Sáng thứ Tư 19/8/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành buổi tiếp kiến chung trực tuyến lần thứ mười tám, lúc 9 giờ 30 sáng, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa. Vốn là vị mục tử muốn ở giữa đoàn chiên, ngài rất muốn gặp gỡ dân chúng, ôm hôn các em bé, bắt tay mọi người, nhưng hoàn cảnh đại dịch ngăn cản sự lui tới của các tín hữu hành hương, nên buổi tiếp kiến tiếp tục diễn ra dưới hình thức trực tuyến, như từ hơn bốn tháng nay.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Hiện diện tại thư viện dinh Tông tòa, chỉ có tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ khanh thông dịch viên, Đức ông Sapienza, quyền chủ tịch phủ Giáo hoàng và một giám chức người Argentina phụ giúp Đức Thánh cha.
Tôn vinh Lời Chúa
Mở đầu là phần lắng nghe Chúa, với đoạn sách trích từ thứ hai của thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (8,1-2.9), trong đó thánh nhân thông báo rằng “ơn Chúa được ban cho các Giáo đoàn ở Macedonia, vì trong thử thách lớn lao sầu muộn, niềm vui dồi dào của họ và tình trạng nghèo khổ cùng cực của họ đã được phong phú trong tình quảng đại trổi vượt của họ […]. Thực vậy, – thánh Phaolô viết – anh chị biết ơn thánh của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô: từ giàu sang, Người đã trở nên nghèo vì chúng ta để chúng ta được trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Người”.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài thứ ba về việc chữa lành thế giới khỏi đại dịch, cụ thể là đề tài: “Sự chọn lựu ưu tiên dành cho người nghèo và đức bác ái”.
Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
“Đại dịch đã cho thấy tình trạng khó khăn của người nghèo và sự chênh lệch rộng lớn trên thế giới. Và virus, không loại trừ ai, đã tìm được những chênh lệch lớn và kỳ thị trên con đường tàn phá của nó. Và nó làm gia tăng thêm những tình trạng ấy!
Hai câu trả lời cho đại dịch
“Vì thế có hai câu trả lời cho đại dịch. Một đàng, điều tối cần thiết là tìm ra phương thức chữa trị chống virus bé nhỏ nhưng khủng khiếp, làm cho cả thế giới ngã quỵ. Đàng khác, chúng ta phải chữa trị virus lớn, đó là virus bất công xã hội, cơ may chênh lệch không đồng đều, tình trạng bị gạt ra ngoài lề và thiếu sự bảo vệ dành cho những người yếu thế nhất. Trong hai câu trả lời này, để chữa lành, có một sự chọn lựa không thể thiếu được theo Tin mừng, đó là sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo (xc. Tông Huấn Evangelii gaudium, [EG], 195). Đây không phải là một chọn lựa chính trị; cũng chẳng phải là một chọn lựa ý thức hệ, chọn lựa của các đảng phái… Không phải vậy! Chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo ở trung tâm Tin mừng. Và người đầu tiên thi hành điều này là Chúa Giêsu; chúng ta nghe thấy điều đó trong đoạn thư gửi tín hữu Côrintô đã đọc đầu buổi tiếp kiến này. Chúa vốn giàu có đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có. Chúa đã trở thành một người trong chúng ta và vì thế, ở trung tâm của Tin mừng, có chọn lựa ấy, trung tâm lời loan báo của Chúa Giêsu.
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Chính Chúa Kitô, là Thiên Chúa, đã cởi bỏ chính mình, trở nên giống phàm nhân; Ngài không chọn một cuộc sống đặc ân, nhưng chọn thân phận người tôi tớ (xc. Pl 2,6-7). Chúa sinh ra trong một gia đình khiêm hạ và làm việc như một người thợ. Khi bắt đầu rao giảng, Ngài đã loan báo rằng trong Nước Thiên Chúa, người nghèo là những người có phúc (xc. Mt 5,3; Lc 6,20; EG 197). Chúa ở giữa các bệnh nhân, người nghèo, người bị gạt bỏ, tỏ cho họ tình yêu thương xót của Thiên Chúa (xc. GLHTCG, 2444). Bao nhiêu lần Chúa bị coi như một người ô uế vì đến gặp các bệnh nhân, những người phong cùi… theo não trạng luật pháp thời ấy. Chúa chịu rủi ro như thế để gần gũi với những người nghèo.
