Tin Mừng Lc 1, 7-14
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11)
Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định: “Khiêm nhường và dịu dàng không phải là tính cách của những người yếu đuối nhu nhược, nhưng là của những người mạnh mẽ kiên cường.” Thật vậy, khiêm nhường là một nhân đức và là chìa khóa mở cho mỗi người đến gần với Thiên Chúa và tha nhân, vì khiêm nhường giúp ta can đảm chân thật nhìn nhận chính mình với những khả năng Chúa ban và đón nhận những giá trị nơi anh chị em xung quanh. Khiêm nhường cũng là nhân đức mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thực thi trong đời sống hằng ngày, vì Chúa đã nói: “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).
Thánh sử Luca đã thuật lại cho chúng ta về sự kiện Chúa Giêsu đến nhà một thủ lãnh các người biệt phải để dùng bữa trong ngày Sabát. Trong khi dùng bữa, Chúa Giêsu nhận thấy nhiều người đang bàn tán xì vào và “dò xét Người,” nhưng Người khiêm tốn đón nhận trong vui vẻ. Tuy nhiên, khi nhận thấy khách mời thích được chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để dạy mọi người về nhân đức khiêm nhường cần phải có trong các tương quan ứng xử. Chúa nói, “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, … nhưng hãy ngồi vào chỗ rốt hết …, vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên” (Lc 14, 7-11).
Để dạy chúng ta sống khiêm nhường, thì chính Chúa Giêsu đã đi bước trước trong việc thực thi nhân đức khiêm tốn. Chúa Giêsu vốn dĩ là một vị Thiên Chúa tối cao nhưng đã chấp nhận từ bỏ tất cả, để hạ mình xuống mang thân phận con người thấp hèn, trở nên giống chúng ta về mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Trong khiêm tốn và yêu thương, Người vui vẻ đến nhà một vị thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa. Mặc cho những người biệt phái luôn tỏ ra khác biệt và không cùng địa vị, đẳng cấp với Chúa Giêsu, và mặc cho họ làm khó, để ý và “dò xét Người,” nhưng Chúa vẫn đến để đồng bàn cùng với họ. Người đã cúi mình xuống để trở nên đồng hình đồng dạng với chúng ta, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Trình thuật Tin Mừng Luca hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu có cái nhìn rất tinh tế khi nhìn thấu tâm lòng con người, đó là: mặc dù không nói ra, nhưng ai cũng muốn chọn chỗ nhất, ai cũng muốn được trọng vọng trong cộng đoàn và xã hội. Ngang qua dụ ngôn này, chúng ta cũng được nhắc nhở hãy tự vấn lương tâm xem, chúng ta đã thực hành đức khiêm nhường ra sao trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân? Chúng ta được Chúa đặt vào thế giới này là bữa tiệc mà Chúa mời mỗi người chúng ta đến dự, vậy chúng ta đang chọn chỗ nào cho mình? Tìm cách khẳng định mình, đề cao mình ở những chỗ nhất, hay là chúng ta đang chọn cách sống âm thầm, phục vụ tha nhân? Nhìn vào thế giới ngày hôm nay, chúng ta có thể nhận ra rằng: thói ích kỷ, kiêu căng, và lối sống tự tôn đang dần làm cho con người xa lánh Thiên Chúa và xa lánh nhau. Không thiếu những người đang dùng mọi cách để có thể giành cho mình “chỗ nhất” trong địa vị, danh vọng, tiền tài. Cũng chính vì vậy mà con người ngày càng rơi vào tình trạng cô độc và thiếu vắng tình người.
Sứ điệp của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thức tỉnh khỏi mọi thứ kiêu ngạo, tự tôn, và say mê quyền thế, và hãy chấp nhận lùi lại một bước để được bước đi đồng hàng với anh chị em mình trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Chúa không nâng chúng ta lên vì chúng ta làm được những công việc lớn lao, những thành công mà chúng ta đạt được, nhưng Chúa nâng chúng ta lên vì chúng ta biết hạ mình xuống để biết Chúa, biết tha nhân và biết mình. Khi chúng ta can đảm chấp nhận sống âm thầm và nhỏ bé, thì cũng chính là lúc chúng ta trở nên mạnh mẽ trước mặt Thiên Chúa như lời Thánh Phaolo đã quả quyết: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).
Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành, xin đến và thêm sức cho chúng con, để mỗi ngày qua đi chúng con biết gọt dũa chính mình, trở nên nhỏ bé và khiêm nhường như Chúa đã dạy. Amen.
Maria Trần Loan