Tin mừng: Ga 20,19-31
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” 24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” 30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Biến cố Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh không chỉ đem lại cho chúng ta niềm vui sau những ngày tăm tối và đau thương, không chỉ mang lại cho con người niềm hy vọng vào một đời sống vĩnh cửu sau những đau khổ và chết chóc mà còn mang lại cho chúng ta một điều hết sức quý giá, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày nay, đó là sự bình an, để qua đó, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu và lòng thương xót của Ngài với nhân loại.
Điều ấy được diễn tả trong bài Tin mừng Chúa nhật kính lòng Chúa thương xót. Thánh sử Gio-an kể lại rằng: Sau khi từ cõi chết sống lại, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và Ngài cất tiếng chào các ông bằng lời chúc bình an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20, 19). Đây quả là niềm vui và hạnh phúc không gì có thể diễn tả nổi nơi các môn đệ; đồng thời cũng cho thấy được tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu với các môn đệ thân tín, vì trong khi các các ông đang đau buồn và thất vọng bởi Thầy mình – người mà họ đã đi theo suốt ba năm qua và đặt biết bao kỳ vọng cho tương lai “đổi đời” của họ đã bị kết án và chết cách nhục nhã như một tên trộm cướp trên thập giá; và trong khi họ đang hoảng sợ người Do-thái vì biết đâu, sau Thầy sẽ đến lượt mình cũng bị bắt và bị giết, thì Đức Giê-su đã hiện ra để trấn an các ông và còn trao ban cho các ông một thứ mà các ông đang rất cần đó là sự bình an. Bình an ở đây, chúng ta có thể hiểu, không phải là thứ bình an đơn thuần, không chỉ là một lời nói trên môi miệng, nhưng là sự bình an thẳm sâu, xuất phát từ chính con người Đức Giê-su. Quả vậy, Ngài là nguồn bình an. Khi có Ngài. Bình an sẽ đến. Khi không có Ngài. Không có bình an. Bằng chứng rõ ràng là khi không có Thầy, các môn đệ trở nên hoảng loạn và sợ hãi nhưng khi Thầy “trở lại”, các ông đã “vui mừng” và đầy can đảm để đi loan báo cho mọi người về sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô (x. cv 5,12-16).
Như thế, bình an mà Chúa Giê-su ban cho các ông lúc này không chỉ làm cho các ông an tâm, không chỉ giúp các ông vượt thắng những hoang mang, lo sợ mà đó giống như một sức mạnh lớn lao để vực dậy tinh thần đang suy sụp của các ông và giúp các ông có thêm động lực, thêm can đảm để tiếp tục thực thi sức mạng mà Chúa đã trao cho các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. […] Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,21-23). Ngay sau khi cho các môn đệ hưởng niềm vui qua sự hiện diện thể lý, ngay sau khi giúp các ông cảm nhận được lòng thương xót của mình qua việc cho các ông xem tay và cạnh sườn (x. Ga 20, 22), Ngài đã nhắc nhở các ông phải trở thành một “thừa tác viên” về lòng thương xót của Ngài. Và quả thật, các môn đệ đã đầy mạnh mẽ và can đảm đi loan báo cho muôn dân biết về nước Thiên Chúa, biết về sự phục sinh của Đức Ki-tô và biết về lòng thương xót vô biên của Ngài với đối với nhân loại. Lòng thương xót ấy là ơn tha thứ của Thiên Chúa, là ơn giải thoát con người khỏi gông cùm của tội lỗi để được sống trong bình an và hưởng nếm sự tự do. Tất cả những điều ấy, Chúa Giê-su đã trao ban để chúng ta có thể lãnh nhận từ các môn đệ, từ các tư tế trong Giáo hội nhưng khởi nguồn của những ân sủng ấy là nhờ máu và nước nơi cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giê-su; từ những lỗ đinh nơi tay-chân của Ngài; từ những chiếc gai nhọn đâm thấu vào đầu và từ nơi những vết đòn đánh trên khắp thân thể Ngài, v.v. Cả con người của Ngài, đời sống của Ngài, lời nói của Ngài, việc làm của Ngài và từng vết thương nơi thân thể của Ngài đều diễn tả cách trọn vẹn lời Ngài đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga, 15,9).
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấu được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, dẫu cho chúng ta đã nhận lãnh biết bao ân huệ của Ngài trên cuộc đời của mình. Chúng ta cũng không khác ông Tô-ma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Ở khía cạnh nào đó, chúng ta thường đòi có những “phép lạ nhãn tiền”, chúng ta thường đòi Chúa phải ban ngay lập tức cho ta những ơn ta cần, những ơn ta xin mà không nghĩ tới sự chai lỳ trong đức tin của chính mình. Dầu thế, lòng thương xót của Chúa luôn vượt thắng những yếu đuối và sự cứng lòng của ta, Ngài luôn trao cho ta những cơ hội để ta hoán cải và có thể nhận biết tình yêu nhưng không của Ngài giống như Ngài đã nói với ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27).
Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, Ngài đã đến đúng lúc để đem lại bình an cho các môn đệ giữa lúc họ sợ hãi và hoang mang, Ngài cũng kiên nhẫn với sự cứng lòng của ông Tô-ma để qua đó, mạc khải cách trọn vẹn lòng thương xót vô biên của Ngài cho các ông. Ngày nay, chúng con và nhiều nơi trên thế giới cũng đang sống trong cảnh bất an, lo sợ bởi tâm hồn và đời sống chúng con không có chỗ cho lòng thương xót của Chúa hiện diện, thay vào đó, chúng con chỉ dành chỗ cho những ghen ghét, oán hận và đố kỵ cùng những tham lam và ích kỷ bên cạnh sự chai lỳ và cứng tin. Xin hãy ban ơn để cho chúng con biết mở trái tim mình ra, hầu có thể nhận ra lòng lân ái bao la của Chúa trong cuộc sống của mình, nhờ đó, chúng con sẽ trở thành chứng tá sống động về lòng thương xót của Ngài cho anh chị em xung quanh chúng con. Amen.
Têrêsa Dung Đinh