THƯ MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
CHỦ ĐỀ THÁNG 9/2020
NÊN THÁNH ĐỐI VỚI GIỚI TRÍ THỨC VÀ SINH VIÊN
Lời mời gọi nên thánh được gửi đến cho tất cả mọi người. Không chỉ là lời mời gọi, nên thánh còn là một bổn phận đối với các Kitô hữu, tức là những ai đã được phúc lãnh nhận ơn Thánh Tẩy. Trước mặt Chúa, không có sự phân biệt trí thức với bình dân; giàu với nghèo; thành phố hay nông thôn; da trắng hay da màu. Tất cả đều là con cái của Thiên Chúa, có cùng một Đức tin và một ơn gọi nên thánh.
Theo chương trình mục vụ của Tổng Giáo phận, trong tháng Chín dương lịch, chúng ta cầu nguyện cho ơn nên thánh của giới trí thức và sinh viên. Xin cho họ nỗ lực sống đức tin trong hành trình kiếm tìm Thiên Chúa là nguồn của Chân, Thiện, Mỹ. Tìm kiếm cái Đẹp, cái Thật và cái Tốt, là tìm kiếm chính Thiên Chúa. Cuộc tìm kiếm Chân lý cũng là hành trình Đức tin. Thiên Chúa sẵn sàng tỏ mình cho những tâm hồn kiếm tìm Ngài. Những ai thành tâm đến với Chúa sẽ được gặp gỡ Ngài. Tìm kiếm Chúa cũng là một say mê, như người lái buôn phát hiện ra giá trị của viên ngọc quý, về bán mọi sự để mua bằng được viên ngọc ấy. Người trí thức khi đã gặp Chúa, sẽ say mê Ngài, như chàng thanh niên Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Sau một thời hoang đàng, chàng thanh niên ấy cuối cùng cũng gặp được Chúa và cảm thấy hối tiếc: “Lạy Chúa, con đã yêu Ngài quá muộn. Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới”.
1- Một thực tế đáng lo ngại
Một thực tế trong xã hội miền Bắc của chúng ta, sau nhiều thập kỷ thiếu vắng linh mục và việc dạy giáo lý, nhiều tín hữu không có nền tảng Đức tin. Họ giữ Đạo theo kiểu “Đạo làng” tức là sinh ra và lớn lên trong một thôn làng, thế hệ trước dạy thế hệ sau, chỉ biết làm Dấu Thánh giá và một số kinh “chiều hôm ban sáng”, ít có điều kiện học giáo lý. Chính vì vậy, khi rời thôn làng để đi học đại học, đi bộ đội, công nhân hoặc tìm kiếm việc làm ở các đô thị, họ không còn trong một không gian làng xóm nữa, Đức tin vì thế mà mai một. Nhất là những trường hợp tiếp cận với những tuyên truyền vô thần hoặc những lý thuyết chống tôn giáo, những người trẻ này dễ mất Đức tin. Họ dễ dàng bỏ những thực hành đạo đức truyền thống mà họ được cha mẹ dạy từ khi còn nhỏ trong gia đình.
2- Một tín hiệu đáng vui mừng
Xã hội chính trị của Việt Nam theo chủ trương vô thần. Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là thời bao cấp ở miền Bắc, những người tín hữu Công giáo chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều bác sĩ, giáo viên, doanh nhân hay nhà khoa học, dù là người Công giáo, không dám công khai tuyên xưng Đức tin. Bởi lẽ hai chữ “Công giáo” có thể gây nhiều hệ lụy. Sự phân biệt kỳ thị này, hiện nay đã bớt rất nhiều. Giới trí thức Công giáo đang đóng góp tích cực phần mình để phát triển xã hội trong nhiều lãnh vực. Có rất nhiều bác sĩ, giáo viên và doanh nhân Công giáo thành đạt và có uy tín trong các lãnh vực chuyên môn. Nhiều người trong họ công khai thực hành Đức tin. Nhiều người Công giáo cũng là những chuyên viên trong các ngành kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc, văn chương. Các nhà trẻ mầm non do các nữ tu đảm trách đều đạt chất lượng giáo dục tốt, nhiều người dân tín nhiệm. Có nhiều vị cán bộ gửi con vào các trường này. Đây là tín hiệu vui cho thấy những rào cản của thành kiến đang bớt dần và hiệu quả giáo dục Công giáo được nhiều người công nhận.
