- Mở đầu
Mão là năm thứ tư trong chu kỳ mười hai năm theo lịch can chi. Khác với một số nước láng giềng khác như Trung Hoa, Nhật Bản chọn cầm tinh cho năm mão là con thỏ thì người Việt lại chọn con mèo làm biểu tượng. Có lẽ do Việt Nam là nước nông nghiệp, đại đa số dân chúng sống trên đồng bằng, mèo là con vật hữu dụng, phổ quát hơn còn thỏ thì ít và hiếm thấy hơn chăng? Năm Dần đã trôi qua và năm Mão đang bước gần đến cửa là dịp để cùng chia sẻ những câu chuyện vui về con mèo trong dân gian lẫn Kinh Thánh như một lời chào, chúc nhau một mùa xuân mới bình an trong Thiên Chúa tình yêu.
- Hình tượng mèo trong văn hóa các quốc gia
Ở Nhật Bản, mèo là con vật báo điềm dữ. Người Nhật tin rằng mèo có khả năng giết chết người phụ nữ và nhập hồn vào thân xác họ.
Tại Ấn Độ, mèo tượng trưng cho kẻ khổ hạnh đi tìm phúc lạc.
Trong khi đó, người Trung Quốc lại tin rằng con mèo là sứ giả của điềm lành. Nhiều nơi trên đất nước này, người ta còn mô phỏng động tác của mèo trong các điệu múa cầu mong cho mùa màng tươi tốt.
Ở Campuchia, mèo luôn được nhớ đến mỗi khi có hạn hán; người ta thường dùng mèo như vật dâng cúng (hoặc vị đại diện làm cầu nối) trong các lễ hội cầu mưa.
Người Ai Cập cổ đại khắc họa mèo như một vị thần có khả năng ban phúc và bảo hộ.
Trong tâm thức người Celtes, mèo chỉ chiếm được vị trí khá khiêm tốn, thậm chí bị canh chừng như một kẻ nhiều xảo trá, tâm địa khó lường.
Trong thế giới đạo Phật, mèo bị xem là không biết xúc động, là kẻ vô cảm. Về mặt này, nó bị gán cùng một giuộc với rắn trong một số nền văn hóa không thuộc về Phật giáo.
Đạo Hồi lại dành cho mèo một vị trí của kẻ được trọng vọng, ngoại trừ mèo đen. Người Hồi giáo tin rằng con mèo có bộ lông đen mượt (cùng với cặp mắt xanh lè) là kẻ có nhiều ma thuật.
Trong một vài nền văn hóa châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri. Mèo đặc biệt được quý trọng ở Bắc Mỹ; người ta coi chúng tượng trưng cho kẻ có chí lớn, biết cách đạt được mục đích.
- Hình tượng mèo trong văn hóa Việt
Ở nước ta, theo các nhà nghiên cứu, mèo chỉ mới được nuôi từ khoảng vài trăm năm trước công nguyên, tức vào cuối thời đại Hùng Vương – Thục Phán trong những ngôi nhà của người Việt và trở thành vật nuôi thân thiết, gắn bó với mọi gia đình.
Vậy trong tâm thức người Việt, mèo được gán cho những biểu tượng gì? Rõ ràng nó là kẻ giúp việc khá đắc lực trong đời sống hàng ngày: bảo vệ nông sản, đồ vật khỏi bị chuột tấn công. Thậm chí trong một vài trường hợp, mèo còn có khả năng kiếm thức ăn cho con người.
Trong trường hợp đó, mèo giống như người bạn tốt. Nhưng có lẽ từ vẻ thâm hiểm bề ngoài, cùng với những nét tính cách 2 mặt mà nó không mấy khi được đón tiếp nồng hậu, hoặc nhận được sự tin cậy. Người ta không mong đợi vào sự trung thành của mèo như trong trường hợp của con vật gần gũi khác là chó. Thậm chí, họ còn tránh mèo như tránh một kẻ mang đến điều không may mắn. Vì sao loài vật rất có ích với con người trong đời sống, lại bị coi là kẻ báo hiệu điềm gở? Có nhiều người mê tín cho rằng mèo gào trong đêm sẽ đem lại điềm gở, gia đình gặp chuyện không may…Trong nhiều lễ hội mang tính thiêng liêng, chẳng hạn lễ hội cầu hồn, mèo còn bị xua đuổi chí chết. Nhà nào có người chết mà không cử người canh giữ mèo, để chúng nhảy qua xác chết, là báo hiệu một thời kỳ vô phúc, nhiều hoạn nạn sắp đến.
Dường như tất cả đều tin rằng: “Mèo đến nhà thì khó”. Thậm chí nó còn bị coi là con vật lười nhác, ích kỷ, thâm độc, gieo rắc sự nghi kỵ, thù hận. Một thực tế cay nghiệt cho mèo là nó chỉ thực sự hấp dẫn, có thiện cảm khi lao thẳng vào con chuột với những móng vuốt sắc nhọn. Nhưng ngay cả hành động khả ái nhất này cũng đã hàm chứa sự ghê tởm của kẻ đổ ụp cái chết xuống đầu người khác từ phía không thể đoán trước.
Trong văn học nghệ thuật, nhất là mảng dân gian, mèo thường đóng vai nhân vật phản diện. Người ta phủ nhận mọi sự tu dưỡng của mèo! Mèo già… chỉ có thể hóa cáo, một cấp độ còn cao hơn về sự suy đồi đạo đức, bởi vì cáo bị ví như kẻ gian xảo, tiểu nhân. Khi cần diễn đạt sự hư hỏng, người ta nghĩ ngay đến những con mèo hoang, sống lang thang ở những nơi tăm tối, nhơ bẩn (mèo mả gà đồng).
Ngay bản thân từ mèo khi được dùng trong ngữ cảnh bình thường của đời sống, dùng một cách “vô tư”, cũng không hàm ý một cái gì nghiêm túc, tử tế. Nói chung, hình tượng mèo phần lớn gắn với những gì đáng phê phán. Trong trường hợp phải ẩn dụ kín đáo, thì mèo biểu tượng cho thói khuê các không phải lối, ám chỉ những người sống không đúng với vị thế, tư cách của mình. “Mèo khen mèo dài đuôi”.
Vì thế, nó luôn là hình tượng dùng khi cần đả kích chế giễu. Đặc sắc nhất về mặt hài hước gắn với mèo, có lẽ là bài đồng dao: “Con mèo mà trèo cây cau…”. Con mèo ở đây chứa tất cả những phẩm chất của một kẻ võ biền, cậy quyền lực nhưng ngu dốt và lố bịch. Thế còn ở những mức độ kín đáo và thâm Nho hơn, thì mèo bị xem là mầm mống của những tai họa. Chẳng hạn như trong câu: “Chuột cắn dây buộc mèo”, “Chuột gặm chân mèo”… Nếu một bên là sự khờ khạo (hoặc cao ngạo), dốt nát… thì bên kia không gì hơn là biểu tượng của tai họa vĩnh viễn!
Nhưng có lẽ con mèo trở thành hình tượng bất hủ về sự hung ác, nguy hiểm, đáng ghét hơn cả chính là ở bức tranh “Đám cưới chuột”, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Nội dung bức tranh có thể còn nhiều cách hiểu – như đa phần những tác phẩm nghệ thuật – có thể rộng lớn, thú vị và sâu sắc hơn nội dung tố cáo thói tham tàn của các bậc “đèn trời” được mệnh danh là “cha mẹ dân”, hoặc đả kích thói hèn hạ của đám nịnh thần… nhưng nếu chỉ xét những nội dung dễ thấy ấy thôi, thì con mèo cũng không có mảy may cơ hội được hiểu như một kẻ vô tội, vô can hay lương thiện. Ở góc độ nào, nó cũng là nhân vật xấu xa và đáng sợ, cần phải cảnh giác, tránh xa.
Ngoài ra, nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho loài mèo xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục – Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang – Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này. Trong ca dao, tục ngữ, mèo cũng thường xuất hiện như: “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, hay “chó treo mèo đậy”…
Trong phong thủy, mèo được cho là loài thú cát tường, có thể hóa giải hung khí và đem lại vận may cho gia chủ.
- Câu chuyện mèo và hổ
Người ta nói “hổ” mà không dùng “đại hổ” khi nói về con Hổ, nhưng lại gọi là “tiểu hổ” để chỉ con Mèo. Có lẽ do mèo có vóc dáng giống như một “phiên bản thu nhỏ” như hổ chăng? Cũng có thể, hình ảnh con hổ được dùng để tôn lên vẻ đường bệ, oai nghiêm như thường thấy ở các tấm bia đá trước đền đài cửa miếu còn con mèo, tuy nhỏ bé hơn nhiều nhưng tài năng hơn cả loài hổ to lớn nọ. Có truyện kể rằng…
Ngày xưa, muông thú đều tôn mèo là thầy, vì mèo rất tài giỏi, dạy cho muông thú các môn võ nghệ để phòng thân và tồn tại như: trâu biết húc, gà biết mổ biết đá, ngựa biết chạy và lúc gặp kẻ thù nguy hiểm thì biết đá hậu… Khi ấy, hổ chưa biết ngón nghề võ nào, thấy muông thú đều được học thì cũng muốn lắm, ngặt nỗi không biết làm sao, bèn tìm cách học lén khi những con thú đến học với mèo. Một lần bị mèo bắt gặp, hổ nói:
– Xin thầy thương tình mà truyền cho chút võ nghệ phòng thân.
Nghe thế mèo đồng ý nhận hổ làm học trò, hằng ngày tận tình truyền dạy võ nghệ cho hổ. Lần nào học, hổ cũng nài nỉ:
– Thầy còn tuyệt nghệ nào xin truyền hết đi.
Thế là mèo truyền môn “ra oai” bằng những chiêu gầm gừ, xù lông làm đối phương khiếp vía kinh hãi.
Ngày qua ngày, hổ đã học được hết tất cả các môn võ nghệ. Muông thú đều sợ hãi và đều thất bại dưới móng vuốt của hổ mỗi khi tỉ thí. Tính tham lam và cao ngạo lên cao, hổ nhìn lại thấy chỉ còn mèo là chưa tỉ thí, nó nghĩ mèo quá nhỏ so với hổ, nếu thắng mèo nữa thì nó sẽ là Chúa Tể muôn loài. Vậy là hổ thẳng thừng thách đấu với mèo. Nghe tin ấy, mèo vẫn không tỏ vẻ sợ hãi hay ngạc nhiên gì cả.
Đến ngày thi đấu, mèo đến thì hổ đã chờ sẵn. Không nói không rằng, hổ liền bất ngờ tấn công. Mèo biết trước, nhanh nhẩu né tránh và trèo thoăn thoắt lên cây cao. Hổ bị bất ngờ nên tức giận lắm, ở dưới gốc cây gầm rống vang cả núi rừng. Mèo ở trên cây, cười và bảo:
– Meo mẻo mèo meo, ta còn võ trèo, ta chẳng dạy cho!
Hổ càng tức điên hơn, nhưng cố bình tĩnh, nhại lại mèo, nghiến răng nói:
– Meo mẻo mèo meo, ta bắt được Mèo ta ăn cả phân!
Từ đó, hổ dù mạnh mẽ nhưng không biết leo trèo, còn loài mèo phải đào hố để giấu phân của mình.
- Chuyện về con mèo đầu tiên
Khi xưa, bà Evà thấy ông Ađam có con hổ làm hầu cận thì thích lắm, nhưng nó quá to lớn, lại dữ tợn nên bà không thể ôm ấp cưng chiều nó được. Vì thế bà đã nài nỉ ông Ađam xin Chúa cho bà một con vật hoàn toàn giống như con hổ, nhưng nhỏ nhắn, mềm mại hơn để làm bạn với bà. Chúa truyền cho Ađam lấy đất và bông gòn làm thành một con vật như ý bà Evà, rồi đem trình lên Ngài. Chúa thổi hơi ban sự sống cho nó. Khi ông Ađam trao lại con vật cho bà Evà thì nó vui vẻ kêu lên “meo meo” rồi dụi đầu vào người bà, bà liền gọi tên nó là mèo. Từ đó bà luôn đem theo con mèo bên mình. Những buổi trưa nóng bức, bà thường tìm đến ngồi dưới bóng râm của cây trái cấm. Bà đang thiu thiu ngủ thì bỗng nghe tiếng kêu chế giễu “kheo…kheo” và tiếng phun phì phì của con mèo. Bà nhìn lên thì thấy có con rắn to tướng quấn trên cành cây cấm. Từ đó, con mèo không theo bà đến gốc cây cấm nữa.
Bà Evà phải dùng sợi dây thắt một cái nơ thật đẹp trên cổ con mèo để nó không đi xa bà, nó đành phải miễn cưỡng theo bà ra gốc cây cấm. Cho đến một hôm con mèo nhìn thấy bà hái trái cấm (x. St 3,6), nó liền khép chặt con ngươi trong đôi mắt lại, không dám nhìn bà…
Vì thế mà giống mèo cứ đến trưa thì tròng đen của mắt chúng khép chặt lại, và dáng bộ ủ rũ buồn chán, như nhớ lại thời giờ tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian. Cũng từ đó hễ mèo mà gặp rắn thì lại phun phì phì như phỉ nhổ vào biểu tượng của quân cám dỗ xảo quyệt ấy…
Chúng ta đều biết Kinh Thánh nói đến bà Evà là mẹ của chúng sinh (x. St 3,20) nên nếu như bà Evà có nuôi mèo thì chắc hẳn đó là con mèo đầu tiên được con người nuôi dưỡng trên trái đất.
- Chuyện con mèo của Thánh Gia
Người Ai Cập xưa xem những con mèo như thần linh ban phúc nên họ rất yêu thương và quý trọng chúng. Chính vì thế mới có câu chuyện “con mèo của Thánh Gia”:
Khi được tin vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu, gia đình Thánh Gia đã phải đang đêm trốn sang Ai Cập. Đường đi vất vả, đêm hôm lại còn bị người Ai Cập xua đuổi không cho trú chân.
Thánh Giuse mang theo gói hành trang đi gõ cửa từng nhà để xin trọ qua đêm nhưng không được ai chào đón. Ngài đến gõ cửa một ngôi nhà nhỏ nọ, chủ nhà thò đầu ra hỏi thì khi ấy, con mèo trong gói hành trang của thánh nhân chợt nhô đầu lên. Chủ nhà vội vàng mở rộng cánh cửa, niềm nở tiếp đón Thánh Gia vào nhà. Khác với ở Việt Nam quan niệm “mèo đến nhà thì nghèo thì khó” người Ai Cập cho rằng được mèo đến nhà là niềm hạnh phúc không khác gì thần linh phù hộ. Từ đó, bà chủ nhà phục vụ cho Hài Nhi Giêsu trước cả đứa con nhỏ của mình. Chuyện kể rằng, mỗi chiều bà đều chuẩn bị nước cho Hài Nhi tắm xong thì dùng lại nước đó để tắm cho con bà, đứa con bà không còn bị ghẻ lở và các bệnh khác. Người ta còn nói rằng, người trộm lành cùng chịu án đóng đinh với Chúa Giêsu, chính là đứa trẻ được người mẹ cho dùng lại nước tắm của Hài Nhi Giêsu thuở trước.
Có thể nói, Thánh Gia nhờ có con mèo đã may mắn tìm được chỗ trú thân trên bước đường bôn tẩu và con mèo cũng đã mang lại niềm vui cho gia đình đã tiếp đón các ngài.
- Con mèo trong Thánh Kinh
- Mèo trong sách Tiên tri Isaia
Ngôn sứ Isaia được coi là anh hùng của đất nước Do Thái vì sự tham gia tích cực của ông vào những vấn đề quốc gia. Ông luôn tin tưởng Thiên Chúa là Đấng chí thánh, toàn năng cai trị muôn loài trên trời, dưới đất. Con người là một thực thể bị tội lỗi làm nhơ uế, và Thiên Chúa đòi hỏi họ phải sám hối đền tội, để được tình yêu của Thiên Chúa che chở.
