Tin Mừng: Mt 1, 18-24
Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.
HÀNH ĐỘNG CỦA TÌNH YÊU
Yêu là một trong những cảm xúc căn bản nhất của con người nhưng lại rất khó để lý giải về nó. Chính vì thế, người ta cũng rất khó để trả lời cho câu hỏi “tại sao” trong tình yêu mà chỉ có thể khám phá về nó qua việc “làm thế nào” bằng nhiều cách thế khác nhau. Và việc “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” của Thánh Giuse như là một cách cho chúng ta thấy “làm thế nào” để diễn tả tình yêu của ngài đối với Mẹ Maria, qua đó, cũng diễn tả tình yêu và sự tín thác của ngài đối với Thiên Chúa.
Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, thánh sử Mat-thêu đã cho ta thấy “hành động của tình yêu” nơi thánh Giuse. Thật thế, không giống như các kinh sư và các người Pharisêu, họ “nói mà không làm” (x. Mt 23, 1-12), Thánh Giuse lại “không nói nhưng làm” theo cách riêng của ngài, ngài làm vì yêu và làm vì muốn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa. Nếu như Đức Maria – vị hôn thê của thánh nhân đã nói lời xin vâng và đã để cho thánh ý Chúa được thực hiện trên cuộc đời của mình khi nghe sứ thần truyền tin (x. Lc 1, 26-38) thì giờ đây, chính ngài cũng mau mắn cất lên tiếng xin vâng với sứ thần của Thiên Chúa, sẵn sàng làm điều Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người, không phải bằng lời nói có âm thanh, nhưng bằng một thứ ngôn ngữ không lời, âm thầm nhưng mãnh liệt, một hành động cụ thể – hành động của tình yêu. Có thể nói, Đức Maria và Thánh Giuse đã vâng theo Thánh ý Chúa theo cách riêng của các ngài, nhưng có nét tương đồng về tình yêu, niềm tin tưởng, sự khiêm nhường, luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Sự đồng điệu đó của hai con người thánh làm cho các ngài càng thêm gắn kết yêu thương và làm cho đời sống của các ngài thêm thánh hơn.
Trở lại với bối cảnh của Thánh Giuse. Khi chưa hiểu được ý định và kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình và của vị hôn thê trẻ tuổi, thì thánh Giuse đã toan tính và “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Có lẽ thánh nhân đã phải khó khăn lắm để đưa ra quyết định này, bởi, đâu phải là chuyện dễ khi rời bỏ một cô gái ngoan hiền quen thuộc bấy lâu nay mà mình đã tin tưởng, yêu thương, đã đính hôn và chỉ ít ngày nữa sẽ là vợ của mình. Và có lẽ Thánh nhân cũng phân vân, bối rối và đau khổ lắm khi người con gái đã đính hôn với mình, chưa ăn ở với mình mà lại mang thai trong khi ngài chắc chắn bào thai đó không phải của mình. Rời bỏ Maria quả là một quyết định cam go và cũng hết sức can đảm! Thế nhưng, chưa kịp thực hiện dự định thì điều bất ngờ đã xảy ra. Trong khung cảnh một giấc mơ, Thánh nhân đã khám phá ra chương trình tuyệt vời của Thiên Chúa, khám phá ra mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thánh nhân đã nhận ra Thiên Chúa sắp thực hiện những lời hứa với dân của Người; đồng thời mời gọi mình và Đức Maria cộng tác vào chương trình ấy. Vì thế, thánh nhân đã mau mắn “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Có lẽ chính tâm thế và cách ứng xử này mà thánh nhân được gọi là “người công chính” bởi ngài đã mong đợi, đã tin tưởng và sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người.1
Tin mừng không mô tả tâm trạng của Thánh Giuse nhưng ta có thể đoán được ngài đã mừng rỡ, hoan hỷ biết bao! Quả thế, không hoan hỷ sao được khi chính Đấng Emmanuel, Đấng muôn dân đang trông đợi sắp xuất hiện, không phải ở đâu xa nhưng ngay chính trong dạ vị hôn thê của mình do quyền năng Chúa Thánh Thần, và thánh nhân chính là người được trao nhiệm vụ cao cả là bảo vệ, chăm sóc, dưỡng nuôi Thiên Chúa cùng với mẹ của Người. Một nhiệm vụ mà có lẽ chưa bao giờ Thánh nhân dám nghĩ tới. Và, như một hệ luận, “tình yêu đáp lại tình yêu”. Thay cho lời nói xin vâng trước lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, Thánh nhân đã mau mắn thực thi ý Chúa là “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Hành động cụ thể đó là một minh chứng hùng hồn nhất cho tình yêu được thực hiện nhờ sức mạnh nội tâm của một tâm hồn yêu mến và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, luôn biết lắng nghe và mau mắn, sẵn sàng làm điều Thiên Chúa muốn.
Yêu và tin thường đi đôi với nhau, hay nói cách khác, trong chữ yêu đã bao hàm chữ tin, yêu nên tin, và vì tin nên càng yêu hơn, từ đó, đưa đến những hành động cụ thể. Điều ấy đã được Thánh Giuse chứng minh trong cuộc đời của ngài. Đó là mẫu gương cho chúng ta về thái độ chiêm nghiệm và đón nhận kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mình vì chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn có sẵn chương trình cho mỗi người, theo những cách thế mà Ngài muốn. Để làm được điều ấy, chúng ta cần noi gương Thánh nhân, luôn “lặng” để có thể “nghe” được tiếng Chúa và ý định mà Chúa muốn trên cuộc của mình, năng tìm ý Chúa và cậy dựa vào Ngài hơn là cậy dựa vào sự hiểu biết và suy tính hạn hẹp của con người và hãy làm mọi sự vì YÊU. Yêu Chúa và yêu người.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn biết yêu Chúa, biết tin vào chương trình và sự quan phòng của Chúa, biết phó thác cho Chúa vận mệnh và tương lai đời mình và chỉ thực hiện những gì Chúa muốn mà thôi. Lạy Chúa, xin giúp sức cho chúng con. Amen!
Anna Đặng
1 X. Phan Tấn Thành, O.P, «Tại sao ông Giuse được gọi là công chính?», trong https://gphaiphong.org/hoi-dap-song-dao/tai-sao-ong-giuse-duoc-goi-la-cong-chinh-8546.html.