Tin mừng: Mt 18, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU:
NGHỆ THUẬT SỬA LỖI CHO NHAU
Tục ngữ có câu: “Nhân vô thập toàn”, không ai là người hoàn hảo. Thật vậy, đã làm người, không ai tránh khỏi những thiếu sót, lỗi lầm. Tuy nhiên, tâm lý tự nhiên, không ai muốn tự “vạch áo cho người xem lưng”. Càng không ai muốn bị người khác “sửa lưng”, làm cho “mất mặt”. Kinh nghiệm cho thấy, việc sửa lỗi cho nhau, giúp nhau hoàn thiện không phải là một điều dễ dàng, ngay cả giữa những người trong một gia đình hay thậm chí chung một linh đạo dòng tu. Liệu có phương pháp nào hay một nghệ thuật nào giúp người ta thực hiện việc hết sức tế nhị này? Thiết nghĩ, giáo huấn của Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng Matthêu chương 18, từ câu 15 đến 20 chính là kim chỉ nam hành động, một nghệ thuật sửa lỗi cho nhau từ hai ngàn năm qua vẫn còn nguyên giá trị.
Trước tiên, ta nhận thấy đoạn Tin mừng chỉ vỏn vẹn có 5 câu, nhưng Chúa Giêsu đã nêu ra các bước giả định rất cụ thể, theo từng cấp độ tăng tiến. Mở đầu bài huấn giáo,Ngài nhẹ nhàng đưa ra giả thiết: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội” (c 15). Qua giả thiết này, ta nhận thấy Đức Giêsu luôn dành cho hối nhân một ánh nhìn trìu mến, đầy tình bao dung. Ngài nhìn thấu hoàn cảnh đưa đẩy người ta đến chỗ lỡ trót phạm tội. Và có lẽ, Ngài muốn nói với thính giả đang nghe giảng, chuyện đã lỡ rồi thì mọi lời nói cần phải im bặt… Một dấu lặng tinh tế để mọi người lắng đọng tâm hồn, đủ thoáng quay về nội tâm để thấy mình trong những yếu đuối của tha nhân. Sau dấu lặng ấy, Chúa Giêsu liên tiếp đưa ra các bước với những giải pháp cụ thể bằng cặp từ: “nếu…thì…”. Ngài đưa ra một tình huống giả định và kết quả dựa trên điều kiện đó.
Bước đầu tiên
Chúa Giêsu dậy môn đệ, bước đi những bước đầu tiên, phải thật nhẹ nhàng tinh tế: “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (c15). Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, mọi chuyện riêng tư kín đáo đều dễ dàng bị phơi bày, rêu rao trên các trang mạng xã hội nhằm đả kích, hạ uy tín, vùi dập người khác; hay có khi vì đó là một thị trường đem lại doanh thu rất lớn, khi họ khai thác tính tò mò của con người với tin giật gân để “câu view”. Giữa bối cảnh ấy, hơn bao giờ hết, thời đại hôm nay cần lắng nghe, suy niệm Lời Chúa, để việc truyền thông giữa con người với nhau trở thành “truyền thông sạch”. Chúa mời gọi chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của hối nhân, để thấu hiểu và không chỉ trích công khai, không loan tin đồn, làm tổn thương danh dự người khác vì thánh nhân có quá khứ, tội nhân còn tương lai. Chúa khuyến khích chúng ta tiếp cận người phạm lỗi một cách trực tiếp và kín đáo với tinh thần đối thoại thẳng thắn, chân thành góp ý, lắng nghe họ, tìm kiếm sự hiểu biết; đồng thời tìm cách để trợ giúp họ sửa chữa hành vi sai trái. Vì qua việc làm tinh tế này, ta có thể tạo ra một không gian an toàn, đáng tin cậy để người khác cảm thấy thoải mái chia sẻ và thừa nhận sai lầm của mình. Điều này cũng nói lên lòng khiêm nhường, sự tôn trọng và hiểu biết nơi người góp ý. Có thể nói, đó cũng là đạo đức của người truyền thông.
