Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 23/08 tại quảng trường thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi “đối với chúng ta, Chúa Ki-tô là ai”; Người có phải là trung tâm cuộc sống và những dấn thân cá nhân của chúng ta không? Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng bác ái luôn là con đường chính yếu của hành trình đức tin và mời gọi các tín hữu hãy nhìn tha nhân bằng chính đôi mắt của Chúa Giê-su và nhìn thấy Chúa nơi gương mặt người nghèo.
Hồng Thủy – Vatican News
Trước khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 23/08 tại quảng trường thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn dựa trên bài Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường niên năm A, trích từ Tin Mừng thánh Mát-thêu chương 16,
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mt 16,13-20) thuật lại giây phút thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su, như Đấng Cứu Thế và Con Thiên Chúa.
Các câu hỏi của Chúa Giê-su giúp các môn đệ tiến triển trong tương quan với Chúa
Đức Thánh Cha nhận xét: Việc tuyên xưng của thánh tông đồ do chính Chúa Giê-su gợi lên; Chúa muốn dẫn các môn đệ của Người thực hiện bước quyết định trong tương quan với Người. Thực tế là toàn bộ hành trình của Chúa Giê-su với những người theo Người, đặc biệt là với Nhóm Mười Hai, là một hành trình giáo dục đức tin của họ. Trước hết, Người hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” (c.13). Các tông đồ, cũng như chúng ta, thích nói về người khác; họ thích bàn tán. Và Đức Thánh Cha giải thích: Nói về người khác không phải là điều khó khăn lắm, vì thế chúng ta thích nó, ngay cả khi nói xấu người khác. Trong trường hợp này, nó đòi có một viễn tượng đức tin chứ không phải là những điều đồn đại tầm phào, nghĩa là Chúa hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?”. Và các môn đệ dường như tranh đua nhau trong việc đưa ra các ý kiến khác nhau, mà có lẽ chính họ phần lớn có chung những ý kiến này. Về cơ bản, Chúa Giê-su thành Na-da-rét được xem là một vị ngôn sứ (câu 14).
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Với câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu hỏi thẳng các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 15). Ở điểm này, chúng ta dường như cảm nhận được một vài khoảnh khắc im lặng, bởi vì mỗi người trong số những người hiện diện được kêu gọi tham gia, bày tỏ lý do tại sao mình theo Chúa Giêsu; do đó việc các môn đệ do dự trả lời cũng là điều đương nhiên dễ hiểu. Ngay cả nếu bây giờ tôi hỏi anh chị em: “Đối với bạn, Chúa Giê-su là ai?” thì sẽ có một chút ngần ngừ do dự. Ông Simon cứu họ khỏi sự bối rối; ông hăng hái tuyên bố: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). Đức Thánh Cha nhận định: Câu trả lời này, đầy đủ và rõ ràng như thế, không xuất phát từ sự hăng say của ông, dù ông rất quảng đại, nhưng đến từ ân sủng đặc biệt của Cha trên trời. Chính Chúa Giê-su nói với ông: “Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nghĩa là không phải do những điều anh học hỏi. Điều này không mặc khải cho anh. Nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời mặc khải cho anh” (c. 17). Tuyên xưng Chúa Giê-su là một ơn của Chúa Cha. Nói rằng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Cứu Thế, là một ơn mà chúng ta phải cầu xin: “Xin Cha ban cho con ơn tuyên xưng Chúa Giê-su.”
Đức tin của Simon (Phê-rô) là tảng đá để xây dựng Giáo hội
Đồng thời, Chúa nhìn nhận sự đáp trả mau lẹ của ông Simon dưới sự soi sáng của ân sủng và do đó Chúa nói thêm, bằng một giọng trang trọng: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (c .18). Với lời khẳng định này, Chúa Giê-su làm cho ông Si-môn hiểu ý nghĩa của tên mới mà ngài đặt cho ông, “Phê-rô”: đức tin mà ông vừa biểu lộ là “tảng đá” không thể lay chuyển trên đó Con Thiên Chúa muốn xây dựng Hội Thánh của Người, tức là Cộng đoàn của Người. Giáo hội luôn tiến bước trong đức tin của thánh Phê-rô, trên đức tin mà Thiên Chúa nhận ra, mà Chúa Giê-su nhận ra và đặt ông làm đầu Giáo hội.
Chúa Ki-tô có thật sự là trung tâm cuộc sống của chúng ta không?
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Hôm nay, chúng ta nghe câu hỏi của Chúa Giê-su nói với mỗi người chúng ta: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta và mỗi người phải đưa ra câu trả lời không phải là lý thuyết, nhưng một câu trả lời liên quan đến đức tin, tức là cuộc sống, bởi vì đức tin là cuộc sống! “Đối với con, Chúa là…” và tuyên xưng Chúa Giê-su. Đó là câu trả lời cũng yêu cầu chúng ta, giống như các môn đệ đầu tiên, lắng nghe trong nội tâm tiếng nói của Chúa Cha và sự âm vang qua đó Giáo hội, quy tụ quanh thánh Phê-rô, tiếp tục loan báo. Đó là phải hiểu Chúa Ki-tô là ai: Người có phải là trung tâm của cuộc sống chúng ta và là mục tiêu của mọi dấn thân của chúng ta trong Giáo hội và trong xã hội không. Đối với tôi, Chúa Giê-su là ai? Đối với bạn, Chúa Giê-su là ai? Một câu trả lời chúng ta phải có mỗi ngày.
Làm việc bác ái với đôi mắt của Chúa Giê-su và thấy Chúa Giê-su
Nhưng Đức Thánh Cha lưu ý: Điều không thể thiếu và đáng khen ngợi là việc chăm sóc mục vụ của các cộng đồng của chúng ta phải luôn mở ra với rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và tình trạng khẩn cấp. Bác ái luôn là con đường chính yếu của hành trình đức tin, của sự hoàn thiện của đức tin. Nhưng điều cần thiết là các công việc liên đới, những việc bác ái chúng ta làm, không làm mất liên lạc với Chúa Giê-su. Bác ái Ki-tô giáo không phải là việc từ thiện đơn thuần, nhưng một mặt, là nhìn người khác với cùng ánh mắt của Chúa Giê-su và mặt khác, là nhìn thấy Chúa Giê-su nơi gương mặt của người nghèo. Và đây là con đường thật sự của bác ái Ki-tô giáo, với Chúa Giê-su ở trung tâm.
Mẹ Maria, gương mẫu tín thác vào Chúa Ki-tô Đấng mang ý nghĩa cho cuộc sống
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện: xin Mẹ Maria rất thánh, được chúc phúc vì đã tin, hướng dẫn và làm gương cho chúng ta trên hành trình đức tin vào Chúa Ki-tô, và giúp chúng ta ý thức rằng sự tin cậy nơi Người mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho việc bác ái và toàn thể cuộc sống của chúng ta.