Tin mừng: Mt 17, 1-9
Khi ấy, Chúa Giê-su gọi Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Mô-sê và Ê-li-a hiện ra và đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Chúa Giê-su rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê, và một cho Ê-li-a”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giê-su đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giê-su.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giê-su đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.
Suy niệm
Dung nhan thần linh
Sau khi nghe Phê-rô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), Đức Giê-su đã tiên báo cuộc khổ nạn của mình: “Thầy phải lên Giê-ru-sa-lem, phải chịu đau khổ, bị giết chết, và sau 3 ngày sống lại” (Mt 16, 21) nhưng Phê-rô đã ngăn cản (x.Mt 16, 22). Điều đó chứng tỏ ông chưa hiểu gì về sứ mạng của Thầy mình. Để củng cố niềm tin cho Phê-rô cũng như cho các môn đệ, Đức Giê-su đã thực hiện một hành trình thiêng liêng là đưa các ông lên núi chiêm ngắm vinh quang của Người. Cả ba Tin mừng nhất lãm đều đề cập đến sự kiện Đức Giê-su đem ba môn đệ lên núi cao, biến đổi hình dạng, và tỏ lộ dung nhan thần linh của Người.
Trước tiên, để thực hiện hành trình thiêng liêng, Đức Giê-su đã chọn ra ba chứng nhân là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, ba ông là những người được chứng kiến những dấu lạ: Ngày Đức Giê-su cho con gái ông trưởng hội đường Giai-ô sống lại (x. Mc 5, 37); hôm nay, Ngài biến hình trên núi (x. Mt 17, 1-9); ngày Đức Giê-su hấp hối trong vườn cây dầu (x. Mt 26, 37). Tại sao Đức Giê-su lại để cho ba ông chứng kiến những sự kiện đặc biệt của cuộc đời mình? Người muốn như thế để củng cố niềm tin cho các ông, giúp các ông có đủ nghị lực để sau này không bị vấp ngã, và can đảm làm chứng cho Thầy trước mặt dân chúng.
“Người đưa các ông đi riêng với mình lên một ngọn núi cao” (c. 1). Núi là nơi khởi đầu và kết thúc mặc khải của Thiên Chúa, trong Cựu ước với ông Mô-sê, hay trong Tân ước với Đức Giê-su. Cũng vậy, nơi đó là nơi cầu nguyện, nơi quy tụ muôn người làm một trong Nước cánh chung (x. Mt 15, 29-31; x. Is 2, 2-3…). Tại đó, các ông được chứng kiến Chúa biến đổi hình dạng “dung nhan Người chói lọi như mặt trời” (c. 2 ). Các tác giả huyền bí thường sử dụng hình ảnh “chói lọi như mặt trời” để mô tả sự sáng chói của người lành. Ở đây, thánh sử dùng cụm từ này lúc Đức Giê-su biến hình để nói về sự sáng chói mà thánh nhân không thể tả nổi và cũng là để là biểu hiện vinh quang của Thiên Chúa.
Trong hành trình này, xuất hiện hai nhân vật: Mô-sê và Ê-li-a – đại diện cho nhà lập pháp và ngôn sứ, hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Ở Tin mừng thánh Lu-ca (9, 11), hai nhân vật này nói về cái chết của Đức Giê-su sắp chịu tại Giê-ru-sa-lem. Còn thánh Mat-thêu không nói rõ, nhưng trong trình thuật thì sau khi Phê-rô tuyên xưng tại Xê-da-rê Phi-lip-phê, Đức Giê-su thường nói về cái chết sắp tới của Người (x. Mt 16, 21-22; 19, 12.22-23).
Được chiêm ngắm dung nhan biến đổi của Thầy, các ông ngỡ ngàng: “con xin dựng ba cái lều” (x. c. 4) nhưng ông không biết mình đang nói gì. Ngay lúc ấy, “có tiếng từ trong đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, … hãy vâng nghe lời Người” (c. 5). Nghe thấy tiếng từ đám mây phán ra, các môn đệ kinh khiếp. Xưa trên núi Xi-nai, dân Ít-ra-en nói cùng ông Mô-sê: “Xin ông nói cùng chúng tôi, chúng tôi nghe được rồi, đừng để Thiên Chúa nói cùng chúng tôi, vì nghe tiếng Người chúng tôi chết mất” (Xh 20, 19). Bởi giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách vô cùng lớn lao, nên nghe tiếng Thiên Chúa hay nhìn thấy Người cũng đã đủ chết rồi. Dẫu vậy, tổ phụ Gia-cóp được xem thấy mặt Đức Chúa mà không chết (x. St 32, 31). Dân Ít-ra-en đã có lần nghe thấy tiếng Chúa mà không sao, Mô-sê lên núi đàm đạo với Thiên Chúa… và trong bài Tin mừng hôm nay, ba môn đệ nghe tiếng Chúa thì khiếp đảm, ngã sấp, nhưng các ông không chết bởi vì các ông được Đức Giê-su cứu thoát: “Người lại gần, chạm vào các ông và nói: trỗi dậy đi, đừng sợ” (c. 7).
Chặng cuối của hành trình thiêng liêng là các môn đệ đã được biến đổi, các ông đi từ sợ hãi đến can đảm, đi từ sự nghi ngờ đến vững tin. Sau khi Đức Giê-su Phục sinh, Phê-rô đã tường thuật lại biến cố này cho các anh em của mình (x. 2 Pr 1, 16-19). Xưa kia, các môn đệ được biến đổi, các ông can đảm ra đi làm chứng cho Thầy, còn chúng ta ngày hôm nay thì sao? Chúng ta được Chúa biến đổi hay cách sống của chúng ta làm cho mình biến dạng mỗi ngày?
Lạy Chúa, mỗi khi chúng con quên Chúa, không đi đúng con đường mà Ngài muốn chúng con đi là chúng con đang làm biến dạng con người của mình. Chúng con bon chen giữa đời làm mất đi căn tính ki-tô hữu của mình. Hành trình lên núi là hành trình trở về để chúng con phục chế lại con người mình: ấy là mỗi khi chúng con dùng những giây phút để nhìn lại sau một ngày sống; là mỗi khi đến với Chúa nơi Bí tích Thánh Thể – thần dược nuôi sống linh hồn; là mỗi khi trở về nơi Bí tích hòa giải, v.v. Lạy Chúa xin hãy tỏ hiện dung nhan của Ngài trên cuộc đời chúng con. Amen!
M. Phạm Bích