“Vì thế, các môn đệ của Chúa Giêsu được nhận diện qua sự gần gũi của họ với người nghèo, người bé nhỏ, các bệnh nhân và tù nhân, người bị loại trừ và quên lãng, người thiếu lương thực và y phục (xc. Mt 25,31-36; GLHTCG, 2443). Đó là một tiêu chuẩn chính yếu chứng tỏ đặc tính Kitô chân chính (xc Gl 2,10; EG, 195). Một số người nghĩ lầm rằng tình yêu ưu tiên đối với người nghèo là nghĩa vụ của một số ít người, nhưng trong thực tế, đó là sứ mạng của toàn thể Giáo hội (xc. Thánh Gioan Phaolô II, Sollicitudo rei socialis, 42). “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn được kêu gọi trở thành những dụng cụ của Thiên Chúa để giải thoát và thăng tiến người nghèo” (EG, 187).
Ý nghĩa sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo
Lòng tin, cậy, mến nhất thiết thúc đẩy chúng ta hướng về thái độ ưu tiên đối với người túng thiếu nhất,[1] đi xa hơn sự giúp đỡ cần thiết (xc. EG, 198). Thực vậy, nó bao hàm sự đồng hành, để cho mình được người nghèo loan báo Tin mừng, họ biết rõ Chúa Kitô chịu đau khổ, để cho mình được “lây nhiễm” kinh nghiệm cứu độ, sự khôn ngoan và tinh thần sáng tạo của họ (xc. idid.). Chia sẻ với những người nghèo, có nghĩa là làm cho nhau được phong phú. Và nếu có những cơ cấu xã hội bệnh hoạn ngăn cản họ không mơ ước được tương lai, thì chúng ta phải cùng nhau làm việc để chữa lành các cơ cấu ấy, để thay đổi chúng (Xc ibid. 195). Tình yêu của Chúa Kitô dẫn chúng ta đến chỗ đó. Ngài là Đấng đã yêu thương chúng ta đến tột cùng (Xc Ga 13,1) và đi tới tận các biên cương, những vùng ngoài lề, các biên giới của cuộc sống. Mang các khu vực ngoài lề vào trung tâm, có nghĩa là tập trung cuộc sống của chúng ta trong Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta, để làm cho chúng ta được phong phú “nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9).[2]
Cổ võ nền kinh tế liên đới
Đức Thánh cha nhận xét: “Tất cả chúng ta đều lo âu vì những hậu quả xã hội của đại dịch. Nhiều người muốn trở về cuộc sống bình thường và mở lại các hoạt động kinh tế. Chắc chắn là như vậy, nhưng sự “bình thường” ấy không được bao gồm những bất công xã hội và làm suy thoái môi trường. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng và từ một cuộc khủng hoảng, chúng ta không thoát ra như nhau: hoặc chúng ta thoát khỏi khủng hoảng ấy trở nên tốt đẹp hơn hoặc tệ hơn. Chúng ta phải ra khỏi đại dịch trở nên tốt đẹp hơn, cải tiến những bất công xã hội và sự suy thoái môi trường.
Ngày hôm nay chúng ta có cơ hội để kiến tạo một cái gì khác. Ví dụ, chúng ta có thể làm tăng trưởng một nền kinh tế phát triển toàn diện cho người nghèo, chứ không phải một thứ duy viện trợ. Khi nói như thế, tôi không muốn lên án các hoạt động trợ giúp; các hoạt động cứu trợ là điều quan trọng. Chúng ta hãy nghĩ đến thể chế thiện nguyện, là một trong những cơ cấu đẹp nhất mà Giáo hội Italia có được. Đúng vậy, trợ giúp là điều tốt đẹp, nhưng chúng ta phải đi xa hơn nữa, phải giải quyết các vấn đề thúc đẩy chúng ta phải cứu trợ.
