Lm. Cao Gia An, S.J.
Nhịp Phụng Vụ của Giáo Hội khởi đầu bằng Mùa Vọng với tiếng kêu trong hoang địa của Thánh Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 1,3). Trước khi bước vào nhịp sống Thường Niên, Mùa Giáng Sinh khép lại cũng bằng hình ảnh của Gioan Tẩy Giả với vai trò là người làm phép rửa cho Đức Giê-su bên dòng nước sông Gio-đan. Như thế, trong nhịp phụng vụ của Giáo Hội, Thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một người dọn đường.
Ở khởi đầu năm Phụng Vụ, Gioan kêu gọi dọn lòng người để đón mừng Mầu Nhiệp Con Thiên Chúa giáng trần. Ở khởi đầu mùa Thường Niên, Gioan làm người giới thiệu Đức Giê-su khi Người bước vào cuộc đời rao giảng và sứ vụ công khai. Gioan tự xem mình như một chàng rể phụ, là nhân vật phụ, và giới th iệu Đức Giê-su như là tân lang, là nhân vật chính. Gioan tự đặt mình làm người đứng bên cạnh và bên lề, đặt Đức Giê-su ở vị trí trung tâm. Châm ngôn sống của cuộc đời và sứ mạng của Gioan có thể được gói gọn trong lời xác tín: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Theo đó, Gioan đích thực là gương mẫu của những người sống đời dâng hiến và bước theo lý tưởng làm môn đệ của Đức Giê-su.
Trong hoang địa
Gioan khởi đầu ơn gọi của mình bằng đời sống trong hoang địa. Hoang địa là miền cô tịch, tách biệt và xa lánh những ồn ào nhộn nhịp của phố thị phồn hoa. Sự thinh lặng của hoang địa đặt con người đối diện với nội tâm của chính mình, cho con người cơ hội gặp lại chính mình và gặp gỡ Thiên Chúa. Sự nghèo khó của hoang địa dạy con người cách sống giản đơn, giải phóng con người khỏi những phụ thuộc quá mức vào cơm bánh vật chất và bao bận tâm với những bái trị bề ngoài. Hoang địa là trường dạy giúp con người vững vàng trong bản lĩnh, sâu sắc trong nội tâm, trưởng thành trong nhân cách. Hoang địa nung nấu nhiệt huyết tông đồ, là khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết cho bất cứ người nào muốn dấn thân vào hành trình sứ mạng. Ấy là khoảng thời gian dạy người ta sống như một người được dành riêng.
Ở khởi đầu sứ mạng của mình, Gioan Tẩy Giả là người được dành riêng như thế. Sinh ra và lớn lên trên vùng đô thị Giu-đêa, có Cha là người đầy thế giá vì là một trong những vị tư tế hiếm hoi được chọn để dâng hương trong Đền Thờ Đức Chúa, Gioan có quyền có một cuộc sống khác. Gioan hoàn toàn có khả năng nối bước cha mình trong chức nghiệp tư tế. Gioan có quyền có một tuổi trẻ đầy hào nhoáng với những phù hoa của vùng đô thị Giu-đêa. Nhưng Gioan đã chọn cho mình một con đường khác. Tuổi trẻ của Gioan trải qua như một vị ẩn sĩ, vun đắp cho mình những đạo hạnh bên trong thay vì những phù phiếm bên ngoài. Gioan mặc áo lông lạc đà thay vì quần là áo lượt, thắt đai lưng bằng dây da thay vì những điểm trang đẹp đẽ bóng bẩy, ăn châu chấu và mật ong rừng thay vì tìm kiếm của ngon vật lạ. Chọn lựa và lối sống của Gioan trở nên như một dấu chỉ. Lối sống của Gioan phản ánh rằng con đường mà Gioan đang đi phải có một giá trị gì đó thật sự đặc biệt, chọn lựa của Gioan phải có một sức hút gì đó thật mãnh liệt để cả cuộc đời của Gioan hoàn toàn được giải phóng và được sống trọn vẹn cho lý tưởng của mình. Chính lối sống ấy hấp dẫn và lôi cuốn được mọi người đến với Gioan. Ấy là bước khởi đầu của việc sống sứ mạng của một người dọn đường.