3- Đức tin và Lý trí
“Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”. Đó là câu mở đầu của Thông điệp mang tên “Đức tin và lý trí – Fides et Ratio” do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 14-9-1998. Lời khẳng định này đã nêu rõ quan điểm của Giáo Hội về lý trí, đồng thời xóa đi mọi hiểu lầm về vấn đề này. Trong quan niệm thông thường, người ta cho rằng tôn giáo nói chung chỉ dành cho giới bình dân và người ít học. Nhiều người thiếu thiện cảm với Giáo Hội Công giáo lập luận rằng Đức tin vào Thiên Chúa chỉ tồn tại bao lâu con người còn ở trình độ văn hóa thấp kém. Họ so sánh Đức tin như lớp mây mù, lý trí là ánh sáng mặt trời. Đức tin chỉ tồn tại khi con người kém hiểu biết, cũng như đám mây mù chỉ bao phủ khi mặt trời chưa mọc lên. Một khi đã có ánh sáng mặt trời soi chiếu thì lớp mây mù tất yếu sẽ phải tan đi. Thực tế chứng minh, những quan điểm này là phiến diện, xuất phát từ thành kiến và hiểu biết lệch lạc về tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng.
Khi khẳng định: “Đức tin và Lý trí như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm Chân lý”, con người được diễn tả như một con chim đang vươn mình lên cao. Con chim một cánh sẽ không thể bay được. Con người không thể khám phá chân lý nếu chỉ có riêng Đức tin hay chỉ có lý trí mà thôi. Cuộc sống con người là một cuộc kiếm tìm chân lý. Lý trí sẽ giúp cho con người đạt tới Chân lý và Đức tin giúp con người gặp gỡ Đấng Tối cao. Đấng Tối cao trong Đức tin của người Kitô hữu chính là Thiên Chúa, là Đấng Giàu lòng thương xót và là Cha yêu thương hết thảy mọi người. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể đã mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa Cha, đồng thời mời gọi chúng ta hãy sống tình con thảo với Chúa Cha và tình huynh đệ với anh chị em, không phân biệt chủng tộc hay ngôn ngữ. Ngài yêu thương mọi người và muốn cho họ được hạnh phúc.
Lý trí giúp con người thấu đạt Chân lý. Vì vậy, trong tiến trình huấn luyện tại các Đại Chủng viện, các chủng sinh phải học Triết học trước khi học Thần học. Thánh Gioan Phaolô II viết trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 52: “Triết học đóng góp rất nhiều để giúp ứng sinh làm giàu việc đào tạo trí thức nhằm đạt tới sự “suy tôn chân lý”, nghĩa là một sự bái phục chân lý với tâm tình trìu mến dẫn đến chỗ nhìn nhận rằng chân lý tự nó không hề được tạo nên hoặc được khuôn đúc do con người nhưng được ban cho con người do bởi Chân lý tối thượng, bởi Thiên Chúa; rằng lý trí con người, mặc dầu bị hạn chế và đôi khi rất khó khăn, có thể đạt tới chân lý khách quan và phổ quát, là chân lý liên quan tới Thiên Chúa và tới ý nghĩa căn cơ của hiện hữu; sau hết, rằng đức tin tự nó không thể loại bỏ lý trí hoặc miễn trừ nỗ lực “suy tư” về những gì đức tin chất chứa, như lời dẫn giải của một đầu óc xuất chúng là thánh Augustinô: “Tôi đã khao khát dùng trí thông minh để dò tìm điều mà tôi đã đặt niềm tin tôi vào, tôi đã bàn cãi nhiều và tôi đã cực nhọc không ít”.
4- Đức tin và Khoa học
Do chính bản chất của nó, Đức tin nằm ở một bình diện khác hẳn so với khoa học. Đức tin không dựa trên cơ sở xác minh của thí nghiệm theo kiểu khoa học, không phát nguyên từ những tư biện lý tính, và cũng không phải là một chuỗi luận đề giản lược đọc thấy trong Kinh Tin Kính. Đức tin, trước hết là thái độ gắn bó đối với một Đấng, là tâm tình phó thác vào trong tay Một Vị, là cuộc dấn thân của chính cá nhân mình cho Ngài.
