“Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” (M. Gơ-ro-ki)
Theo Giáo huấn của Giáo Hội, học hành là phương tiện hữu hiệu giúp các tu sĩ sống ơn gọi cách sung mãn và chu toàn sứ vụ của Hội Dòng. Hơn thế, với người Tu sĩ Đaminh, học hành là “yếu tố quan trọng”, đó là “một trong những sinh hoạt chính yếu của đời tu, ngang bằng với việc cầu nguyện và khổ chế”. Chính nhờ việc học giúp “chúng ta chu toàn những lời khuyên Phúc Âm cách trung thành sáng suốt”, “góp phần thực sự vào việc nên thánh của anh em” và “dẫn đưa tu sĩ Đa Minh tới việc hiểu biết Thiên Chúa sâu xa hơn, hiểu biết về con người, về thế giới mỗi ngày mỗi trung thực, phong phú hơn nữa, để “phục vụ cho sứ vụ”.
Chính vì những ý nghĩa ấy mà ngay từ khi bắt đầu thành lập Hội dòng, các Bề trên đã lưu tâm để chị em có được những phòng đọc dù lúc đó còn hạn chế về số lượng sách. Với thời gian và nhu cầu ngày một lớn về tri thức, Hội dòng quyết định thành lập một Thư viện với khoảng gần 5000 đầu sách, gồm các sách về Đời sống Tâm linh, Tài liệu mục vụ, Báo, Tạp chí, Tập san chuyên đề, v.v. nhằm mở rộng kiến thức, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động tông đồ, hỗ trợ phương pháp dạy Giáo lý, giúp phát triển đời sống Tâm linh và các lĩnh vực khác trong đời sống của chị em.
Thư viện là một bộ phận quan trọng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của Hội dòng, nơi chị em có thể đến để đọc, học hỏi, trao đổi và tìm kiếm cho mình “kho tàng tri thức của nhân loại”. Từ đó, giúp mỗi chị em hoàn thiện nhân cách của chính mình để trở nên một chứng tá sống động giữa thế giới hôm nay.
Bình luận