Hội đồng Giám mục Đức chấp nhận đề nghị của Bộ giáo sĩ và sẽ cử một phái đoàn đến Roma để trao đổi với Bộ về tông huấn do Bộ ban hành về các giáo xứ. Các giám mục đề nghị sẽ có một số đại diện giáo dân cùng đi. Những người này thuộc “Con đường công nghị” đang tiến hành tại Đức.
Quyết định trên đây được đề ra, trong khóa họp hôm 24/8/2020 vừa qua của Ban thường vụ Hội đồng Giám mục Đức, tại thành phố Wuerzburg với sự tham dự của 27 giám mục chính tòa toàn quốc.
Tông huấn về các giáo xứ, do Bộ giáo sĩ công bố ngày 20/7, dài 28 trang và gồm 11 chương, không đề ra qui luật mới nào, và chỉ nhắm mục đích áp dụng các luật hiện hành trong bối cảnh ngày nay. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều giám mục tại Đức phê bình văn kiện này, nhất là các điều khoản tái khẳng định chỉ có linh mục mới có thể làm Cha sở, giáo dân có thể cộng tác vào việc điều hành giáo xứ; để giảng trong thánh lễ, phải là linh mục hoặc là phó tế, giáo dân có thể diễn giải và phát biểu trong các buổi phụng vụ khác.
Tại Đức, nhiều giám mục giáo phận đã ủy thác cho giáo dân coi xứ vì tình trạng khan hiếm linh mục. Ngoài ra, một số giáo phận tiến hành kế hoạch gộp các giáo xứ, và gạt linh mục ra ngoài lề. Ví dụ, giáo phận Trier gộp 800 giáo xứ thành 35 giáo xứ lớn, mặc dù giáo phận còn gần 1.000 linh mục. Tổng giáo phận Freiburg muốn gộp 1.000 giáo xứ thành 40 xứ lớn, mặc dù tại đây còn hơn 1.000 linh mục.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo La Stampa, ở Italia, ngày 28/7 vừa qua, Đức Hồng y Benjamin Stella nói: “Cần phải thận trọng để đừng biến giáo xứ thành một chi nhánh của một công ty, với hậu quả là giáo xứ được điều khiển do bất kỳ ai, hoặc một nhóm chuyên gia…”
Thống kê gần đây cho thấy, năm 2019 số tín hữu Công giáo Đức rời bỏ Giáo hội lên tới mức kỷ lục.
G. Trần Đức Anh, O.P.