Đối tượng của Đức tin chính là Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải mình ra. Người biết mở lòng ra để tin, thì sẽ đón nhận được sứ điệp của Ngài, với niềm hy vọng là trong sứ điệp ấy, mình sẽ tìm gặp được ý nghĩa cho đời của mình. Nếu biết dấn bước vào trong con đường Ngài vạch cho, nếu biết sống kinh nghiệm Đức tin, thì lúc đó, người có lòng tin sẽ xác tín cảm nghiệm được là mình đang sống trong Chân lý.
Từ đâu mà có được niềm xác tín thâm sâu ấy? Từ uy tín của Đấng mạc khải. Chính Thiên Chúa đã nói với con người những gì con người tin. Đó chính là một thể dạng của xác thực tính, nhưng là thuộc một loại khác với xác thực tính của khoa học; cả hai loại đều đặt nền móng trên những kinh nghiệm, nhưng những kinh nghiệm này cũng thuộc những thể loại khác nhau.
Theo một cách nói thông dụng, thì khoa học lo nghiên cứu về các hiện tượng (vật lý, hóa học, sinh học…) để cố trả lời cho nghi vấn thế nào về các sự vật; khoa học không thể có ý kiến về ý nghĩa của các sự vật. Đức tin có một đối tượng khác hẳn: Đức tin lo tìm hiểu về Thiên Chúa và về những gì Ngài nói với con người nhằm giúp con người đạt tới được tiêu đích của đời mình. Đức tin vén mở cho thấy ý nghĩa của các sự vật; khoa học không làm được như thế. Vì lãnh vực của khoa học thuộc phạm vi của thế nào, chứ không phải của tại sao, tức là thuộc phạm vị của cơ chế các hiện tượng, chứ không thuộc phạm vi của ý nghĩa chúng hàm súc.
Nếu đã rõ là hai loại hiểu biết ấy nằm ở hai bình diện khác nhau, thế tất cũng sẽ hiểu là không thể có chuyện những gì khoa học minh xác lại đụng đầu đối nghịch với những gì Đức tin khẳng định và ngược lại” (Trích bài viết của Jean-Marie Moretti, SJ, mang tựa đề Science et Foi, được đăng trên Tuyền tập Thần học tiếng Việt số 8, năm 1993).
5- Những nhà khoa học đồng thời là tín hữu
Lịch sử Giáo Hội ghi nhận nhiều nhà khoa học, đồng thời cũng là người có Đức tin. Chúng ta dẫn chứng một vài vị dưới đây:
– Blaise Pascal, Thần đồng toán học và vật lý. Người có câu nói bất hủ: “Khoa học nông cạn làm cho người ta xa Thiên Chúa. Khoa học tinh vi làm cho người ta gần Thiên Chúa”. Và ông cũng đã kết luận: “Con người chỉ là cây sậy biết tư duy.”
– Isaac Newton, Nhà khoa học và toán học vĩ đại nhất của mọi thời đại.
– René Descartes, Nhà bác học về Hình học và Những con số bất biến. Người hướng dẫn cuộc Cách Mạng Khoa học của phương Tây.
– Anton Maria Schyrleus of Rheita, Nhà thiên văn học, đã dâng hiến công trình của mình cho Đức Trinh nữ Maria.
– Louis Pasteur, Người sáng chế ra phương pháp khử trùng, nhà hóa học, và vi khuẩn học, đã giải trừ vấn nạn của bệnh chó dại, và người đầu tiên tạo ra việc tiêm Vaccine phòng bệnh.
– George Jackson Mivart, Hàn Lâm về Thực Vật Học
– Georges Lemaitre, Linh mục và là người khai phá ra thuyết Big Bang.
Trên đây chỉ là trích dẫn một số ít các nhà khoa học tiêu biểu để chứng minh rằng, một người có Đức tin vẫn có thể là một nhà khoa học. Đức tin và lý trí bổ túc cho nhau trong hành trình kiếm tìm Chân lý. Một thống kê đã cho kết quả: 92% những nhà khoa học thế kỷ 19 là người Kitô hữu. Trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều vị thánh đồng thời cũng là những nhà trí thức uyên thâm như Thánh Thomas Aquinô, Thánh Augustinô, Thánh Alfonso de Liguori.
6- Lời mời gọi giới trí thức và sinh viên nên thánh
Bạn đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện không tước đi năng lực, sức sống hay niềm vui của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều mà Chúa Cha nhắm đến khi tạo nên bạn, và bạn sẽ trung thành với bản ngã sâu xa nhất của mình. Việc ta phụ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải phóng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp ta nhận ra phẩm giá cao cả của mình.