Khi Israel bị lưu đày bên Babylon, Isaia đã tuyên sấm rằng Babylon sẽ trở thành đổ nát và ra hoang phế, biến ra nơi cho thú hoang, chim trời trú ngụ: “Thành ấy sẽ không có người ở, cũng không có một căn lều nào được cắm ở đó cho đến muôn đời. Nhưng mèo hoang sẽ đến làm ổ và cú vọ trú đầy nhà. Ở đó đà điểu sẽ trú ngụ và bầy dê rừng ma quái tung tăng” (Is 13, 20-21). Tuy nhiên, trong bản dịch Kinh Thánh Các Giờ Kinh Phụng Vụ, từ “wildcat” đã không được dịch là “mèo hoang, mèo rừng” nhưng được sửa lại theo nghĩa chung chung là “dã thú”, có lẽ ý muốn nêu lên nghĩa khái quát hơn chăng?
Không những Babylon, mà còn Êđôm cũng bị nguyền rủa. Thành Êđôm ở sát biên giới Giuđêa về phía nam, luôn thù nghịch với Israel; lúc Israel mất quyền kiểm soát Giuđêa, Êđôm lợi dụng cơ hội đã lấn đất của Giuđêa. Vì thế ngôn sứ Isaia tuyên sấm thành Êđôm sẽ ra hoang phế, trở nên nơi trú ẩn của muông thú, chim chóc hoang dã:
“Trong các lâu đài của nó, gai góc mọc um tùm, các đồn luỹ kiên cố đầy những tầm ma và cỏ dại. Nó sẽ là hang ổ sói rừng, là sân chim đà điểu. Mèo rừng gặp chó rừng, loài dê ma quái hú gọi nhau. Đó cũng là nơi dung thân cho quỷ Li-lít, là chốn hắn nghỉ ngơi ( Is 34, 14). Có lẽ, dưới cái nhìn của ngôn sứ Isaia, mèo rừng là loài sống hoang dã, bị liệt vào loại thú vật dơ bẩn, đáng ghê tởm và thù địch với con người.
- Ngôn sứ Barúc cũng nói đến mèo
Barúc là thư ký của ngôn sứ Giêrêmia, sách Barúc được viết tại Babylon sau cuộc phát lưu và được gửi về Giêrusalem để người còn ở lại đọc trong các buổi nhóm hội phụng vụ. Sách của ngôn sứ Barúc thuyết phục dân Chúa không phải sợ hãi các thần dân ngoại tại nơi bị lưu đày. Vì các thần ấy đều do tay con người làm ra. Tay thần cầm gươm cầm rìu nhưng không tự bảo vệ được mình, và dù được đặt trong đền miếu, nhưng đúng hơn là bị người ta giam giữ, cầm tù như những kẻ phạm pháp, mặc cho chim chuột tung hoành, tranh nhau đồ cúng rơi rớt chung quanh, mà thần cũng không làm gì được:
“Mặt mũi chúng lọ lem vì khói trong đền bốc lên nghi ngút. Trên thân mình chúng cũng như trên đầu chúng, người ta thấy bay lượn nào dơi, nào nhạn và các thứ chim khác, lại có cả mèo nữa. Cứ thế anh em đủ biết chúng chẳng phải là thần: sợ chúng mà làm chi!” (Br 6, 20-22).
Có lẽ mèo xuất hiện tại đền miếu là để tìm săn chim bắt chuột… những con vật lợi dụng lúc vắng người, bò ra kiếm ăn. Vì thế bàn thờ thần biến thành nơi cho các con vật dơ bẩn tìm đến tranh giành đồ ăn thức uống từ trên bàn thờ rơi vãi khắp nơi.
- Tạm kết
Con mèo của bà Evà, con mèo của Thánh Gia dĩ nhiên không có trong Kinh Thánh, cùng lắm cũng chỉ có một chút hơi hướm Kinh Thánh, còn trong Kinh Thánh Công giáo chỉ có hai sách nhắc đến mèo, cũng nhờ đó mà người Kitô hữu chúng ta có thêm được chút niềm vui khi giở lại Kinh Thánh trong những ngày đầu xuân mới. Ước mong sao Thiên Chúa là mùa xuân, là tình yêu vĩnh cửu sẽ gìn giữ và chúc lành cho chúng ta trong năm mới này để giống như câu chuyện về con mèo năm xưa đã mang lại niềm vui và may mắn cho Thánh Gia và gia đình người chủ trọ thế nào thì con mèo cầm tinh của năm Mão hôm nay cũng cho chúng ta nhiều an bình và vui tươi như vậy. Amen.
Phong Trần.