Chương 2: Kibera
8. Đi về đâu hỡi em?
Tôi đi ngang khu chợ trời nằm bên rìa khu ổ chuột. Người ta bày bán đủ thứ gạo, muối, rau củ, trái cây, quần áo… Giá của một chiếc quần tây là 100 Shilling, nghĩa là vào khoảng 0,6 Đôla.
Tôi ngước mắt nhìn lên trên đầu mình. Một tấm bảng hiệu quảng cáo với chiếc bánh Pizza to tổ đùng. Giá của chiếc Pizza trong bảng quảng cáo là 999,9 Shilling. Như thế, một miếng ăn dành cho những người Châu Âu có thể đổi được 10 cái quần tây cho người dân sống trong khu này. 10 cái quần tây chắc chắn đủ cho 1 người sống trong khu ổ chuột mặc suốt một đời. Tôi tự hỏi, liệu những đứa trẻ lớn lên từ đây có bao giờ được nếm thử vị thức ăn của dân Châu Âu là thế nào không?…
Trong số những người bán hàng bên đường, có rất nhiều cô gái chỉ đứng không chẳng làm gì. Thỉnh thoảng họ mới đưa tay vẫy khách.
Bạn tôi bảo rằng khu vực chợ búa này phức tạp lắm, đừng bao giờ đi một mình. Đàn ông thanh niên đi một mình vào đây thế nào cũng bị các cô chèo kéo. Bạn tôi còn bảo giá một cuốc đi khách của một cô gái đứng đường trong khu ổ chuột là 300 Shilling, quy đổi ra chưa được 2 Đôla Mỹ. Chưa bằng một phần ba giá của cái bánh Pizza trên biển quảng cáo!
Tôi bỗng dưng nhớ đến cô bé Britta tội nghiệp. Tôi bỗng dưng nhớ đến những người phụ nữ trong căn nhà nhỏ bé của Frida. Chẳng lẽ nào…
Trong khu vực này, hầu như không có bất cứ thứ gì là của chính phủ. Điện, nước, chợ, thức ăn, đồ đạc… đều là của người dân tự lo tự túc. Có được một bóng điện trong nhà là điều gì đó rất xa xỉ. Dịch vụ bảo hiểm và chăm sóc y tế là những khái niệm chừng như chưa bao giờ tồn tại ở chốn này. Tôi bỗng hiểu tại sao tỉ lệ người nhiễm HIV trong khu ổ chuột này lại cao đến gần 15%. Tôi không hình dung được khi dịch Covid quét ngang qua, những người dân nơi đây phải khốn khổ đến độ nào…
Cho đến tận hiện tại, chính quyền Kenya vẫn không chấp nhận tính cách hợp pháp của khu định cư Kibera. Để tự bảo vệ mình, cộng đồng Nubian ở Kibera thành lập riêng cho mình một Hội Đồng Bô Lão và các Uỷ Viên với nhiệm vụ chiến đấu chống lại chính phủ. Cuộc chiến giành giật đất đai bắt đầu khi Hội Đồng Bô lão tuyên bố chủ quyền trên gần 5km2 đất của Kibera, trong khi chính phủ chỉ nhìn nhận cho họ trong phạm vi khoảng 1,2 km2. Nghĩa là trên lý thuyết, mỗi người dân Kibera chỉ được cho 1m2 đất để sống.
Là chốn tập hợp của dân tứ xứ và đa tạp, cộng với những áp lực từ phía chính phủ, thung lũng và khu ổ chuột Kibera thường xuyên bị biến thành điểm nóng của chiến tranh giữa các băng đảng. Ẩu đả thường xuyên xảy ra giữa những phe nhóm muốn giành giật quyền hành. Xung đột càng xảy ra, càng có thêm nhiều người dân vô tội lâm vào cảnh cùng khốn.
Một kế hoạch tái định cư cho người dân sống trong khu ổ chuột thật ra đã có từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng kế hoạch ấy vừa ra đời thì đã ngay lập tức chết yểu. Đơn giản vì khu tái định cư trong dự định lại nằm gần khu định cư của những người giàu da trắng có nhiều ảnh hưởng trong giới chính trị của Kenya. Người giàu đâu bao giờ muốn dây vào cái nhếch nhác của dân nghèo.
Năm 2009, chính quyền Kenya tuyên bố chủ quyền của chính phủ trên toàn bộ khu đất Kibera. Chính quyền còn đưa ra một chương trình giải toả và tái định cư người dân Kibera nhằm làm sạch thành phố. Họ cho xây dựng một khu tái định cư gần sát bên khu ổ chuột. Khu tái định cư hứa hẹn sẽ có chợ, trường học, sân chơi, và nhiều dịch vụ phức hợp khác… Họ bắt đầu kế hoạch 5 năm.
Nhóm đầu tiên có gần 1.500 người bị cưỡng chế đưa vào khu tái định cư. Sau đó, một nhóm gần 5.000 người khác cũng bị bứng đi khỏi mảnh đất mà cả dòng dõi của họ đã sống lây lất trong hơn 100 năm qua, để trồng vào khu tái định cư vừa được xây dựng. Số tiền thuê mà người dân tái định cư phải trả là 10 Đôla/tháng cho một căn hộ.
Chuyện phức tạp lên khi nhóm những người chủ đất Nubian mất quyền lợi đâm đơn kiện chính phủ vì hành vi cưỡng bức người dân cách vô pháp. Nhiều cuộc biểu tình và bạo lực nổ ra.
Lại có rất nhiều người vào khu định cư nhưng không ở được, đành thất thểu quay về khu ổ chuột. Trong khu định cư mới, họ không tìm được công ăn việc làm. 10 Đôla tiền thuê nhà hàng tháng trở nên một khoảng tiền họ không kham nổi.
Vậy là chương trình tái định cư thử nghiệm cho 6.500 người dân, kéo dài 5 năm trời, lại chẳng đi tới đâu cả. Với nhịp độ ấy, để giải quyết chỗ ở cho hơn 1 triệu 200.000 ngàn con người, thời gian cần là phải bao lâu? Nhẩm sơ sơ, chắc đó phải là một chương trình kéo dài tận 923 năm!
Nhưng mà cũng chưa chắc đã đi tới đâu…
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog