Tin mừng: Mc 1,14-20
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng.”
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.
17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.
20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
Sau khi nghe bài đọc thứ nhất, tôi tự hỏi: Nhờ vào đâu mà dân thành Ninivê đã được Chúa tha thứ, được giải thoát khỏi hình phạt nặng nề giáng xuống trên họ?
Thưa, đó là nhờ vào thái độ ăn năn, sám hối.
Trong đời sống đạo, người tín hữu phải chiến đấu rất nhiều để luôn giữ được lòng trung tín với Thiên Chúa. Tông đồ trưởng Phêrô đã trải qua kinh nghiệm đó, ông từng kiên quyết: “dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi chăng nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Thế mà chỉ sau đó vài giờ, khi thấy Thầy mình bị bắt, bị nhục mạ, bị đánh đòn, bị kết án. Và khi thấy mình có thể bị liên can, Phêrô liền chối: “tôi không biết người đó” (Mt 26,69-76).
Việc chối Thầy một cách mạnh mẽ như thế chứng tỏ lòng trung tín của Phêrô đã sụp đổ và ông thất bại trong việc trung tín với Chúa luôn luôn. Nhưng may mắn là ông không sống mãi trong tâm thế đó, ánh nhìn xót thương của Chúa đã thức tỉnh lương tâm ông. Phêrô đón nhận ơn Chúa để thống hối ăn năn và cầu nguyện.
Hãy sám hối và tin vào Tin mừng.
Thánh Augustino đã nói: để tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài.
Cũng trong chiều hướng đó, chúng ta thấy tâm tình sám hối ăn năn chính là sự cộng tác của chúng ta vào ơn Chúa, chính là một thứ “tiền bạc thiêng liêng” để chúng ta mua lấy ơn tha thứ.
Từ những kinh nghiệm trong đời sống đạo, người tông đồ hãy xác định: Trong mọi chiến đấu cho đức tin và đức ái, thì chiến đấu bằng cầu nguyện và sám hối là quan trọng nhất. “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2Pr 3,8-9).
Mong rằng mọi người chúng ta đều có thể là ông Ê-páp-ra mà thánh Phaolo ca ngợi trong thư gửi giáo đoàn Côlôxê: “Anh Ê-páp-ra, người đồng hương với anh em… không ngừng chiến đấu cho anh em bằng lời cầu nguyện, để một khi đã trưởng thành và hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự, anh em được đứng vững” (Cl 4,12).
Đứng vững trong đức tin, nhất là đứng vững trong đức ái là điều không dễ dàng chút nào. Hãy cầu nguyện thật nhiều và hãy cầu nguyện theo thánh ý Chúa. Hãy sám hối rất nhiều và hãy sám hối với tinh thần tiết độ.
Nếu như dòng nước rửa tội tẩy xóa mọi dấu vết của tội nguyên tổ, thì những giọt nước mắt ăn năn sám hối cũng chính là một thứ nước có sức gột rửa những dấu vết lỗi lầm ta đã vấp phạm.
Cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta hãy là một sự nối tiếp công trình của Chúa, hãy là một sự kéo dài về sự hiện diện đầy tình thương của Ngài cho đến tận cùng thời gian.
Chúa đã chết trên thập giá để lập nên kho tàng cứu độ, thế nhưng chúng ta phải biết giơ bàn tay lên để đón nhận ơn cứu độ ấy cho bản thân và cho những người chung quanh chúng ta.
Têrêsa Nguyên Hồng