Tôi phải nhỏ lại
Gioan là người hoàn toàn thoát khỏi chính mình để sống trọn vẹn cho sứ mạng của mình. Ông thực thi sứ mạng cuộc đời bằng cách làm cho mình ngày một nhỏ lại. Những ngày tháng rao giảng của Gioan đã gặt hái được nhiều thành công. Nhiều người tuôn đến với Gioan. Nhiều người lắng nghe lời ông. Nhiều người hạ mình để được ông làm phép rửa. Nhờ có ông, nhiều người được làm lại cuộc đời. Bởi đó, nhiều người đặt kỳ vọng vào Gioan. Thậm chí, có người còn hỏi liệu có phải là Đấng Ki-tô mà toàn dân đang ngóng đợi… Giữa nhiều hào nhoáng của thành công như vậy, Gioan biết rõ mình là ai, và mình không phải là ai.
Tin Mừng Thánh Gioan kể lại cuộc tranh luận và phản ứng của các môn đệ của Gioan. Họ so sánh Thầy mình và Đức Giê-su, người đã từng được Thầy mình làm phép rửa. Khi thấy càng ngày Đức Giê-su càng thu hút nhiều người, các môn đệ của Gioan hẳn chạnh lòng cho Thầy. Thấy có người thành công hơn Thầy mình, người ấy lại là người đã từng nhờ có Thầy mình nâng bước, các môn đệ của Gioan phản ứng. Phản ứng ấy âu cũng là tự nhiên theo lối nhìn của con người. Tuy nhiên, Gioan không chiều theo lối nhìn và cách phản ứng của các môn đệ mình. Gioan từ chối rất rõ ràng và dứt khoát những kỳ vọng và mong đợi âm thầm mà mọi người đặt vào mình. “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”. Trước xu hướng mọi người muốn nâng mình lên, Gioan tự hạ mình xuống. Đúng hơn, Gioan biết đặt mình đúng vị trí của mình, biết phân biệt rõ những điều mà mình không phải là. Mình không được sinh ra chỉ để đáp ứng mong đợi của đám đông, của những người khác. Con đường ơn gọi của Gioan không phải là con đường chạy đua theo những hào nhoáng mà người khác đã vạch ra. Biết lắc đầu với những ánh hào quang giả tạo là bí quyết để Gioan được sống là mình, được sống đúng với ơn gọi mà Thiên Chúa đặt vào cuộc đời mình.
Bóng dáng của cuộc tranh luận và phản ứng của các môn đệ Gioan chừng như vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong cuộc đời của những người tu trì ngày nay. Trong hành trình sống đời tu, không hiếm khi xảy ra những cuộc tranh luận. Có những tranh luận công khai, nhưng cũng có những đấu tranh ngấm ngầm. Bất cứ một cuộc tranh luận nào cũng có thể được biện minh bởi một lý do tốt, hoặc có vẻ tốt, cho nhà Dòng, cho Giáo Hội. Không phải không có những cuộc tranh luận, thực chất khởi đi từ những cái tôi biến chứng trong đời tu. Như các môn đệ của Gioan thấy nhóm mình bắt đầu thua thiệt so với nhóm khác, thấy người trước đây vốn chẳng có khả năng hay giá trị gì giờ bỗng dưng nổi lên và chừng như ảnh hưởng muốn lấn át cả nhóm mình, thấy người khác thuộc nhóm khác được nhiều người yêu mến và trọng vọng hơn nhóm mình, thấy mình bị mất giá, thấy vị thế của mình bị đe doạ… Tất cả đều bắt nguồn từ những cái tôi không chịu nhỏ lại. Khi tôi không nhỏ lại, chỉ còn một khả năng khác là Thiên Chúa phải nhỏ lại trong tôi, nhỏ lại và có nguy cơ dần dần phải biến mất để nhường chỗ cho cái tôi của tôi lên ngôi. Khi đó, Thiên Chúa không còn là cùng đích của đời tôi nữa. Đời tu cũng không còn là con đường dẫn tôi đến với Thiên Chúa nữa. Ngược lại, có nguy cơ tôi dùng con đường đó để khẳng định chính mình, để phục vụ cho mình, để nâng bước mình lên.
Nếu Thiên Chúa không được lớn lên trong đời tôi, hành trình tôi đi nói cho cùng chỉ là một chuyến hành trình phù phiếm và vô bổ, trước sau gì cũng phải đối mặt với nguy cơ thất bại và sụp đổ.
Người phải lớn lên
Lý tưởng của một người được gọi để theo Chúa là làm cho Chúa lớn lên trong cuộc đời mình của mình, để ngang qua mình Thiên Chúa được lớn lên giữa dòng đời. Gia tài quý giá nhất trong cuộc đời của một người đi tu đó là có Chúa. Thiên Chúa càng lớn lên trong cuộc đời mình, cuộc đời ấy càng có giá trị.
