“Sự thánh thiện là diện mạo hấp dẫn nhất của Hội Thánh” (GE 9).
Hội Thánh hấp dẫn khi Hội Thánh thánh thiện (x. GE 9). Vì thế, ngày 19/3/2018, để giúp các tín hữu ý thức về ơn gọi nên thánh và nhận biết con đường nên thánh hôm nay, ĐTC. Phanxicô đã ban hành tông huấn Gaudete et Exultate (Hãy vui mừng hoan hỷ, GE) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay. Tông huấn gồm NĂM chương với 177 số. Sau phần dẫn nhập vắn gọn (GE, số 1-2) nói về lý do ban hành tông huấn không phải nhằm ban hành một khảo luận về sự thánh thiện hoặc các phương cách nên thánh, mà là “một lời mời gọi nên thánh theo một phong cách thực tiễn cho thời đại của chúng ta” (GE 2), chương I bàn về ƠN GỌI NÊN THÁNH, chương II nói đến HAI KẺ THÙ CỦA SỰ THÁNH THIỆN (thuyết tân Ngộ đạo và tân Pelagio), chương III nói về TÁM MỐI PHÚC như là những nẻo đường thánh thiện, chương IV đề cập đến VÀI ĐẶC TÍNH CỦA SỰ THÁNH THIỆN HÔM NAY và sau cùng, chương V bàn về CUỘC CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG, TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH.
1. NÊN THÁNH TRONG TẦM TAY
Con số 144 ngàn người và đoàn người đông không đếm nổi thuộc mọi chi tộc, mọi nước mọi dân theo thể văn Khải huyền trong bài đọc I (Kh 7, 2-4, 9-14) cho chúng ta niềm hy vọng về việc nên thánh trong tầm tay mọi người. Quả thực, việc nên thánh ở trong tầm tay chúng ta, vì nên thánh không phải là đặc quyền dành cho một số thành viên ưu tú, không phải là phần thưởng cho ai làm những công to việc lớn, cũng chẳng phải là đặc ân dành riêng các đấng đã được kính trên bàn thờ, mà còn là hồng ân dành cho người “ngay bên cạnh chúng ta”: nơi sự kiên trì, trung tín trong bổn phận hàng ngày (GE 7), “mỗi người mỗi cách” (GE 11), “bằng đời sống yêu thương và làm chứng trong mọi việc mình làm, ở nơi mình sống: tu sĩ vui sống lời cam kết… người kết hôn thì yêu thương chăm sóc vợ/chồng… công nhân làm việc liêm chính và tận tình phục vụ… ông bà/cha mẹ kiên trì giáo dục đức tin cho con cháu… lãnh đạo thì phục vụ cho công ích và không tư lợi…” (GE 14). Nên thánh là “sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”, là “tận dụng cơ hội mỗi ngày, chu toàn các việc thường ngày của mình một cách phi thường” (Tôi tớ Chúa Fx. Nguyễn Văn Thuận, x. GE 17).
2. NÊN THÁNH TRONG BỔN PHẬN
Không có sự nên thánh ngoài bổn phận. Mỗi người có một sứ mạng và họ được mời gọi nên thánh trong việc chu toàn sứ mạng ấy. Nếu chúng ta tìm sự thánh thiện ngoài bổn phận, coi chừng mình đang đi trệch đường. Đôi khi, chúng ta hay bị cám dỗ “đứng núi nọ trông núi kia cao” hoặc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “việc nhà nhếch nhác, việc chú bác thì siêng”. Chu toàn bổn phận của mình cách tận tâm, thi hành sứ mạng của mình cách tốt nhất, đó là nên thánh. Người lập gia đình chu toàn trách nhiệm làm vợ, làm chồng và làm cha, làm mẹ, đó là nên thánh. Người tu sĩ sống đời cầu nguyện và làm việc theo đặc sủng và linh đạo của tu hội, đó là nên thánh. Bậc giáo sĩ sống đức ái mục tử, tận tâm phục vụ đoàn chiên được giao phó, đó là nên thánh. Các học sinh, sinh viên, chuyên cần học tập, tu dưỡng, đó là nên thánh. Người công nhân, nông dân, lao động chăm chỉ, tận tâm và trách nhiệm, đó là nên thánh. M. Luther King đã từng diễn tả rất hay rằng: “Nếu ai được gọi trở thành người quét đường, thì người ấy nên quét đường cẩn thận như thể danh họa Michaelangelo đang vẽ, như nhạc sĩ Beethoven đang soạn nhạc, hay như văn hào Shakespeare đang làm thơ. Người ấy nên quét đường sạch đến mức tất cả chủ nhân dưới đất và trên trời đều phải dừng lại và thốt lên: ‘Ở đây có một người quét đường vô cùng tận tâm’” (DoCat 135).
Con đường bát phúc cũng được giải thích nhẹ nhàng như thế:
Nghèo khó (GE 67-70) là sống giản dị để hoàn toàn cậy dựa vào Chúa và rộng tay chia sẻ. “Nghèo khó trong lòng: đó là thánh thiện”.
Hiền lành (GE 71-74) là khiêm nhường và dịu dàng, không cao ngạo, nóng nảy. “Cư xử cách khiêm nhường hiền lành: đó là thánh thiện”.
Sầu khổ (GE 75-76) là biết “khóc với người khóc”: cảm thông, an ủi và chia sẻ với ai đau khổ, bệnh tật, bần hàn. “Biết khóc với người khác: đó là thánh thiện”.
Khát khao sự công chính (GE 77-79) là thực hành công bằng, chính trực, và nỗ lực tìm kiếm công lý cho người yếu thế. “Đói khát sự công chính: đó là thánh thiện”.
Xót thương người (GE 80-82) gồm hai phương diện là “chia sẻ, phục vụ, giúp đỡ” và “cảm thông, tha thứ”. “Biết nhìn và hành động với lòng thương xót: đó là thánh thiện”.
Có lòng trong sạch (GE 83-86) là có “tâm hồn đơn sơn, thanh khiết” và “trái tim yêu thương chân thật” bằng việc làm chứ không giả dối. “Giữ cho trái tim khỏi mọi sự làm ô uế tình yêu: đó là thánh thiện”.
Xây dựng hòa bình (GE 87-89) là biết nói năng và hành động cách tế nhị, nhạy bén, khéo léo và bình tâm để tạo ra mối tương quan hài hòa giữa cá nhân và trong xã hội. “Gieo rắc bình an quanh ta: đó là sự thánh thiện”.
Bị bách hại vì sống công chính (GE 90-94) là một cuộc sống dấn thân cho Chúa và tha nhân, cho dẫu có phải trả giá là sự phiền toái, bách hại, thiệt thòi và cả thiệt mạng nữa. “Chấp nhận con đường Phúc âm hằng ngày, dù có thể gặp khó khăn: đó là sự thánh thiện”.
***
Hôm nay, chúng ta vui mừng hướng về Giáo hội chiến thắng vinh quang, để tôn vinh toàn thể các Thánh. Thật hạnh phúc và vui mừng, vì trong ngàn vạn thánh nhân, có những vị là ông bà tổ tiên, ân thân nhân bạn hữu của chúng ta; có những vị cũng cùng tuổi tác, công việc, ơn gọi, hoàn cảnh giống chúng ta. Ước gì gương sáng và hương thơm thánh thiện của các ngài khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng ta, để chúng ta cũng góp phần mình tạo dựng nên dung mạo ngày càng hấp dẫn của Hội Thánh, “một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền” (x. Ep 5, 21-33).
Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
Nguồn: https://gpbuichu.org/