Hồng Thủy – Vatican News
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã nhắc rằng Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta lòng can đảm, hy vọng và đức tin.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sách Công vụ tông đồ thuật lại sự việc xảy ra tại Giêrusalem 50 ngày sau lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su. Các môn đệ tụ họp nhau tại nhà Tiệc Ly và có Đức Mẹ Maria ở với họ. Chúa Phục sinh đã bảo họ ở lại trong thành Giêrusalem cho đến khi nhận được ơn của Chúa Thánh Thần. Và điều này được thể hiện bằng một tiếng “động” bất chợt từ trời, như “gió mạnh” ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp (xem c. 2). Đây là một kinh nghiệm thực tế nhưng cũng là một kinh nghiệm mang tính biểu tượng.
Chúa Thánh Thần ban sự sống cho trí tuệ và tâm hồn
Kinh nghiệm này cho thấy rằng Chúa Thánh Thần như một luồng gió mạnh và tự do, mang đến cho chúng ta sức mạnh và tự do. Chúng ta không thể kiểm soát, chặn lại, cũng không thể đo lường, và thậm chí không dự đoán được hướng đi. Người không để mình bị đóng khung trong yêu cầu của con người, trong khuôn mẫu và định kiến của chúng ta. Thần Khí xuất phát từ Chúa Cha và từ Đức Giêsu Kitô Con của Người và đổ tràn trên Giáo hội – trên mỗi người chúng ta -, ban sự sống cho trí tuệ và tâm hồn chúng ta. Như Kinh Tin Kính đã nói: “Người là Chúa và là Đấng ban sự sống.”
Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta trở thành những thụ tạo mới
Vào ngày lễ Ngũ tuần, các môn đệ của Chúa Giê-su vẫn còn hoang mang và lo sợ. Họ chưa có can đảm để bước ra ngoài, xuất hiện cách công khai. Đôi khi, cả chúng ta cũng thích ở trong những bức tường bảo vệ của môi trường của chúng ta. Nhưng Chúa biết cách tiếp cận chúng ta và mở rộng cửa tâm hồn chúng ta. Người gửi Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta, Đấng bao bọc chúng ta và vượt qua mọi sự do dự của chúng ta, phá vỡ sự phòng thủ của chúng ta, phá bỏ những điều chắc chắn nhưng sai lầm của chúng ta. Thần Khí làm cho chúng ta trở thành những thụ tạo mới, giống như Người đã làm với các tông đồ ngày hôm đó.
Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn các môn đệ
Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, họ không còn giống như trước nữa, nhưng họ đi ra và bắt đầu rao giảng rằng Chúa Giê-su đã sống lại, Người là Chúa, theo cách mà mỗi người đều hiểu bằng ngôn ngữ của họ. Thần Khí biến đổi tâm hồn, mở rộng đôi mắt của các môn đệ, giúp họ có thể truyền đạt cho mọi người tất cả những công việc vĩ đại, không có giới hạn của Thiên Chúa, vượt qua ranh giới văn hóa và tôn giáo mà họ đã quen suy nghĩ và sống, giúp cho họ tiếp cận người khác mà vẫn tôn trọng khả năng lắng nghe và hiểu biết của họ, trong văn hóa và ngôn ngữ của mỗi người (cc. 5-11). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần làm cho những người khác nhau có thể truyền thông giao tiếp, và thực hiện sự hiệp nhất và tính phổ quát của Giáo hội.
Đồng hành với tín hữu Trung Quốc bằng lời cầu nguyện
Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngày 24/5 các tín hữu Trung Quốc mừng lễ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu, bổn mạng của quốc gia này. Đức Thánh Cha nhắc đến Đức Mẹ được tôn kính ở đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải, mà các gia đình Ki-tô giáo khẩn thiết cầu khẩn, trong những thử thách và hy vọng của cuộc sống hàng ngày.
Đức Thánh Cha mong muốn các thành viên trong một gia đình và một cộng đồng Ki-tô giáo ngày càng liên đới hơn trong tình yêu và đức tin! Ngài nói: “Bằng cách này, cha mẹ và con cái, ông bà và con cái, các mục tử và các tín hữu có thể noi gương các môn đệ đầu tiên, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, đã đồng tâm cầu nguyện với Mẹ Maria đang trông đợi Chúa Thánh Thần.”
Do đó Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu “đồng hành bằng lời cầu nguyện nhiệt thành với các tín hữu ở Trung Quốc, những người anh chị em thân yêu nhất của chúng ta, những người mà tôi luôn ghi nhớ tận sâu thẳm tâm hồn.” Ngài cầu nguyện “xin Chúa Thánh Thần, nhân vật chính trong sứ mệnh của Giáo hội trên thế giới, hướng dẫn và giúp họ trở thành những người mang tin vui, những chứng nhân của lòng tốt và bác ái, và những người xây dựng công lý và hòa bình trên quê hương họ.”
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/