Hồng Thủy – Vatican News
Chiều ngày 20/10 tại đền thờ Đức Mẹ Aracoeli, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cầu nguyện của các Ki-tô hữu trong khuôn khổ sự kiện Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình lần thứ 34 được Cộng đồng thánh Egidio tổ chức.
Cùng hiệp nhất tham dự với Đức Thánh Cha có Đức Thượng phụ Bartolomeo I, Thượng phụ Chính thống Constantinople, và Đức Giám mục Tin Lành Luther Heinrich Bedford-Strohm, Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin Lành Đức. Tham dự buổi cầu nguyện còn có khoảng 10 Hồng y và giám mục Công giáo, cũng như một số vị lãnh đạo các Giáo hội Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo.
Trong khi giờ cầu nguyện đại kết Ki-tô giáo diễn ra tại đền thờ Đức Mẹ Aracoeli thì phái đoàn Hồi giáo và Phật giáo cầu nguyện trong các phòng của viện bảo tàng gần đó; tín đồ đạo Sikh và Ấn giáo cầu nguyện tại tu viện dòng Phanxicô; còn các tín hữu Do Thái giáo thì cầu nguyện tại hội đường Do Thái ở Roma.
Giờ cầu nguyện đại kết
Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu Thánh giá bắt đầu giờ cầu nguyện, Đức Thượng phụ Bartolomeo I đã đọc một lời nguyện ngắn.
Tiếp đến, sau bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia, Đức giám mục Heinrich của Tin Lành Luther Đức đã suy tư về ba điểm: huynh đệ, công bình và hiệp nhất như ba nghĩa vụ của Ki-tô hữu.
Cám dỗ “Hãy cứu chính ông đi!”
Sau bài Tin Mừng, trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy tư về câu nói “Hãy cứu chính ông đi!” trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marco, thuật lại giờ phút Chúa Giê-su đang hấp hối trên Thánh giá, với cám dỗ “Hãy cứu chính ông đi!” (Mc 15,30), Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là một cám dỗ lớn, không chừa một ai, kể cả những Ki-tô hữu chúng ta. Cám dỗ chỉ nghĩ đến việc cứu lấy bản thân và những người thuộc về mình. Chỉ tập trung vào các vấn đề và lợi ích của chúng ta, như thể không có điều gì khác quan trọng. Đó là một bản năng rất con người, nhưng sai lầm. Đó là sự cám dỗ cuối cùng của Chúa bị đóng đinh.”
Thái độ thờ ơ dửng dưng
Đức Thánh Cha phân tích câu nói “Hãy cứu chính ông” thốt ra từ miệng của ba hạng người. Những người đầu tiên nói những lời này là những thường dân, những người qua đường, những người đã nghe Chúa dạy và chứng kiến các phép lạ của Chúa. Nhưng họ không có lòng thương xót, họ chỉ muốn nhìn thấy các phép lạ, muốn thấy Chúa xuống khỏi Thánh giá. Và đó cũng là thái độ của chúng ta. Đức Thánh Cha nói: “Đôi khi chúng ta cũng thích một vị thần làm việc kỳ diệu hơn là một vị thần từ bi, một vị thần quyền năng trong mắt thế giới, người thể hiện sức mạnh của mình và xua đuổi những người mong muốn chúng ta điều xấu cho chúng ta. Nhưng đây không phải là Thiên Chúa, mà là sự sáng tạo của chính chúng ta. Đã bao lần chúng ta muốn một vị thần theo hình ảnh của chúng ta, thay vì trở nên phù hợp với hình ảnh của chính Người. Chúng ta muốn một vị thần giống chúng ta, hơn là trở thành giống như Chúa. Theo cách này, chúng ta thích thờ phượng chính mình hơn là thờ phượng Thiên Chúa. Sự thờ phượng đó được nuôi dưỡng và phát triển bởi sự thờ ơ đối với người khác. Những người qua đường đó chỉ quan tâm đến Chúa Giê-su để thỏa mãn ước muốn của họ. Chúa Giê-su, bị ruồng bỏ, bị treo trên thập tự giá, không còn được họ quan tâm nữa. Người ở trước mắt họ, nhưng lại ở xa trái tim họ. Sự thờ ơ khiến họ ở xa gương mặt thật của Chúa.”
Tin Mừng thật sự không phải là cứu chính mình
Nhóm người thứ hai nói với Chúa Giê-su “Hãy cứu chính ông đi” là các thượng tế và ký lục, những người đã kết án Chúa Giê-su vì thấy Chúa là mối nguy hiểm. Liên hệ đến các Ki-tô hữu, Đức Thánh Cha nói: “Dù tất cả chúng ta đều là những chuyên gia đóng đinh người khác để tự cứu mình, nhưng Chúa Giê-su đã chịu đóng đinh, để dạy chúng ta đừng chuyển điều ác sang người khác. Các thượng tế đã buộc tội Chúa chính vì những gì Người đã làm cho người khác: ‘Hắn đã cứu người khác mà không thể tự cứu mình!’ (c. 31). Họ biết Chúa Giê-su; họ nhớ đến những phép lạ chữa lành và giải thoát mà Chúa đã thực hiện, nhưng họ đã đưa ra một kết luận ác ý: Đối với họ, cứu người khác, giúp đỡ người khác là vô ích; Chúa Giê-su, Đấng đã tự hiến mình hoàn toàn cho người khác nhưng lại không cứu được chính mình! Giọng điệu buộc tội chế giễu được sử dụng ngôn ngữ tôn giáo, hai lần sử dụng động từ ‘cứu’, nhưng ‘phúc âm’ của việc cứu chính mình không phải là Tin Mừng cứu độ. Đó là ngụy thư sai lầm nhất, bắt người khác phải vác thập tự giá. Ngược lại, Tin Mừng đích thực thúc đẩy chúng ta vác thập giá vì người khác.”
