Khi bước vào Mùa chay, chúng ta có 40 ngày nhằm chuẩn bị cho việc sống cách trọn vẹn mầu nhiệm Thương khó của Chúa Giê-su, đón nhận cái chết và mừng ngày Phục sinh của Người. Ngoài ra, mùa Chay còn nhắc cho chúng ta thời gian 40 đêm ngày Đức Giê-su ăn chay cầu nguyện, để Người từng bước mặc khải cho nhân loại sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế, trong mùa chay, Hội thánh muốn chúng ta đón nhận sứ điệp cứu độ với một tấm lòng mở rộng bằng cách chay tịnh, sám hối và cầu nguyện hầu có thể lắng nghe được lời loan báo của Đức Ki-tô về Nước Thiên Chúa; đặc biệt qua cái chết của Người trên Thập tự để làm của lễ giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Bước vào Mùa chay, Giáo hội luôn kêu mời con cái mình ăn chay, cầu nguyện và làm việc bố thí. Đó là ba đặc tính quan trọng và xuyên suốt của Mùa chay. Nhưng chúng ta nên thi hành những việc ấy ra sao? Trong Sứ điệp mùa chay năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mỗi Ki-tô hữu hãy làm việc lành bác ái với sự kiên trì qua việc Ngài mượn lời của Thánh Phao-lô: “Làm lành ta đừng quản ngại từ nan, đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi. Vậy bao lâu còn dịp, ta hãy làm lành đối với mọi người” (Gl 6,9-10). Thật thế, trong mùa chay, mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm những việc lành phúc đức cho những người thân cận của ta, những người sống kề bên chúng ta bằng những việc làm cụ thể và sống động. Nhưng hãy làm tất cả mọi việc trong niềm vui, lòng yêu mến cùng với sự chân thành và bền bỉ. Đồng thời, ta hãy làm vì lợi ích của tha nhân và vì lòng yêu mến Chúa chứ không phải làm vì để mang lại danh thơm tiếng tốt cho bản thân. Bởi tất cả những gì chúng ta làm cho tha nhân luôn có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự sẽ thưởng công và ban ơn cho chúng ta. Hãy quảng đại đừng tính toán hơn thiệt, được hay mất khi ta làm việc lành. Hãy cho thì sẽ được cho lại, cho những gì mà chúng ta có vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) và cũng bởi “Gieo sẻn thì gặt sẻn, gieo hậu thì gặt hậu” (2Cr 9,6).
Bên cạnh làm việc lành phúc đức, Giáo Hôi còn kêu mời con cái mình ăn chay, cầu nguyện. “Ai càng ý thức lãng phí thời gian cho cầu nguyện, người đó luôn có được cái phao cần thiết cho cuộc sống, giúp cho người đó vượt qua được những nhánh sông nguy hiểm và nhơ bẩn. Dù thời đại 5G hay thời đại nào đi nữa, cầu nguyện luôn là điều rất quan trọng và nền tảng. Ai khôn ngoan lãng phí cho việc cầu nguyện, người đó không bao giờ lỗi thời”[1]. Thật thế, cầu nguyện giữ một vai trò quan trọng đặt biệt trong đời sống của người Ki-tô hữu. Vì cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, là trò chuyện với Chúa, kể cho Chúa nghe những tâm tư, tình cảm, những vui buồn trong lòng ta. Cách riêng đối với người tu sĩ, việc cầu nguyện lại càng cần thiết hơn, bởi cầu nguyện giúp ta kết hợp mật thiết với Chúa hơn, giúp cho đời sống thánh hiến của ta triển nở và giúp ta sống gần hơn với từng người chị em.
Ngoài ra, khi bước vào Mùa chay, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở con cái mình ý thức hơn về phận người: “Hỡi người, hãy nhớ chính thân phận mình, chỉ là bụi đất trong bàn tay Chúa tình yêu”[2]… Quả vậy, mỗi chúng ta đều là thụ tạo bé nhỏ được dựng nên theo hình ảnh của Chúa dưới bàn tay yêu thương của Người và chỉ là thân bụi đất sinh ra từ lòng mẹ rồi sẽ lại trở về với bụi đất mà thôi. Vì vậy, trong mùa Chay thánh này, chúng ta hãy biết sống sao để “tích trữ cho mình những kho tàng trên trời” (Mt 6,20).
Mùa chay còn là dịp thuận tiện để cho mỗi Ki-tô hữu cùng chiêm ngắm và tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su – Đấng vô tội đã hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc muôn người như chính Ngài đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Mùa chay chỉ kéo dài 40 ngày, nhưng có lẽ đó là khoảng thời gian vừa đủ để mỗi người nhìn lại đời sống của mình với Thiên Chúa và với tha nhân. Mùa chay là dịp thuận tiện để ta tìm gặp chứ không phải phớt lờ những nhu cầu của anh chị em mình. Mỗi chúng ta cần có lòng kiên trì của nhà nông để không mệt mỏi khi cầu nguyện, không nản chí khi làm việc lành, không ngại gian nan khi làm bố thí. Đừng từ nan khi ta gạt bỏ thói xấu trong mắt ta. Đừng quản ngại khi tích cực tham gia những việc lành bác ái với những người thân cận vì mùa gặt đích thực là mùa gặt cánh chung.
Thu Huyền
[1] Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo – Tập 5, tr. 123.
[2] Lời bài hát “Hạt bụi đời con” của nhạc sĩ Dấu Chân.