Một nền kinh tế không tìm đến những phương thế chữa trị, trong thực tế nó làm cho xã hội bị nhiễm độc, như những lợi lộc tách rời khỏi việc kiến tạo những công ăn việc làm xứng đáng (xc. EG 204). Những thứ lợi lộc ấy tách biệt khỏi nền kinh tế thực tế, nền kinh tế phải mang lại lợi ích cho dân thường (xc. Laudato sì, [LS], 109) và ngoài ra, nhiều khi chúng dửng dưng đối với những thiệt hại gây ra cho căn nhà chung. Sự ưu tiên dành cho người nghèo đòi hỏi nền luân lý đạo đức – xã hội này đến từ tình yêu của Thiên Chúa (xc. LS, 158), – mang lại cho chúng ta động lực để suy nghĩ và đề ra một nền kinh tế, trong đó con người, nhất là những người nghèo nhất, ở vị trí trung tâm. Và nó cũng khích lệ chúng ta đề ra kế hoạch chữa trị virus, dành ưu tiên cho những người cần nhất. Thật là buồn nếu thuốc chủng ngừa – vắc-xin – chống Covid-19 dành ưu tiên cho những người giàu nhất! Thật là buồn nếu vắc-xin ấy trở thành tài sản của nước này hay nước kia, chứ không phải là điều phổ quát, cho tất cả mọi người. Và thật là một gương mù, nếu tất cả sự giúp đỡ kinh tế mà chúng ta đang thấy – phần lớn bằng công quĩ – được tập trung để cứu các công nghệ không góp phần hội nhập những người bị loại trừ, không thăng tiến những người rốt cùng, công ích hoặc chăm sóc thiên nhiên (ibid.). Đó là những tiêu chuẩn để chọn lựa xem, đâu là những công nghệ cần giúp đỡ: những công nghệ góp phần bao gồm những người bị loại trừ, thăng tiến những người rốt cùng, góp phần vào công ích và chăm sóc môi trường (bốn tiêu chuẩn).
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Nếu virus tái bùng lên trong một thế giới bất công đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, thì chúng ta phải thay đổi thế giới này. Theo gương của Chúa Giêsu, Vị Y Sĩ của tình thương toàn diện của Thiên Chúa, nghĩa là Vị Y Sĩ chữa lành về thể lý, xã hội và tinh thần (xc. Ga 5,6-9), chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành những thứ dịch tễ do các virus bé nhỏ vô hình tạo nên, và chữa lành những thứ dịch do các bất công xã hội to lớn và hữu hình gây ra. Tôi đề nghị rằng điều đó được thực hiện đi từ tình thương của Thiên Chúa, đặt ngoại ô ở trung tâm và đặt những người rốt cùng ở chỗ thứ nhất. Đi từ tình yêu ấy, được ăn rễ nơi niềm hy vọng và dựa trên đức tin, một thế giới lành mạnh hơn là điều có thể.
Chào thăm các tín hữu
Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Ba Lan.
Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm mọi người Ba Lan. Anh chị em thân mến, tôi hiệp ý với tất cả những người đang đề ra những sáng kiến khác nhau về linh đạo, khoa học và xã hội, để giới hạn những hậu quả của đại dịch trong xã hội và đáp ứng những nhu cầu sinh tử của các bệnh nhân và gia đình họ. Tôi xin anh chị em hãy quảng đại và đừng quên nhu cầu của những người nghèo nhất, và những người đơn độc, đặc biệt những người già và các bệnh nhân. Xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em!”
Sau cùng, bằng tiếng Ý Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện và học hỏi về Kitô giáo để trở thành những môn đệ trung tín của Chúa Kitô và tăng trưởng trong tinh thần liên đới huynh đệ.”
“Sau cùng, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngày mai 20/8, chúng ta cử hành lễ nhớ thánh Bênađô Viện phụ Clairveaux, vị đại tiến sĩ của Giáo hội, và nhất là vị Ca trưởng dịu dàng của Đức Mẹ. Ước gì tấm gương của thánh nhân gợi lên nơi mỗi người chúng ta ước muốn phó thác cho sự phù hộ hiền mẫu của Đức Thánh Trinh Nữ, là Đấng an ủi những người sầu muộn.”
Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha trên các tín hữu theo dõi buổi tiếp kiến qua các phương tiện truyền thông.
[1] See Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction on some aspects of “Liberation Theology”, (1984), 5.
[2] Benedict XVI, Address at the Inaugural Session of the Fifth General Conference of the Bishops of Latin America and the Caribbean (13 May 2007).
Bình luận