Việc tuyên khấn, cam kết sống Vâng phục trong bất kỳ một Hội dòng nào đó, tự nó đã nói lên thái độ sẵn sàng thực thi ý muốn của Đấng đã kêu gọi mỗi người bước vào đời sống Thánh hiến. Khi tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm, đặc biệt là lời khấn Vâng phục, người nữ tu Đa Minh nói riêng, cũng như các Tu sĩ nói chung, cần nhìn nhận rằng: Chính các Tu sĩ tình nguyện chấp nhận vâng phục những Bề trên chính thức của họ, chiếu theo Giáo luật. ĐTC Phanxicô nói: “Đức vâng phục, xét như là lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, trong sự thôi thúc nội tâm của Chúa Thánh Thần, được Giáo Hội chứng thực, ngang qua các trung gian nhân loại – là các đấng Bề trên”[1].
Với Dòng Đa Minh, Thánh Tổ Phụ chú trọng đến sự hiệp thông, nên không có tình trạng kẻ trên người dưới, mọi người được mời gọi ứng xử với nhau như anh chị em trong cùng một nhà, đều được quyền chia sẻ và tham dự tích cực vào các quyết định, đối thoại để tìm ra thánh ý Chúa. Ta có thể thấy quan niệm ấy phản ánh tinh thần vâng lời của Dòng Đa Minh: Vâng lời nhắm đến ích chung. Theo Thánh Tôma Aquinô: “Luật pháp là hành vi của lý trí nhắm đến ích chung”[2]. Quả thực, khi khấn Vâng phục, người Tu sĩ tự nguyện đặt đời mình trong tay Bề trên, để sống cho sứ mạng của Hội Dòng. Tương quan Bề trên và các thành viên là chị em cùng nhau tìm ý Chúa, chứ không đặt ý Bề trên làm chuẩn[3].
Linh đạo Đa Minh đề cao chiều kích hiệp thông và vai trò của sứ vụ. Thánh Đa Minh coi trọng tương quan huynh đệ và gọi tu sĩ là “Anh em”. Bề trên được coi là người phụ trách, do anh em tuyển chọn, bầu lên để đảm trách công tác chung. Các tu sĩ Đa Minh chỉ khấn vâng lời Bề Trên Tổng Quyền, chiếu theo hiến pháp. Tuy nhiên, vị này cũng không nắm trong tay mọi quyền hành, họ cần tham khảo ý kiến của cộng đoàn, trong những quyết định quan trọng. Cha Timothy Radeliffe, Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, giải thích:
“Tuân phục chủ yếu không phải là việc một anh em hoặc một chị em tuân theo ý muốn của bề trên. Bởi vì tuân phục là cách diễn tả tình huynh đệ của chúng ta đối với nhau, biểu lộ cuộc sống chia sẻ chúng ta trong Dòng, cho nên nó phải xây dựng trên nền tảng đối thoại và thảo luận. Người ta thường đặt nổi ý nghĩa nói trên bằng chiếu tự obedire, một từ xuất phát từ động từ ob- audire, nghĩa là nghe”.
Tuy nhiên, trong lãnh vực của lời khấn Vâng phục, bao giờ cũng phải dành cho Bề trên “quyền quyết định tối hậu và truyền đạt những gì phải thi hành”[4]. Thánh Basiliô có lý khi gọi Bề trên là “con mắt của cộng đoàn”. Hành vi vâng phục của người Tu sĩ được nhìn nhận trong tương quan với ba nhân đức đối thần. Vì thế, lời khấn Vâng phục đòi hỏi người Tu sĩ một hành động dứt khoát “từ bỏ”, một thái độ sẵn sàng để nghe theo lời mời gọi của Thiên Chúa, hành động theo nhu cầu của cộng đoàn và tha nhân. Với người Nữ tu Đa Minh Bùi Chu, việc thực hành lời khấn Vâng phục chiếu theo Tu luật, Hiến pháp và Nội qui của Dòng được thể hiện cách cụ thể như sau:
Tu luật thánh Augustinô đã được cha thánh Đa Minh lựa chọn làm luật sống cho Dòng. Bản luật gồm 8 số và đã dành riêng số 7 để nói về nghĩa vụ sống vâng phục của người Tu sĩ[5].
