Ngay sau khi tạo dựng nên Ađam – con người đầu tiên, Thiên Chúa thấy rằng, con người ở một mình thì không tốt, nên Ngài đã tạo ra Eva để bầu bạn với Ađam, để hai người họ có thể nâng đỡ và chia sẻ cùng nhau (x. St 2, 18-24). Không ai trong chúng ta là một hòn đảo và không ai trong chúng ta là người hoàn hảo; vì thế, chúng ta – những người sống trong ơn gọi thánh hiến cũng cần được sống chung với những người khác để bổ túc cho nhau vì những thiếu sót của mình. Có lẽ, đây là một trong những lý do mà hai từ “cộng đoàn” đã xuất hiện.
Cộng đoàn là nơi hội tụ những người cùng chung lý tưởng, cùng yêu mến và hiệp lòng phụng sự Thiên Chúa. Cộng đoàn cũng là một hồng ân lớn lao, là một “món ăn” không thể thiếu trên bàn tiệc hồng phúc mà Thiên Chúa dành cho những ai nguyện dâng hiến cuộc đời cho Ngài. Thiên Chúa đã ban “món ăn” đó để nâng đỡ tinh thần, để giúp ta hoàn thiện hơn mỗi ngày qua việc sống chung với chị em. Món ăn đó có đầy đủ các vị: chua, cay, đắng, chát, mặn, và ngọt. Nhưng tuỳ vào cảm nhận hay thái độ đón nhận của từng người, mà món ăn đó trở thành món “khoái khẩu,” hay món nhàm chán buộc phải ăn vì đã được bày sẵn trên bàn.
Vị ngọt cuả món ăn nổi trội hơn những vị khác, đó là khi chúng ta cảm nhận được những hoa trái tốt đẹp mà đời sống cộng đoàn đem lại như lời Thánh vịnh 133 đã diễn tả:
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay
Anh em được sống vui vầy bên nhau”.
Tuyệt vời biết bao, khi những con người chưa từng quen biết nhau, giờ đây được “vui vầy” bên nhau trong một cộng đoàn, để cùng nhau dâng lời chúc tụng, cùng nhau thi hành sứ mạng người nữ tì của Chúa. Vì chung một lý tưởng, cùng một con đường, chung một đích đến, mà những con người xa lạ đó không ngần ngại nhưng sẵn sàng chia sẻ, nâng đỡ nhau về vật chất cũng như tinh thần. Tuyệt vời biết bao, khi những giây phút ta thấy mình xao xuyến, yếu lòng hay buồn phiền, thì luôn có các chị em là những người đầu tiên nhận ra sự khác lạ ấy, mà đến gặp gỡ để chia sớt nỗi buồn cùng ta. Mặc dù, chị em chưa chắc có thể giúp ta giải quyết được chuyện làm cho ta phải buồn phiền, nhưng ít ra khi nỗi buồn được chứa đựng bởi hai trái tim, thì chắc chắn nó không còn đủ mạnh để làm ta buồn nữa. Tuyệt vời biết bao, mỗi chị em, khi đến với cộng đoàn, là con người với những tính cách khác nhau, những sở thích khác nhau, những khả năng Chúa ban cho cũng không ai giống ai. Sự khác biệt và đa dạng ấy của chị em trong cộng đoàn giúp cho mọi người thi hành sứ vụ của mình một cách tốt đẹp nhất, bởi vì khi ai đó không đủ khả năng trong một việc này việc kia, thì sẽ được bù đắp lại bằng khả năng của chị em khác trong cộng đoàn. Qua đó, ta cảm thấy được sự quan phòng và sắp đặt của Thiên Chúa thật tuyệt vời cho mỗi chúng ta.
Vào những giây phút ta chểnh mảng trong đời sống thiêng liêng, những giây phút ta thấy mình không còn nồng nhiệt với tình yêu của Chúa, mà chỉ chăm chú vào những công việc sứ vụ, thì đời sống gắn bó mật thiết với Chúa của các chị em khác là động lực giúp ta làm mới lại tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, điều mà chắc chắn chúng ta không có được khi ta không sống trong cộng đoàn. Như những viên đá, khi người thợ nhận ra giá trị của nó, nhận ra những điểm chưa đẹp của nó, nó sẽ được gọt dũa. Càng được mài dũa kỹ càng, càng được chăm chút từ những chi tiết nhỏ, thì nó càng toả sáng, càng có giá trị. Bản thân chúng ta cũng thế, đời sống cộng đoàn là môi trường giúp ta nhận ra những đức tính tốt và những điểm chưa được của bản thân. Đời sống cộng đoàn giúp ta mài dũa những khiếm khuyết nơi bản thân, như tính ích kỷ, tham lam, hay chê trách, hay bắt lỗi, v.v. Ta càng chăm chỉ, kiên trì gọt dũa bao nhiêu, thì ta càng có thể trưởng thành hơn, tỏa sáng hơn, và trở thành người nữ tu thánh thiện, hiền lành của Chúa bấy nhiêu. Khi đó, chắc chắn “món ăn” cộng đoàn sẽ trở nên ngọt ngào, hấp dẫn đối với ta hơn, dù ta có ăn đi ăn lại, ta cũng không bao giờ cảm thấy chán, vì đó là “món ăn hồng phúc”.
Nhưng ta cũng có thể khẳng định rằng, “món ăn” cộng đoàn đó không phải lúc nào cũng dễ ăn, vì đôi khi, ta còn cảm nhận được vị đắng, vị cay, vị chua của nó. Thực tế, trong cuộc sống cộng đoàn, đôi khi có những điều hợp ý ta nhưng lại mâu thuẫn với suy nghĩ của người khác, hoặc phù hợp với nhu cầu và ý thích của người khác nhưng lại trái nghịch với sở thích của ta. Vì thế, một khi sống trong cộng đoàn, ta không thể tránh được những va chạm không mong muốn với người khác. Chẳng ai muốn tạo nên cho cuộc đời mình đầy những sóng gió và đau khổ. Nhưng vì sự khác biệt về tính cách hay những quan niệm khác nhau về cách giải quyết vấn đề, hay chỉ vì tính nóng giận nhất thời, mà chúng ta không ngần ngại làm tổn thương chị em mình. Vào những thời khắc đó, chúng ta được mời gọi hành xử giống như Chúa Giêsu trong câu chuyện phán xét người phụ nữ ngoại tình. Trước hết, chúng ta hãy giữ thinh lặng. Thinh lặng để lắng nghe. Thinh lặng để ta không bị hoà vào đám đông mà đánh mất đi chính kiến của bản thân mình. Thinh lặng để ta có thể bình tâm và sau đó có thể giải quyết vấn đề trong tinh thần “sửa lỗi huynh đệ”. Bên cạnh đó, Linh đạo Đaminh còn dạy cho chúng ta một phương cách khác để giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống cộng đoàn, đó là “đối thoại”. Trong đối thoại, ta có cơ hội để hiểu hơn về suy nghĩ và những mong muốn của chị em, và khi đó, ta cũng có cơ hội để nói lên quan điểm của chính mình. Và sau đó, trong tình huynh đệ, ta có thể dung hoà giữa mong muốn, ý chí của ta với các chị em. Trong tình huynh đệ trong cộng đoàn, đôi khi cũng có những vị đắng chát của đau khổ và xót xa. Nhưng ta đừng nên tìm cách tránh né những vị đó. Vì chỉ khi được nếm qua những vị đắng cay đó, ta mới thấy được vị ngọt ngào tuyệt vời biết bao.
Quả thật, đời sống cộng đoàn là một hồng ân Thiên Chúa dành cho mỗi tu sĩ. Và Thiên Chúa cũng mong muốn mỗi người tu sĩ đáp trả lại bằng cách sống hồng ân đó một cách đúng nghĩa nhất. Đời sống hằng ngày sẽ là câu trả lời riêng của mỗi người. Nhưng có lẽ, điều tuyệt vời nhất là sống bằng cả trái tim, sống bằng ân huệ mỗi ngày Chúa ban cho ta trong đời sống cộng đoàn. Với một tâm hồn được đong đầy tình yêu của Chúa, ta luôn có thể mỉm cười với các chị em. Ta có thể mỉm cười, vì trong ta có Chúa. Ta mỉm cười, để đem lại niềm vui cho mọi người, và đôi khi, nụ cười của ta có lẽ sẽ là động lực cho một chị em nào đó đang mang trong lòng nỗi buồn phiền. Đó có lẽ là điều Thiên Chúa mong muốn nhất ở nơi mỗi người chúng ta – một cộng đoàn ngập tràn tình huynh đệ.
M. Madalena Đinh Hạnh, Thỉnh sinh