Bước thứ hai
Nếu việc nói chuyện riêng tư với người đã phạm lỗi không giải quyết được vấn đề, Chúa khuyến khích chúng ta cẩn thận đi thêm một bước: “Hãy đem theo một hay hai người khác nữa để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”(c16). Chúa Giêsu muốn chúng ta đem theo hai hoặc ba chứng nhân, không phải để làm cho người có lỗi cảm thấy bẽ mặt nhưng để đảm bảo rằng hành động đó được đánh giá cách khách quan, đáng tin cậy. Những người chứng nhân có thể giúp định rõ sự thật và đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về tình huống, từ đó tạo ra sự thỏa đáng. Nhân chứng ở đây cũng có thể là người đạo đức thánh thiện, họ là những chứng nhân nên có sức thuyết phục rất lớn. Vì như lời Đức Phaolô VI nói: “con người thời nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
Bước thứ ba
Nếu người đã phạm lỗi không lắng nghe và không chấp nhận sự giúp đỡ từ những cá nhân, Chúa Giêsu lại khuyến khích chúng ta kiên trì đi thêm một bước nữa là đưa vấn đề đó lên Hội thánh. Đưa người ấy đến với Hội Thánh không phải để xét xử nhưng để họ có cơ hội tỏ lòng sám hối và được ân xá. Nhưng, nếu ngay cả Hội thánh mà nó cũng không nghe thì Chúa mời gọi chúng ta xem người đó như một người ngoại hay một người thu thuế; nghĩa là cộng đoàn không thể tiếp tục đồng hành với người đó và phải áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ tinh thần và đạo đức truyền thống.
Sau tất cả các bước
Sau tất cả những gì mà một cá nhân, hay những chứng nhân và cả sự can thiệp của Hội thánh trên hối nhân mà vẫn không có kết quả gì, Chúa Giêsu vẫn không mất niềm hi vọng. Có lẽ, Chúa đã nhìn thấy trong tội nhân có mầm mống của một thánh nhân. Ngài mời gọi cộng đoàn tín hữu hãy đoàn kết thật chặt, hãy hiệp ý cùng nhau để cầu nguyện, bởi lời cầu nguyện có sức mạnh thay đổi những gì con người không thể đổi thay: “Thầy bảo thật anh em, nếu ở dưới đất hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho, vì ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ” (c19-20). Đây có thể là một giải pháp âm thầm cuối cùng nhưng lại rất có hiệu lực. Nó giống như một “miếng đánh” cuối cùng của người võ sĩ để giành lại chiến thắng. Chúa khẳng định sức mạnh và hiệu quả của lời cầu nguyện khi hai người hoặc nhiều người trong cộng đồng cùng hợp lòng cầu xin một điều gì đó. Chúa đảm bảo rằng Cha trên trời sẽ trả lời và ban cho điều mà họ kiên trì kêu cầu. Đồng thời Ngài cũng luôn đồng hành với con người trong lộ trình lữ thứ trần gian.
Càng suy gẫm lời giảng của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng Mt (18, 15-20), ta lại càng thấy hiện lên nơi Đức Giêsu Người Thầy vĩ đại và tuyệt vời. Những lời giảng của Ngài cách đây hơn 2.000 năm nhưng vẫn luôn mới mẻ, hợp thời và đầy tính nhân văn. Đặc biệt với thời đại truyền thông đang lên ngôi, cuộc sống tràn ngập những tin tiêu cực, những lối sống ảo, thì giáo huấn của Thầy Giêsu, nghệ thuật sửa lỗi cho nhau qua việc “gặp gỡ, lắng nghe và phân định” lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đó chẳng phải là tinh thần “Giáo hội hiệp hành” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi toàn thể Giáo hội cùng hướng tới đó sao?
Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, cách riêng trong việc góp ý sửa lỗi cho anh chị em con. Xin Chúa giúp con biết khiêm tốn và tế nhị khi sửa lỗi cho người khác vì ý thức rằng chính bản thân con cũng đầy khiếm khuyết lỗi lầm. Xin đừng bao giờ để con buông lời xét đoán hay làm gì tổn thương danh dự của người khác. Trên hết, xin giúp con biết gặp gỡ, lắng nghe và cùng phân định trong tinh thần cầu nguyện và phó thác mọi sự nơi Chúa. Chớ gì mọi việc con làm đều đẹp lòng Chúa và hữu ích cho anh chị em con. Amen.
Rosa Ngô Phương