Trước hết, Tu luật coi vâng phục như là một bổn phận, mời gọi mọi người thi hành: “Chị em hãy vâng lời Bề trên như mẹ, nhất là Bề trên thượng cấp, là người coi sóc mọi chị em”. Như thế, thánh nhân muốn đặt tâm tình của các thành viên với chị Bề trên Dòng, trong tâm tình yêu mến và chia sẻ của một gia đình. Có thể nói, khi vâng phục Bề trên không có nghĩa là tùng phục Chúa ở trong con người Bề trên, nhưng là lắng nghe ý muốn của Người qua lệnh của Bề trên, để có thể mău mắn và sẵn sàng đáp tiếng “Xin vâng” với lệnh truyền đó. Vì theo thánh Augustinô, vâng phục là lắng nghe và thi hành ý Chúa.
Tuy nhiên, Tu luật cũng nhắc nhở các Bề trên: “Chính những người điều khiển chị em đừng nghĩ mình có phúc vì được quyền thống trị, nhưng vì được yêu mến và phục vụ chị em”. Quả vậy, Bề trên không phải là người “cầm đầu cỡi cổ” chị em, nhưng là người thay mặt Chúa đồng hành, hướng dẫn mọi chị em, để tất cả cùng nhau bước đi trên con đường tìm kiếm và thi hành ý Chúa. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, vâng lời phải được coi như là một hành vi bác ái. Thật vậy, “ khi vâng lời Bề trên, không những là chị em thương mình, nhưng còn là thương Bề trên nữa vì, trong chị em, càng ở địa vị cao hơn thì càng gặp nguy hiểm hơn”. Chính vì thế, khi trung thành tuân giữ Lề luật, chị em càng thêm yêu mến, cảm thông và hiểu nhau hơn.
Nói tóm lại, Tu luật nhắc nhở mỗi Tu sĩ Đa Minh, khi sống vâng phục theo Tu luật không những không làm mất tự do cá nhân của mỗi người, nhưng trái lại nó giúp họ được lớn lên trong sự tự do đích thực của Thần Khí duy nhất, phát xuất từ Thiên Chúa.
Hiến Pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam, cũng đã đưa ra những kim chỉ nam, hướng dẫn mọi phần tử trong đó, cần phải sống theo và sống đúng với những đòi hỏi của lời khấn Vâng phục. Trong đó, giá trị của lời khấn Vâng phục như sau:
“Giá trị đức vâng phục:
- Dâng hiến ý muốn mình như một của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa.
- Được kết hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa cách kiên trì và chắc chắn hơn.
- Được liên kết chặt chẽ với sứ mạng phục vụ của Hội Thánh.
- Được trưởng thành nhân vị nhờ phát triển tự do của con cái Chúa.
- Được sống trước thực tại trên trời, nơi các thánh luôn yêu mến nhau và mau mắn tuân hành ý Chúa Cha”[6].
Như thế, sống vâng phục không phải là vâng lời một lần trong đời, nhưng là luôn luôn và mãi mãi. Hiến Pháp của Dòng cũng chỉ ra những cách thế để huấn luyện sống vâng lời, trong đó các huấn sinh “phải nhận ra và được nhìn nhận như những nhân vị được quý trọng và yêu mến”, đồng thời, “họ cần có tự do đích thực để tự mình tiến tới từ điều ‘hợp ý riêng’ đến việc ‘hợp ý Chúa Cha’ trên trời, thông qua trung gian Hội Thánh, huấn quyền và luật Dòng cũng như những vị hữu trách”[7]. Điều này nói lên khác biệt giữa sự vâng lời của thế gian và của những người sống đời thánh hiến. Quả thế, trong khi thế gian đề cao sự tùng phục của kẻ dưới đối với người trên, thì sự vâng phục của Dòng Đa Minh lại đề cao đối thoại, tinh thần trách nhiệm và cùng nhau thi hành sứ vụ đó theo thánh ý Thiên Chúa.
Ngoài ra, Hiến Pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam còn đưa ra những chỉ dạy, giúp người Nữ tu Đa Minh sống đúng ơn gọi của mình hơn: “Người nữ tu Đa Minh luôn cần phải có sự khiêm nhường, vui tươi, mau mắn vâng phục các vị hữu trách theo luật Dòng, trong tinh thần đức tin và yêu mến thánh ý Thiên Chúa, cũng như cần có sự cộng tác và ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống cộng đoàn” (HP số 29). Có như thế, việc sống vâng phục mới trở nên có giá trị mang lại ơn cứu độ cho mình và tha nhân.
Nội qui của Hội Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu, ngỏ lời với các phần tử của mình như sau: “Trong tinh thần tìm kiếm và thi hành ý Chúa, khi xin điều gì mà vị hữu trách liên hệ từ chối, chị em được xin đến Bề trên cấp cao, nhưng phải nói rõ vị hữu trách liên hệ đã từ chối. Nếu không, phép ban không thành” (NQ. 18). Như vậy, khoản luật này cho thấy, mỗi phần tử trong Dòng đều phải đơn thành tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, trong tinh thần khiêm tốn và tự do đích thực, kể cả khi điều đó có hợp với ý muốn của chị em hay không, như “khi nhận sứ vụ không thể thi hành hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho Hội Dòng, cho chính mình, hoặc có dịp tội gần, chị em hãy thành thực khiêm tốn với Bề trên. Sau khi đã đối thoại, chị em nhẫn nại vâng phục thi hành quyết định của Bề trên trong tinh thần phó thác cho Chúa quan phòng” (NQ. 21). Quả vậy, do hiệu năng lời khấn, người Tu sĩ Đa Minh Bùi chu “khiêm tốn đem hết khả năng, trí hiểu và ý muốn, cộng tác với ơn Chúa để thực thi mệnh lệnh và chu toàn các trách nhiệm Bề trên ủy thác” (NQ. 16). Theo đó, cũng cần luôn “sẵn sàng vâng phục khi Bề trên thay đổi công tác hay nhiệm sở” (NQ. 19)
Nói tóm lại, người nữ tu Đa Minh sống lời khấn Vâng lời, qua việc thực hành ý Chúa, ngang qua ý Bề trên, chiếu theo Tu luật, Hiến pháp và Nội qui được thâu tóm lại bằng điều khoản sau đây: “Điều truyền nào trái với luật Chúa, luật Hội Thánh, và Hiến pháp dòng, chị em không được vâng lời, nhưng nếu hoài nghi thì vẫn phải vâng theo”[8]. Ước mong sao mỗi nữ tu Đaminh sống trọn vẹn với những gì mà chính mình đã kết ước với Đấng Tình Quân, ngang qua hội Dòng.
Mary Rosary – Hv
[1] Trích diễn từ của ĐTC Phanxicô trong cuộc tiếp kiến, ngày 8.5.2013 với hiệp hội quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ.
[2] Tài liệu học hỏi tinh thần Dòng Đa Minh, lưu hành nội bộ.
[3] x. Hội Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu, Nội quy, số 17, tr. 24; Hiến pháp Chị em Đa Minh Việt Nam, số 26§1, tr. 36.
[4] x. Ibid, Nội qui, số 21, tr. 25.
[5] Ibid, Hiến pháp Chị em Đa Minh Việt Nam – Tu luật Augustinô, số 7, tr. 18.
[6] Ibid, Hiến pháp Chị em Đa Minh Việt Nam, số 25, tr. 36.
[7] x. Ibid, số 28, tr. 37.
[8] Ibid, số 26§4, tr. 36.