Thiếu tình yêu là nguyên nhân của các tệ nạn
Loại người thứ ba mở lời chế giễu Chúa Giê-su: “Hãy cứu chính ông đi” là những người cùng bị đóng đinh bên cạnh Chúa. Từ đó Đức Thánh Cha nhận định: “Thật dễ dàng biết bao khi chỉ trích, nói chống lại người khác, chỉ ra điều xấu nơi người khác chứ không phải ở nơi chính chúng ta, thậm chí đổ lỗi cho những người yếu đuối và bị ruồng bỏ! Nhưng tại sao họ lại khó chịu với Chúa Giê-su? Bởi vì Người đã không đưa họ xuống khỏi thập giá. Họ nói với Chúa: ‘Hãy cứu ông và chúng tôi! (Lc 23,39). Họ chỉ tìm đến Chúa Giê-su để giải quyết vấn đề của họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không đến chỉ để giải thoát chúng ta khỏi những vấn đề luôn tồn tại hằng ngày, mà còn để giải thoát chúng ta khỏi vấn đề thực sự, đó là thiếu tình yêu. Đây là nguyên nhân chính gây ra các tệ nạn cá nhân, xã hội, quốc tế và môi trường của chúng ta. Chỉ nghĩ về bản thân mình: đây là cha đẻ của mọi điều xấu. Tuy nhiên, một trong những tên trộm sau đó nhìn Chúa Giêsu và thấy nơi Người một tình yêu khiêm nhường. Ông ta vào thiên đàng nhờ làm một việc duy nhất: chuyển mối quan tâm từ mình sang Chúa Giê-su, từ chính mình sang người bên cạnh (x. c. 42).
Từ Thánh làm cho chúng ta trở thành anh chị em
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Anh chị em thân mến, đồi Canvê là nơi diễn ra cuộc “song đấu” khốc liệt giữa Thiên Chúa, Đấng đến để cứu chúng ta và con người, chỉ muốn cứu chính mình; giữa niềm tin vào Chúa và sự tôn thờ cái tôi; giữa con người buộc tội và Thượng đế bào chữa. Cuối cùng, chiến thắng của Thiên Chúa đã được bày tỏ; lòng thương xót của Chúa đã ngự xuống trái đất. Từ Thánh giá tuôn đổ ơn tha thứ và tình yêu huynh đệ được tái sinh: ‘Thánh giá làm cho chúng ta trở thành anh chị em’ (Biển Đức XVI, Ngắm đàng Thánh giá tại Đấu trường Colosseum, ngày 21/3/2008). Cánh tay của Chúa Giê-su, dang ra trên Thánh giá, đánh dấu bước ngoặt, vì Thiên Chúa không chỉ tay buộc tội ai, nhưng thay vào đó, Người ôm lấy tất cả. Vì chỉ có tình yêu mới có thể dập tắt hận thù, chỉ có tình yêu cuối cùng có thể chiến thắng bất công. Tình yêu thương là con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta.”
Học nơi Chúa, trở nên “người khác” để đến với người khác
Cuối bài giảng Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban ơn để chúng ta được hiệp nhất và huynh đệ hơn. Khi chúng ta bị cám dỗ đi theo con đường của thế gian này, xin cho chúng ta được lời của Chúa Giê-su nhắc nhở: ‘Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ giữ được nó’ (Mc 8,35). Điều mất mát đối với thế gian thì đối với chúng ta lại là sự cứu rỗi. Ước gì chúng ta học được nơi Chúa, Đấng đã cứu chúng ta bằng cách từ bỏ hoàn toàn chính mình (x. Pl 2,7) trở nên một người khác: từ Thiên Chúa, Người đã trở thành người; từ Thần khí, Người trở thành xác thịt, từ một vị vua, trở thành nô lệ. Chúa yêu cầu chúng ta làm điều tương tự, hạ mình, ‘trở nên người khác’ để đến với những người khác. Càng trở nên gần gũi với Chúa Giê-su, chúng ta càng cởi mở và ‘phổ quát’ hơn, vì chúng ta sẽ cảm thấy có trách nhiệm với người khác. Và những người khác sẽ trở thành phương tiện cứu rỗi chính chúng ta: tất cả những người khác, mọi người, bất kể lịch sử và tín ngưỡng của họ. Bắt đầu từ những người nghèo, những người giống Chúa Giê-su nhất. Vị Tổng Giám mục vĩ đại của Constantinople, Thánh Gioan Chrisotomo, đã từng viết: ‘Nếu không có người nghèo, phần lớn ơn cứu rỗi của chúng ta sẽ bị mất’ (Trong Thư thứ hai gửi Cô-rin-tô, XVII, 2). Xin Chúa giúp chúng ta cùng nhau đồng hành trên con đường huynh đệ, và nhờ đó trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Thiên Chúa thật.”
Sau bài giảng của Đức Thánh Cha, cộng đoàn dâng các lời cầu xin ơn bình an cho các quốc gia và các miền trên thế giới đang thương tổn vì bạo lực, chiến tranh và khủng bố. Tên của gần 30 quốc gia và vùng miền được xướng lên trong các lời nguyện.
Sau các lời nguyện của một số đại diện tôn giáo và quốc gia, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiệp nhất trong lời kinh Lạy Cha.
Giờ cầu nguyện kết thúc với phép lành được Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Chính Thống Bartolomeo I và Đức giám mục Anh giáo James Ian Ernest cùng ban cho mọi người. (CSR_7676_2020)