Cuộc sống là những chuỗi ngày dài tìm kiếm, nhưng tìm gì đó mới là điều quan trọng. Con người thời nay có xu hướng tìm những thứ vật chất bên ngoài: tiền tài, danh vọng, địa vị… đến nỗi một số người bất chấp tất cả để được sống cuộc sống mà họ gọi tên là “Hạnh phúc”. Bên cạnh đó lại có những người đi ngược với quy luật cuộc sống, cũng một khát khao, một hoài bão nhưng họ mang theo chúng vào cuộc sống gọi là “Đời tu” và nơi ấy họ từ bỏ tất cả để tìm được thứ mà mình muốn. Vậy họ tìm gì? Như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có nói: “Đời tu là một nỗ lực tìm kiếm cái đẹp”(trích Tông huấn đời sống Thánh hiến). Câu nói ấy gợi lên trong tâm trí một Thỉnh sinh tu Dòng như tôi những suy nghĩ về “ cái đẹp” trong đời tu, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang tìm kiếm thứ gì khác ngoài “cái đẹp” mà đời tu mang lại.
Theo cách nói của người Việt Nam: Tu sĩ là những người dâng mình cho Thiên Chúa. “Tu là sửa”. Nếu gọi Nha sĩ là chuyên về răng, Nhạc sĩ chuyên về nhạc thì hiểu nôm na “Tu sĩ” là những người chấp nhận tu bổ, sữa chữa bản thân theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy hoán cải, sửa đổi và nên hoàn thiện” ( Mt 5,48).
Xưa kia, Chúa gọi mời gọi các tín hữu tiên khởi sống với nhau “một lòng một trí” (Cr 2, 42 – 47) thì ngày nay Chúa cũng thôi thúc chúng ta: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19) bằng cách tự hiến chính bản thân, quảng đại dâng mình cho Ngài vào một cuộc sống bị coi là “ngược đời” nhưng ẩn chứa biết bao “Cái đẹp” mà Chúa mời gọi ta “Hãy đến mà xem” (Ga1,39).
Khác với những vẻ đẹp tự nhiên, “Cái đẹp” mà đời tu mang lại chính là một “Tâm hồn đẹp” mà người khác không thể nhìn nhận và đánh giá, vì nó thuộc về nội tâm của chính chủ thể đang đi trên hành trình của mình. Nhưng cũng không dễ để khám phá “Cái đẹp” tiềm ẩn ấy, nó đòi ta phải có một khao khát mãnh liệt cùng sự can đảm, dám nỗ lực tìm kiếm, chấp nhận con người thật của mình để tìm đến những giá trị cao cả, thiêng liêng liêng hơn qua việc nhạy bén để nhận ra thánh ý Chúa trong từng giây phút.
Một tâm hồn đẹp là một tâm hồn luôn hướng về Thiên Chúa, nghĩa là luôn quy về sự thiện. Khi hướng về sự thiện mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của ta sẽ trở nên bác ái và yêu thương hơn với hết mọi người. Nhờ vậy, đời tu không chỉ giúp ta hình thành một con người đạo đức, thánh thiện, đời tu còn mang ơn phúc đến cho những ai cần đến ơn Chúa, cũng như phần rỗi các linh hồn cho cha mẹ, gia đình của ta.
Một khi sự nỗ lực tìm kiếm được Chúa trả công, tâm hồn của ta sẽ tràn ngập niềm vui và bình an dù trước mắt là một tá những gian nan thử thách.
Đối với tôi, trước khi đi tu việc san sẻ đồ của mình cho anh em trong gia đình là một việc không dễ, nhưng nay, khi bước vào đời tu, tôi có thể mau mắn và sẵn sàng gom những thứ mình có làm của chung cho một cộng đoàn toàn người xa lạ. Tôi hạnh phúc và bình an khi được cho đi, chính vì khám phá ra một thực tế “ Chúa Giêsu xây đắp nên tâm hồn ta, bản chất là đẹp và tuyệt vời hơn những gì ta nghĩ, nó rộng, quảng đại và bao dung hơn tôi tưởng. Điều đó trở nên hấp lực khiến tôi ngày càng muốn lún sâu, chinh phục và khám phá con đường dâng hiến của mình, con đường Chúa đã mời gọi tôi …
Vậy tại sao có những người “cảm” và tìm được “cái đẹp” trong tâm hồn của mình nhưng lại có những người chẳng tìm được gì ngoài một tâm hồn sáo rỗng? Phải chăng họ đang tìm một thứ gì khác ngoài “Cái đẹp” mà Chúa Giê su muốn nơi họ?
Có rất nhiều bạn trẻ đi tu vì những lí do rất dễ thương và trong sáng: Được Lời Chúa tác động, được người quen giới thiệu, thích thú với bộ áo dòng, hay đơn giản tò mò đời tu như thế nào như tôi, nhưng chắc hẳn tất cả đã nằm trong kế hoạch gọi mời “ chung sống” của Chúa.
Bên cạnh đó, có những người đặt chân vào dòng vì muốn trốn tránh những bon chen của thế gian, sợ rằng mình không thể bon chen giữa cuộc sống ấy và họ tìm đến đời tu như “một nơi ẩn nấp”. Lại có những người nghĩ rằng đời tu mới có thể đưa tài năng của họ đến cho nhiều người biết và chỉ đi tu, tài năng của họ mới được khai phá triệt để. Đó phải chăng là tìm đến đời tu như một “bàn đạp danh vọng” để tìm kếm “cái tôi” của bản thân? Lại có người tìm đến đời tu như một “nhà trọ cao cấp” với đầy đủ tiện nghi để học tập và làm việc như ý họ muốn.
Kết quả là gì? Dù có thể sống lâu năm trong đời tu đi chăng nữa đời sống của họ chẳng thể nào thăng tiến, cuộc sống cứ “tà tà” và không có gì ngoài những thứ phù vân mà họ đang tìm kiếm. Nhưng điều ấy có thể thay đổi, nếu họ nhận ra một khoảng trống trong tâm hồn mình.
Đời tu tiềm ẩn biết bao “Cái đẹp” song “Cái đẹp” ấy chỉ dành cho những ai thực sự nỗ lực tìm kiếm.
Chính vì vậy Chúa Giê su đã nói: “Người được gọi thì nhiều mà kẻ được chọn thì ít”. Một cuộc sống dù bình đến mấy mà thiếu vắng Chúa thì cũng là thứ “ bình an ảo”. Bình an thực sự sẽ đến với những ai đang từ bỏ và nỗ lực mỗi ngày để biến đổi mình theo ý Chúa muốn. Đó là “ bình an” mà chẳng ai lấy mất được.
Đáp lại lời mời gọi: “Đến mà xem” (Ga 1,39) tôi đã có mặt và ở lại với Ngài nơi Hội dòng tôi thuộc về. Để luôn giữ được ngọn lửa ấy, tôi luôn dành thời gian định kỳ để củng cố đời tu của mình hầu không bị lệch ra khỏi con đường ân sủng của Chúa, qua đó mỗi ngày tích thêm nhiều năng lượng tích cực để phục vụ Chúa và tha nhân.
Nếu bạn cũng giống tôi, khao khát khám phá “Cái đẹp”, thì chỉ có một chọn lựa duy nhất là dấn bước vào đời tu, bạn sẽ dần khai phá được những nét đẹp tiềm ẩn nơi bản thân là hình ảnh Chúa tạo dựng. Muốn thế bạn hãy “ Đến” và “Ở lại” trong Chúa và trong cộng đoàn.
St.