Bằng việc làm cho mình nhỏ lại, Gioan để cho Đức Giê-su lớn lên. Nhìn thấy Đức Giê-su được mọi người đón nhận, và mình trở thành kẻ bên lề, Gioan gọi đó là niềm vui và hạnh phúc của mình. Niềm vui như thế là đủ. Hạnh phúc như vậy là trọn vẹn. Chỉ người nào có trái tim trưởng thành như Gioan mới thật sự cảm nếm được niềm vui của một người biết hạ mình xuống, dám hạ mình xuống, để nâng người khác lên. Ấy là niềm vui của một người tự do, được giải phóng hoàn toàn khỏi thế giới hạn hẹp của cái tôi, để mở ra với thế giới bao la của tha nhân. Ấy là niềm hạnh phúc của người biết lấy niềm vui của tha nhân làm niềm vui của mình, lấy hạnh phúc của tha nhân làm hạnh phúc của mình. Ấy là một lối sống cao cả và đáng trân trọng. Lối sống ấy mỗi người tu sĩ đều phải tập và đều phải khát mong đạt được.
Đi tu không phải là để khẳng định chính mình. Người nào mang trong mình tham vọng khẳng định mình, trước sau gì cũng sẽ thất vọng với đời tu của mình, và trước sau gì cũng trở thành cái cớ làm cho nhiều người khác thất vọng. Sau một hành trình sống đời tu trì, nếu một ai đó thấy mình trở thành một người bất khả xâm phạm, thấy không ai dám đụng chạm đến mình, thấy cái tôi và cái thế giá của mình càng lúc càng được khẳng định… ấy là dấu chỉ người ấy đã đi sai đường. Vì trong hành trình tu trì như thế, người ấy chừng nhưng đã càng lúc càng đặt mình vào vị trí trung tâm. Khi ấy, đương nhiên Chúa bị đẩy ra ngoài. Những người anh chị em khác cũng bị đẩy ra ngoài. Sống như vậy, chỉ có cái tôi của mình càng lúc càng lớn lên, và mọi thứ khác đều phải nhỏ lại. Đó không phải là đời tu. Đó không phải là hành trình sống của một người môn đệ.
Hành trình của Gioan Tẩy Giả, hành trình của đời tu
Tóm lại, có thể thấy nơi cuộc đời và ơn gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả một khuôn mẫu huấn luyện cho đời sống tu trì. Bất cứ một đời tu nào cũng bắt đầu với hành trình của hoang địa: được tách ra khỏi dòng đời và cuộc sống bình thường, được huấn luyện trong nhịp sống cô tịch và cầu nguyện, được hun đúc lửa nhiệt huyết và lòng yêu mến sứ mạng làm một người môn đệ. Quan trọng hơn, chiều kích hoang địa không chỉ kéo dài trong vài năm huấn luyện khởi đầu. Hoang địa là chiều kích cần thiết theo dọc suốt hành trình sống đời tu trì. Bất cứ ở một giai đoạn nào, với công việc hay sứ mạng nào của đời tu, sự cô tịch và trầm lắng của hoang địa luôn là điều kiện cần thiết để một người sống đời tu trì được gặp mình, được gặp Chúa, được dạy dỗ và liên tục lớn lên, nhất là trong đời sống thiêng liêng và nội tâm.
Làm cho mình nhỏ lại là cuộc chiến mà mà một người tu sĩ thật sự cần phải đối mặt mỗi ngày, mỗi phút giây, trong suốt hành trình cuộc đời của mình. Thế giới này càng ngày càng không thiếu những người giỏi giang và trổi trang. Những người đạo đức và nhiệt thành cũng không phải là khó kiếm. Nhưng thế giới càng ngày càng thiếu những gương sống khiêm hạ. Giáo Hội cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu thốn những tu sĩ có nhân đức khiêm nhường để có thể làm người dọn đường cho Chúa, làm người dọn đường cho tha nhân.
Để cho Chúa lớn lên mỗi ngày trong cuộc đời mình là lý tưởng mà bất cứ người tu sĩ nào cũng được mời gọi vươn tới. Niềm vui của đời tu sẽ nên trọn vẹn và hạnh phúc đời tu sẽ đầy ý nghĩa hơn đối với những người để cho mình nhỏ lại và để cho Chúa lớn lên.