Tin Mừng : Ga 21, 1 – 14, hoặc 1 – 19
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào.
Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy.
Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.
MẦU NHIỆM GIÁO HỘI
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu quan tâm đến việc thiết lập Giáo Hội để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Người trên trần gian. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hình ảnh về Giáo Hội mà Người mong muốn khi thiết lập.
Hình ảnh về một Giáo Hội có nền tảng là yêu thương. Chúa Giêsu không thiết lập một cơ chế, nhưng thiết lập một gia đình. Người đứng đầu Giáo Hội không phải là người chỉ huy ra lệnh, nhưng là người chăm sóc. Sức mạnh của Giáo Hội vì thế không phải ở kỷ luật, uy quyền, nhưng ở tình yêu thương. Mọi người yêu thương nhau vì lẽ là anh chị em trong một gia đình. Để duy trì tình yêu thương, người đứng đầu phải là người yêu thương nhiều nhất. Chính vì thế, trước khi tuyển chọn thánh Phêrô làm Giáo hoàng. Chúa Giêsu đã 3 lần hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy không?”. Có yêu mến Chúa thì mới biết yêu mến anh chị em mình. Tình yêu mến là nền tảng của Giáo Hội. Bao lâu tình yêu mến còn, Giáo Hội còn vững vàng. Khi nào tình yêu mến suy giảm, Giáo Hội sẽ suy yếu.
Hình ảnh về một Giáo Hội có sức sống truyền giáo. Giáo Hội như con thuyền của ngư phủ. Ngư phủ sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá. Sức sống của Giáo Hội là truyền giáo, là đánh bắt các linh hồn như Chúa Giêsu, khi kêu gọi các Tông đồ đầu tiên đã nói: “Hãy theo Thầy, Thầy sẽ đào tạo anh em thành những tay chài lưới linh hồn người ta”. Muốn đánh bắt được tôm cá, ngư phủ không được neo thuyền, ngồi trên bờ mà nghỉ ngơi nhàn nhã, nhưng phải dong buồm ra khơi, ra chỗ nước sâu mới có nhiều cá. Cũng vậy, muốn cứu được nhiều linh hồn, Giáo Hội không được ngồi yên ngơi nghỉ, mà phải lên đường, phải ra đi đến những nơi xa xôi, phải nỗ lực tìm kiếm. Ra khơi là phải mệt nhọc, phải làm việc và nhất là phải đương đầu với sóng to gió lớn, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vậy, lên đường truyền giáo là phải vất vả, khổ cực và chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro. Phải ra đi vì đó là ước nguyện của Chúa. Phải lên đường vì đó chính là sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội.
Hình ảnh về một Giáo Hội hoạt động có hiệu quả nhờ tuân theo Lời Chúa. Giáo Hội quy tụ những con người. Giáo Hội hoạt động với những cố gắng của con người. Nhưng chỉ với sức con người. Giáo Hội không làm được việc gì. Phêrô và các bạn mệt nhọc suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào là hình ảnh của những hoạt động không có Chúa hướng dẫn. Khi nghe Lời Chúa dạy, các ngài đã đánh được một mẻ cá lớn lạ lùng. Hôm nay Chúa không còn ở với các Tông đồ. Không còn ngồi chung thuyền với các ngài. Không còn dẹp yên sóng gió cho các ngài. Chúa đã về trời. Chúa đứng ở một bến bờ khác. Nhưng Chúa vẫn theo dõi những hoạt động của các ngài. Chúa sẽ đưa ra những chỉ dẫn để hoạt động của các ngài có kết quả tốt đẹp. Tuy không hữu hình, nhưng Chúa vẫn hiện diện bên Giáo Hội như lời Người hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Giáo Hội thật là một mầu nhiệm vì xét theo bề ngoài chỉ gồm những con người hữu hình, nhưng thật sự bên trong có sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình. Sự vững mạnh của Giáo Hội không nhờ luật lệ, quân đội, hay vũ khí, nhưng nhờ tình yêu thương. Càng yêu thương, càng tha thứ thì Giáo Hội càng mạnh mẽ. Hiệu quả của Giáo Hội không ở tại việc ổn định, yên vị, nhưng ở tại mạo hiểm ra đi. Chính khi ra đi, Giáo Hội thâu lượm được nhiều kết quả. Càng gặp khó khăn, Giáo Hội càng vững mạnh vì Chúa hằng ở với Giáo Hội luôn mãi.
Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có nghĩ rằng Giáo Hội mạnh nhờ có nhiều tiền bạc, có nhiều người tài giỏi không? Bạn suy nghĩ thế nào về bài Tin Mừng hôm nay?
2. Trong đời sống đạo, bạn có bao giờ quan tâm làm cho người khác biết và yêu mến Chúa không?
3. Giáo Hội đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng vẫn bền vững qua 2000 năm. Bạn nghĩ gì về điều này?
Nguồn : http://gplongxuyen.org/tin-tuc/-chua-nhat-01052022-chua-nhat-3-phuc-sinh-nam-c-chan-dat-chien-me-chien-con-cua-thay.html