Chương 3: Misa Takatifu
18. Màu hoa đỏ
Châu Phi là lục địa của những sắc màu rực rỡ. Sắc màu rực rỡ bắt mắt của những bộ trang phục, của những buổi lễ hội, của phong cách trang trí đặc trưng bởi những tông màu đậm và mạnh.
Các chuyên gia nghiên cứu về văn hoá và nhân chủng học cho rằng sắc màu trong phong cách trang trí và tổ chức lễ hội của một dân tộc được định hình từ chính môi trường sống tự nhiên của dân tộc ấy. Dù là ý thức hay vô thức, mọi kiểu “làm đẹp” của con người đều đến từ việc bắt chước những cái đẹp mà con người được chiêm ngắm từ trong môi trường sống của mình. Điều này hoàn toàn đúng với văn hoá của Châu Phi.
Người dân Châu Phi nói chung rất thích những sắc màu rực rỡ. Vì đó là màu của sự sống. Màu chói lọi của vầng mặt trời nung đốt lục địa này ban ngày. Màu rực rỡ của vầng trăng toả sáng trên bầu trời quang đãng vào mỗi đêm. Màu của bầu trời mỗi độ bình minh ló rạng, hay mỗi lúc hoàng hôn buông xuống trên vùng thảo nguyên mênh mông.
Rất nhiều vùng của Châu Phi được phủ kín bởi phần đất đỏ bazan, hình thành từ đá mácma là sản phẩm được tạo ra bởi núi lửa phun trào. Loại đất này rất giàu có hàm lượng Ôxít sắt và nhôm. Chừng như cái màu đỏ của đất cũng ngấm vào cả cỏ cây, nên Châu Phi là vùng đất của rất nhiều loài hoa đỏ. Những hàng rào dâm bụt đỏ tươi. Những chùm bông giấy um tùm và rực rỡ. Những loài hoa cúc đỏ, hoa huệ đỏ, hoa xương rồng đỏ, hoa lô hội đỏ, hoa bánh pháo đỏ…
Nhưng biểu tượng cho sự rực rỡ của Châu Phi, phải kể đến hai loài hoa đỏ rất đặc trưng là Phượng Hoàng Lửa và Phượng Vỹ. Cả hai đều có chung một biệt danh là “những đốm lửa của rừng”, hay “những ngọn lửa của Châu Phi”.
Phượng Hoàng Lửa có tên khoa học là Spathodea campanulata, được dịch ra với nhiều tên gọi bình dân khác nhau như cây Sò Đo Cam, cây Chuông Đỏ, cây Đỉnh Phượng Hoàng, cây Hồng Kỳ, cây Uất Kim Hương của Châu Phi… Màu đỏ của hoa Phượng Hoàng Lửa được pha lẫn với màu cam, nên thường rực lên một cách lộng lẫy, tựa những đóm lửa bí ẩn được thắp lên sau vòm lá của rừng xanh. Phượng Hoàng Lửa thường nở theo từng chùm, và cũng rụng từng chùm. Trên nền những thảm cỏ xanh, xác hoa Phượng Hoàng Lửa phủ đầy như những đốm lửa lập loè được thắp lên ngay trên thảm cỏ và nền đất.
Cây Phượng Vỹ thì có tên khoa học là Delonix Regia. Ở vùng Đông Phi, Phượng Vỹ được kể vào số những loài cổ thụ lâu năm. Người Công Giáo Đông Phi thường gọi Phượng Vỹ là hoa của mùa Thương Khó. Những tàng Phượng Vỹ cổ thụ rợp bóng thường bung nở rực rỡ vào đúng dịp Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh. Phượng Vỹ thường được trồng trước những ngôi nhà thờ, che rợp bóng mát vào mùa nắng hạ, lại khoe rợp trời sắc đỏ trong Tuần Thánh và suốt mùa Phục Sinh.
Người dân Kenya truyền khẩu với nhau truyền thuyết rằng: khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đồi Golgotha, dưới chân đồi có trồng một cây Phượng Vỹ. Khi máu của Chúa đổ ra, đã thấm vào lòng đất và trở nên nguồn sống cho loài cây này. Khi cây Phượng Vỹ trổ hoa, những đoá hoa đỏ tươi như màu máu của Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn. Loài hoa ấy bung nở rực rỡ trong Tuần Thánh, như bảo chứng của một tình yêu luôn son sắt nồng thắm và thuỷ chung… Thế nên mỗi khi thấy cây Phượng Vỹ trước nhà bung ra màu hoa đỏ, người ta tự nhiên được nhắc nhớ về thời gian của Tuần Thánh và của ngày Lễ Phục Sinh. Màu đỏ của Phượng Vỹ như màu máu đỏ của con tim, màu của tình yêu tự hiến, màu của sự sống thần linh được thông truyền cho con người.
Thế nên sắc màu rực đỏ mà người dân Châu Phi ưa chuộng không chỉ cưu mang giá trị đẹp đẽ của một nền văn hoá đặc trưng, mà còn có cả một sứ điệp cứu độ rất thiêng liêng và linh thánh.
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog