1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA VÀ LỜI MỜI GỌI HOÁN CẢI
Bước vào Chúa Nhật V Mùa Chay, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng lắng nghe và suy ngẫm về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa – một món quà vô giá của ân sủng, sức mạnh chữa lành, và lời kêu gọi hoán cải. Lòng thương xót của Thiên Chúa được nhìn thấy rõ nét trong trình thuật Tin Mừng của Gioan 8, 1-11 khi Chúa Giêsu đảo lộn những khuôn mẫu và suy nghĩ quen thuộc của con người trước lỗi lầm của người khác, mở ra cho chúng ta một góc nhìn hoàn toàn mới về chính mình, về tha nhân, và về Thiên Chúa. Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, bị lôi đến trước mặt Chúa Giêsu bởi những người tự cho mình là công chính, có lẽ không còn xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, thông điệp của câu chuyện này vẫn luôn mới mẻ và là lời mời gọi đầy thách đố đối với con người mọi thời.
Tin Mừng Gioan kể lại cho chúng ta một phiên tòa đầy gay cấn giữa người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và đám đông dân chúng, bao gồm những nhà Luật sĩ và Kinh sư. Viện cớ tuân giữ luật Môsê, những kẻ cáo buộc đã lạnh lùng xô đẩy người phụ nữ đến trước mặt Chúa Giêsu để thử thách và có ý gài bẫy “để có bằng chứng tố cáo Người” (Ga 8, 6). Họ dùng người phụ nữ tội lỗi để đẩy Chúa Giêsu vào một tình huống khó xử giữa lòng thương xót mà Ngài rao giảng và luật lệ Ngài bảo vệ: nếu Ngài bảo họ ném đá người phụ nữ, thì Ngài sẽ bị xem là không có lòng thương xót; nhưng nếu Ngài bảo họ tha thứ cho chị, thì Ngài sẽ bị cho là không giữ luật Môsê. Nhưng thật bất ngờ, thay vì lên án người phụ nữ về tội ngoại tình, Chúa Giêsu lại làm một điều mà những nhà Luật sĩ và Kinh sư không hề nghĩ tới. Ngài thinh lặng, cúi xuống và bắt đầu viết trên cát.
Trong khoảnh khắc đó, sự khôn ngoan và trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu được biểu lộ. Không đưa ra câu trả lời ngay lập tức, nhưng Chúa Giêsu bằng một câu nói rất đơn giản nhưng đầy uy lực, mời gọi những kẻ cáo buộc nhìn sâu vào chính tâm hồn mình trước khi hành xử: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8, 7). Những kẻ ít phút trước đây đang hùng hổ chờ để ném đá người phụ nữ, giờ đây câu nói của Chúa Giêsu làm họ xấu hổ khi họ nhận ra sự bất toàn của chính mình và lần lượt lặng lẽ bỏ đi. Câu nói tưởng chừng như đơn giản ấy của Chúa Giêsu đã giải quyết mọi tranh cãi và đưa ra thước đo cho mọi người: không ai có quyền xét đoán người khác, vì tất cả chúng ta đều có tội trước mặt Chúa.
Sau bài học quan trọng thứ nhất, đó là đừng xét đoán người khác, Chúa Giêsu lại dạy người phụ nữ và mỗi người chúng ta một bài học hết sức quan trọng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặc dù, chỉ có Thiên Chúa có quyền kết án chúng ta, nhưng Ngài lại là Đấng giầu lòng xót thương. Vì thế, khi thấy chỉ còn lại người phụ nữ vẫn đứng đó, Chúa Giêsu đã nói với chị, “Ta không kết án chị đâu. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Đây là lời nhắc nhở về lòng thương xót và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Đấng không đứng từ trên cao để phê phán tội lỗi của con người, mà Ngài nhìn thấu vượt qua tội lỗi của chúng ta một khả năng thay đổi, để rồi trao cho chúng ta cơ hội được chữa lành.
James là một học sinh giỏi, đầy triển vọng. Nhưng một ngày nọ, do không kiềm chế được tính nóng nảy, cậu đã to tiếng với giáo sư trước mặt cả lớp. Cuộc đụng độ giữa James và giáo sư đã ảnh hưởng tới danh tiếng của cậu và sự tin tưởng mà mọi người dành cho cậu. Sau đó, nhiều bạn bè từng ngưỡng mộ cậu bắt đầu đồn đoán và bàn tán, khiến cậu cảm thấy xấu hổ và cũng từ đó cậu tự thu mình lại. Sự cô đơn cùng cảm giác tội lỗi đè nặng lên đôi vai của James. Sau một thời gian dằn vặt, James can đảm quyết định gặp lại giáo sư để xin lỗi. Nhưng James hoàn toàn bất ngờ khi vị giáo sư rất từ tốn lắng nghe cậu và nhẹ nhàng nói với cậu: “Ai cũng từng mắc sai lầm. Nhưng cách duy nhất để tiến về phía trước là học cách tha thứ—tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình.” Câu nói của vị giáo sư làm cho James tỉnh ngộ. Cậu đã nghĩ rằng mình sẽ bị chỉ trích, nhưng thay vào đó, cậu nhận được sự cảm thông và thấu hiểu. Giáo sư không phớt lờ lỗi lầm của James, mà hướng dẫn cậu nhìn nhận đó như một cơ hội để trưởng thành. Theo thời gian, James học cách sửa chữa lỗi lầm, không chỉ với những người xung quanh mà còn với chính bản thân mình. Cậu hiểu rằng sự tha thứ không chỉ xóa bỏ quá khứ mà còn mở ra con đường mới – con đường hướng tới lòng thương xót và niềm hy vọng lớn lao hơn bất kỳ lỗi lầm nào.
Câu chuyện đời thường này phần nào đó phản ánh ân sủng tuyệt vời mà Chúa Giêsu thể hiện trong Tin Mừng hôm nay. Giống như giáo sư không phớt lờ lỗi lầm của James nhưng vẫn trao cho cậu sự cảm thông và cơ hội để sửa sai, Chúa Giêsu cũng không phủ nhận tội lỗi của người phụ nữ ngoại tình – Ngài thừa nhận sự thật về nó. Tuy nhiên, thay vì kết án, Ngài mời gọi chị bắt đầu lại, một cuộc đời mới trong tự do và ân sủng.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi chúng ta: “Ta không lên án con đâu. Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Bước vào những ngày cuối của Mùa Chay, mỗi chúng ta hãy để những lời này chạm đến trái tim mình, và buông bỏ gánh nặng của tội lỗi để bước vào sự tự do được Thiên Chúa ban tặng. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi, không chỉ dừng lại ở việc đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, mà còn bước vào tiến trình hoán cải bản thân, thay đổi lối sống, để chính mình trở thành công cụ của sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa trong gia đình, cộng đoàn, và thế giới xung quanh. Khi đi cùng Chúa Giêsu trên hành trình Thương Khó, hãy nhớ rằng không ai ngoài tầm với của tình yêu Ngài, và không một tội lỗi nào vượt quá sức tha thứ của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa mời gọi chúng ta học cách cúi xuống nâng đỡ những ai vấp ngã, nhìn xa hơn những sai lầm của tha nhân, để thấy sức mạnh của hoán cải và chữa lành trong hy vọng và ánh sáng của Chúa Phục Sinh. Xin Chúa Giêsu, Nguồn Mạch của lòng thương xót và tha thứ, ban cho chúng ta ơn can đảm sống theo con đường tình yêu của Ngài và nhiệt thành mang lòng thương xót của Chúa đến cho mọi người xung quanh!
Nt. Agnes Liên Đỗ, OP