vã” ra đi. Mẹ ra đi không phải để khoe khoang về ân huệ Mẹ vừa lãnh nhận, cũng không phải vì tò mò đến để xem lời thiên sứ nói có thực không. Mà trên con đường đầy sỏi đá cheo leo đó, Mẹ bước đi bằng cả tâm hồn, với tất cả tình yêu. Trái tim Mẹ hoà nhịp đập cùng Giêsu, với khát khao phục vụ mọi người, để chính những người Mẹ gặp, chính những nơi Mẹ đến cũng được đầy tràn niềm vui và ân sủng Chúa.
Câu chuyện Đức mẹ lặn lội đường xa đến thăm và giúp đỡ bà Elisabeth đã cho chúng ta nhiều điều để suy gẫm. Chúng ta nhận ra rằng, cuộc sống xô bồ tấp nập càng làm cho những cuộc viếng thăm của chúng ta thưa dần. Những lời hỏi han hời hợt, vội vàng qua “chiếc cam” của di động, máy tính làm những mối tương quan của chúng ta trở lên lỏng lẻo, dễ rạn nứt. Thậm chí, ngay cả những người tu sĩ sống trong cùng một cộng đoàn, những thành viên trong gia đình sống dưới cùng một mái nhà, mà nhiều khi chỉ sống bên cạnh nhau, chứ không phải sống với nhau, không nhớ đến nhau. Điều này làm người ta thấy cô đơn ngay trong chính nơi gọi là mái ấm, lạc lõng ngay ở nơi gọi là cộng đoàn. Người ta ngại tới thăm nhau không phải vì đường xa, nhưng còn vì những hố sâu ngăn cách của định kiến, ích kỷ, ghen tương, dối trá, nhỏ nhen, oán thù… Ngược lại, cũng có những người thăm viếng nhau hàng ngày, dành hàng giờ đề nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ của họ chẳng những không giúp ích gì cho nha, mà còn là dịp tội cho nhau, là dịp để nói xấu, dèm pha và huỷ hoại người khác. Ngoài ra, có những cuộc gặp gỡ đưa đến cãi vã, bất hoà và làm mất bình an nơi người khác.
Trong những ngày cuối cùng của Mùa vọng, chúng ta không chỉ được mời gọi dọn lòng để đón Chúa đến, nhưng còn phải mở lòng để đón nhận tha nhân, bước đến để giúp đỡ, làm hoà và mang niềm vui, sự bình an cho những người mà ta gặp gỡ. Xin Chúa cho chúng con biết học với Mẹ, biết cộng tác với ơn Chúa, luôn để Chúa hiện diện trong cuộc đời, không bo bo giữ lấy hồng ân Chúa ban, khả năng Chúa trao để tìm ích cho mình, nhưng mạnh mẽ ra đi đem Chúa cho mọi người. Để bất cứ nơi nào chúng con có mặt thì cũng có Chúa ở đó, để những người quanh chúng con cũng tìm gặp được niềm vui, sự bình an và giúp đỡ.
Têrêsa Ngọc Lệ