Tin Mừng: Mt 11, 2-11
Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”
Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.
Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: ‘Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con’.
Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.
ĐẤNG PHẢI ĐẾN
Nếu hai Chúa Nhật đầu của Mùa Vọng phụng vụ được bao phủ bởi mầu tím, mầu của hy vọng, mầu của ăn năn sám hối dọn đường đón Chúa, thì hôm nay khi chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ ba, mầu tím hy vọng ấy lại được chuyển sang mầu hồng, diễn tả niềm vui chan hòa vì Chúa sắp đến đem ơn cứu độ cho nhân loại. Vây dựa vào đâu mà ta biết niềm hy vọng của ta không vô vọng, nhưng đầy khả thi?
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho ta câu trả lời qua những nghi ngờ và những chuyển biến nội tâm của Gioan tẩy giả. Gioan là vị tiền hô, người mở đường, người loan báo, giới thiệu Chúa đến. Thế nhưng, thật lạ lùng đến khó hiểu, người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ Người mà mình giới thiệu. Thì ra Gioan cũng trải qua tâm trạng hoang mang. Đức tin của ông cũng bị chao đảo, có lúc nửa tin nửa ngờ. Và câu trả lời gián tiếp của Chúa cho những nghi ngờ của Gioan khẳng định cho ta thấy một Thiên Chúa đã đến ở với nhân loại và đường lối của Ngài khác xa với sự hiểu biết của con người biết bao. Ngài không đến để trừng phạt ta nhưng ngài đến cho ta được sống và được sống dồi dồi, đó là niềm vui cho những ai đang đợi chờ và đặt niềm hy vọng nơi Ngài.
Trước đây, Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại: “Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi”. Nhưng rồi, khi Chúa đến, Gioan Tẩy Giả lại thấy thất vọng, vì ngày Chúa đến chẳng có gì là kinh hoàng như ông đã loan báo trước. Đang lúc đó chính ông lại phải ngồi tù, vì đã nói thẳng, nói thật. Thật là trớ trêu! Kẻ tội lỗi không bị trừng phạt, người ngay lành thì lại bị giam cầm tù tội. Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà người của Thiên Chúa sao chờ đợi hoài mà chẳng thấy Ngài đến để giải cứu. Gioan đã nghi ngờ, mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được nữa, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?” Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì quyết định ý nghĩa cuộc đời Gioan và giải đáp cho niềm hy vọng của nhân loại. Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật lại cho Gioan những việc Ngài làm, đó là “kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.
Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế đến không như vị vua oai phong ngự xuống trên đám mây, nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người. Đấng Cứu Thế không xuất hiện như vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga, nhưng chỉ là con bác thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh. Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm chuyên trừng phạt, nhưng Ngài là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương. Thì ra Chúa Cứu Thế đến “không phải để xét xử luận phạt, nhưng để tìm kiếm và cứu những gì đã hư hỏng”. “Ngài đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi ăn năn”. “Ngài đến để cho con người được sống và được sống dồi dào”. “Và Ngài còn đến không phải để được người ta hầu hạ phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống cứu chuộc loài người”.
Chúa Cứu Thế đã xuất hiện trong cung cách như thế đó. Ngày nay, chúng ta cũng cần phải hết sức tỉnh táo mới khỏi đón hụt mất Chúa Cứu Thế. Bởi vì, vẫn như ngày nào, Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta; không ồn ào giữa hàng lũ người tuỳ tùng hầu hạ kiểu vua chúa phong kiến, mà ẩn mình trong thân phận những con người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật… Vẫn như ngày nào và sẽ mãi mãi như vậy. Ngài không dạy chúng ta đón nhận Ngài bằng bất cứ một hình thức nào khác hơn là đón nhận chính con người anh chị em xung quanh chúng ta với những thiếu sót, những yếu điểm, những người bé nhỏ, đói khát, mình trần thân trụi, không nhà không cửa, ốm đau bệnh tật, tù đày.
Chúa đã đến cách đây hơn hai ngàn năm rồi, thế nhưng biết bao người vẫn đang mong chờ một Chúa Cứu Thế khác sẽ đến, hay nghi ngờ như Gioan, không biết Ông Giêsu này có phải là Chúa Cứu Thế? Thậm chí có cả những người đã đi theo Chúa cũng nghi ngờ Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế của họ mỗi khi họ phải đối diện với khổ đau, những thách đố và bất công trong cuộc sống. Nhiều người thắc mắc, tại sao Chúa cứ bắt tôi phải đói khổ, bệnh tật? Tại sao Chúa không trừng trị địch thù, những bọn gian ác? Thế nhưng, nhiều khi chúng ta quên mất rằng, tất cả chúng ta đều là tội nhân, nếu Thiên Chúa nghiêm thẳng thì có lẽ trên trần gian này sẽ không còn ai hiện hữu. Chúa Giêsu Kitô chính là “Đấng phải đến” và Ngài đã đến rồi. Đó là niềm vui và niềm tin của chúng ta hôm nay như niềm tin sống động của Thánh Phêrô, “Ngoài Đức Giêsu ra, dưới bầu trời này, ơn cứu độ chúng ta không có ở một người nào khác, không có một ai khác có khả năng cứu độ chúng ta” (Cv 4,12).
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã đến, đã chết để cứu chuộc chúng ta, đã sống lại và đang sống ở giữa chúng ta. Người đã giải phóng chúng ta và bao nhiêu con người khác đang bị giam cầm trong tội lỗi. Chúng ta hãy vui mừng và diễn tả niềm vui ấy không chỉ bằng những màu sắc bên ngoài nhưng là niềm vui sâu thẳm bên trong, niềm vui của con người đã được Thiên Chúa cứu độ, được tự do và được sống dồi dào dưới nền cai trị của Vị Hoàng Tử Hòa Bình.
Dạ Quỳnh