“Làm gì để trở thành người Công Giáo trí thức” là mối bận tâm của các chủ chăn trong Giáo Hội bởi người trí thức chính là hào quang của Giáo Hội. Mối bận tâm này được thánh Phaolô chia sẻ: từ ngày chúng tôi nghe biết về anh em, chúng tôi không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho (Cl 1,9). Thiết tưởng, nếu các bạn am tường thánh ý Người dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, hội tụ cả Đức Tin và Lý Trí, các bạn sẽ có cơ hội tốt để mách nước cho bè bạn không cùng niềm tin rằng: khi các bạn đang miệt mài đi tìm sự khôn ngoan, và đi tới cùng sự khôn ngoan ấy, các bạn sẽ chạm tới cội nguồn chân lý là chính Thiên Chúa.
Là sinh viên Công Giáo, các bạn nên tự hào và dấn bước bởi sứ mạng của các bạn trong thế giới hôm nay là làm sao để người thời đại thấy được sự vượt trội về sự thánh thiện, tốt lành, công bằng, bác ái… khi ấy, chắc hẳn, người đời cũng phải trầm trồ rằng: đúng là các bạn có đạo ngoan hiền, tử tế, thật thà, đoàn kết, hòa đồng, sống thật tốt, chơi thật đẹp. Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, người sinh viên Công Giáo cần vượt trội về tri thức nữa. Trong thế giới phẳng hiện nay, người ta rất tôn trọng năng lực và tài giỏi, nghĩa là phẩm chất. Để trả lời cho các vấn nạn của con người, có thiện chí quảng đại thôi tự nó vẫn chưa đủ, trừ phi có kèm theo những hiểu biết và những kỹ thuật thích hợp giúp chúng ta hiểu các hiện tượng văn hóa đang ảnh hưởng tới đời sống hiện nay, và các Kitô hữu còn cần khả năng đối phó với những hiện tượng ấy bằng sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm Đức Kitô.
Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: Đức tin và lý trí là đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”. Người công giáo không tách rời lý trí với Đức tin, đồng thời xác định hai khía cạnh này không hề mâu thuẫn. Việc trau dồi kiến thức cần phải đi đôi với những thực hành đức tin, tức là lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, tham dự thánh lễ và lãnh nhận thường xuyên các bí tích. Như thế, người trí thức sẽ được phát triển toàn diện, quân bình. Nhờ Đức tin vững vàng, họ sẽ nhận ra Thiên Chúa hiện hữu trong cuộc đời và Ngài là nguyên lý của mọi sự mọi loài. Hãy chứng minh mình là một nhà trí thức đồng thời cũng là một tín hữu.
Cuối cùng, anh chị em trí thức và sinh viên không phải là người khách lạ qua đường, nhưng là thành viên của Tổng Giáo phận. Anh Chị em được mời gọi gắn bó và tham gia nhiệt thành vào đời sống Đức tin của giáo xứ, như tham gia các hội đoàn đạo đức, các phong trào tông đồ giáo dân hoặc những việc từ thiện bác ái tuỳ theo khả năng của mình. Những hoạt động tông đồ này mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho công cuộc truyền giáo. Là người có kiến thức, anh chị em sẽ dễ dàng trình bày về Đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo cho những người không cùng niềm tin với chúng ta.
Tháng Chín cũng là thời điểm khai giảng năm học mới. Với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), chắc chắn đây sẽ một năm học nhiều khó khăn và thách thức. Tuy vậy, nếu biết cố gắng, chuyên cần, các bạn sẽ đạt được những kết quả tốt. Tôi muốn nhắc lại với các bạn lời Đấng Đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến. Chưa học để phục vụ đúng mức, con chưa mến Chúa đủ.” Khi xác định việc học hành dẫn ta đến phục vụ tha nhân và yêu mến Chúa, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm hứng khởi và say mê, để không ngừng tiến bước trong hành trình phát triển trí tuệ.
Kết luận
Anh chị em đừng sợ hướng nhìn cao hơn, cho phép Thiên Chúa yêu thương và giải phóng chúng ta. Đừng sợ để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho chúng ta ít là người hơn, vì đó là một gặp gỡ giữa sự yếu đuối của chúng ta và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa, vì như cách nói của Léon Bloy, rốt cục, “bi kịch thảm hại duy nhất trong đời sống, đó là không nên thánh”.
Hà Nội, đầu mùa Thu 2020
+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội.