Tin Mừng Lc: 3, 15-16. 21-22
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gio-an có phải là Ðấng Ki-tô không?”, Gio-an lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giê-su cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
TRỞ NÊN CON YÊU DẤU CỦA THIÊN CHÚA
Sống trong một xã hội chạy đua với thời gian, trong một thế giới đầy ảo tưởng về vật chất và hưởng thụ, con người ngày nay tấp nập “bán mua, và quảng bá” bản thân qua những tiêu đề giật gân, qua những video độc lạ để câu lượt xem, lượt thích. Trong Tin mừng cũng từng xuất hiện việc “quảng cáo” về một Con Người, nhưng không theo cách thông thường mà bằng chính danh dự và sứ mạng của mình. Đó chính là việc Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đấng Mêsia.
Thật vậy, khi dân Do thái đang trông đợi một Đấng Mêsia, chứng kiến đời sống và những phép lạ ông Gioan làm, trong thâm tâm họ tự hỏi và thậm chí xem ông là “Đấng phải đến”. Nhưng ông Gioan đã khiêm tốn chối từ và không ngần ngại tuyên xưng: “Có một Đấng đến sau tôi, cao trọng hơn tôi; tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Lc 3, 16). Vậy Đấng ấy là ai? Tin mừng Luca thuật lại: Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa; rồi đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con’” (Lc 3, 21-22).
Thật kỳ lạ khi một Đấng cao trọng như thế lại hạ mình chịu phép rửa từ tay Gioan. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải để tỏ lòng sám hối như dân chúng, mà để Thiên Chúa mặc khải thần tính của Ngài; và cũng qua việc Chúa chịu phép rửa, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được tỏ hiện: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng ban Thánh Thần và ân sủng qua Bí tích Rửa Tội cho những ai lãnh nhận.
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, mang thân phận con người để đồng hành với chúng ta trong mọi nỗi đau, ngoại trừ tội lỗi. Khi dìm mình xuống dòng sông Giođan, Ngài biểu tượng cho việc đồng hóa với thân phận con người bị nhấn chìm trong tội lỗi, để nâng con người lên, dẫn dắt họ đến sự sám hối và ơn cứu độ. Nhờ Bí tích Rửa Tội, con người được chết đi cho tội lỗi và sống lại trong Đức Kitô, như lời thánh Phaolô: “Khi được rửa tội, chúng ta bước vào đời sống mới” (Rm 6, 4).
Phép rửa mà Chúa Giêsu chịu cũng đánh dấu khởi đầu sứ mạng cứu độ và đời sống công khai của Ngài. Từ phép rửa này, Ngài bắt đầu rao giảng, chữa lành, làm phép lạ, và hiến trọn đời mình để diễn tả tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa Cha. Là Kitô hữu, chúng ta đã nhận lãnh ân sủng của Bí Ttích Rửa Tội, bước vào đời sống mới trong Đức Kitô. Nhưng chúng ta đã sống thế nào để đáp lại ân sủng ấy? Liệu chúng ta có dám hy sinh, từ bỏ sự ích kỷ, tự cao để sống yêu thương, sẻ chia với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khổ, bị gạt ra bên lề xã hội và làm chứng cho Thiên Chúa?
Lạy Chúa, chúng con đã lãnh nhận biết bao ân sủng nhờ lượng hải hà của Chúa, nhưng đôi khi tâm hồn chúng con vẫn như những tảng đá thô ráp, sần sùi vì không biết mài dũa và chết đi cho tội lỗi để “bước vào đời sống mới”. Xin Chúa giúp chúng con luôn nhớ ngày được sinh lại trong Đức Kitô qua Bí tích Rửa Tội, để sống khiêm tốn, dám từ bỏ tội lỗi và hy sinh. Nhờ đó, chúng con sống mỗi ngày một xứng đáng hơn, trở thành “con yêu dấu của Chúa Cha” như Đức Giêsu Kitô, Anh của chúng con. Amen.
ButChiMai