Hiệp hội Kinh Thánh Toàn cầu được thành lập vào năm 1946 và hoạt động tại hơn 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức này đã dịch Kinh Thánh sang tiếng mẹ đẻ của hơn một nửa dân số thế giới, và tìm cách giúp mọi người tiếp cận với Kinh Thánh để gặp gỡ Lời Chúa.
Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại việc Lời Chúa được loan truyền sau biến cố Ngũ Tuần, như sách Tông đồ Công vụ thuật lại, với sức mạnh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Chịu bách hại và phổ biến Lời Chúa
Đức Thánh Cha nhận định rằng “Lời Chúa được rao giảng, được lắng nghe và được sống trong những hoàn cảnh thuận lợi cũng như không thuận lợi, bằng những cách thức khác nhau và với những cách diễn tả khác nhau, gặp những khó khăn và bách hại nghiêm trọng, trong một thế giới thường không nghe thấy tiếng Chúa.”
“Giáo hội non trẻ sống nhờ Lời Chúa, công bố Lời Chúa và khi bị bách hại, chạy trốn với Lời Chúa như hành trang duy nhất của mình. Như vậy, những cuộc bách hại trở thành dịp để loan truyền Lời Chúa, đừng bao giờ quên điều này.” Cũng thế, rất nhiều Kitô hữu trong thời đại chúng ta buộc phải rời bỏ quê hương và mang theo Lời đã nhận được. “Họ gìn giữ đức tin của mình như kho báu mang lại ý nghĩa cho những hoàn cảnh khắc nghiệt, đôi khi khủng khiếp mà họ phải đối diện: bằng cách ôm lấy thập giá Chúa Kitô, họ tôn kính Lời Chúa.”
Hai cách đón nhận Lời Chúa
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng về hai cách đón nhận Lời Chúa, như trong trường hợp thầy phó tế Phi-líp-phê rao giảng Lời Chúa. Cả thầy phù thuỷ Si-môn và viên thái giám người Ê-thi-óp đều được tiếp cận với Lời Chúa, nhưng thầy phù thuỷ quá tự cao đến mức tự ngăn cản mình nhận món quà của Chúa, trong khi người Ê-thi-óp khao khát Thiên Chúa, ông không chỉ hiểu Lời Chúa qua thừa tác vụ của Phi-líp-phê, mà còn xin lãnh nhận Phép Rửa, và trở thành Kitô hữu. (CSR_723_2023)
Hồng Thủy – Vatican News