Tin mừng: Ga 15, 9-17
9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
NHƯ THẦY ĐÃ YÊU
Bài Tin mừng theo Thánh Gioan 15, 9-17 hôm nay được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu từ giã các môn đệ của mình trước khi Người bước vào cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh. Chúa Nhật hôm nay, Giáo hội muốn chúng ta cùng lặp lại lệnh truyền mà Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ trước ngày Ngài về trời ngự bên hữu Chúa Cha: “Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con.”
“Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con”, khi khám phá hành trình cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy được một Thiên Chúa đã hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang để trở nên người phàm và đã sống tình yêu như thế nào. Một Thiên Chúa với đôi chân rảo khắp các làng mạc, bước đến với dân ngoại, với người tội lỗi. Người đã yêu bằng lời nói chữa lành, bằng những lời an ủi “tôi không lên án chị đâu”. “Như thầy đã yêu”, Chúa Giêsu đã yêu với trọn bản thân mình, để xoa dịu các vết thương thể xác và tâm hồn tha nhân. Ngài dùng ánh nhìn mang lại sức sống và chữa lành, trìu mến, tha thứ và khích lệ: nhìn Lêvi thu thuế bị cho là “phường tội lỗi” và mở cho ông một tương lai mới trong việc theo Chúa (x. Lc 5, 27-28). Người không làm ngơ trước đám người phong hủi chỉ dám đứng đàng xa kêu xin lòng thương xót (x. Lc 17,12-13). Ngước mắt nhìn Dakêu để gặp gỡ và biến đổi ông (x. Lc 19,1-10), v.v… Tất cả những ánh nhìn đó, dù là xa hay gần, dù chỉ là đi ngang qua nhưng Chúa Giêsu đã mang tới sự yêu thương và chữa lành. Người cũng đã yêu bằng đôi tay lấm bẩn với bùn đất chữa lành những người đui mù, què quặt… (x. Ga 9, 6), Người cũng không ngần ngại đụng tay vào người bị bệnh phong hủi (x. Lc 5,13). Hơn mọi ánh nhìn bao dung trìu mến và đôi tay quảng đại đó là một trái tim nhân lành, một trái tim bén nhạy biết “chạnh lòng thương” khi thấy đám đông lầm than, vất vưởng “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36).
Con người và cuộc đời Chúa Giêsu đã trở nên tấm gương phản chiếu cho người môn đệ là chúng ta ngày nay. Vì khi đã trở nên công dân của nước Trời qua Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng được mời gọi trở thành bàn tay chữa lành nối dài của Chúa: “Chúng ta cũng phải luôn tìm gặp, chứ không phải để lảng tránh những người thiếu thốn; để tiếp cận, chứ không phớt lờ những người muốn được lắng nghe và cần một lời nói tử tế; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người cô đơn. Chúng ta hãy thực hành làm điều tốt lành với tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người nghèo hèn và yếu đuối, những người bị bỏ rơi và khinh miệt, những người bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội. Để làm được điều đó với một tinh thần nghèo khó để nhập thế, chúng ta hãy diện diện với trọn con người với thái độ thân thiện, hòa đồng, với sự nhân ái, bao dung.” (Thông điệp về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội “Fratelli Tutti” của ĐGH Phanxicô).
Nhưng thực tế, lời mời gọi “các con hãy yêu thương nhau” của Chúa Giêsu năm xưa như đang dần bị khuất lẩn trong thế giới này, thế giới của ích kỷ và hưởng thụ, thế giới của chiến tranh và bạo lực. Thật thế, chúng ta sẽ tìm ở đâu sự yêu thương giữa những vùng đất đang bị tàn phá bởi bom đạn và vũ khí? Ở đâu có thể thấy được tình thương nơi những gia đình đang ngập tràn mâu thuẫn, bất đồng và đầy bạo lực, chia rẽ? “Yêu như thầy đã yêu” là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác giả đã dệt nên những lời ca, tiếng hát chắc hẳn đôi lần đã chạm đến cõi lòng chúng ta. Lời mời gọi yêu thương nhau của Chúa Giêsu phải chăng chỉ đơn giản là không thù oán, không ghét ghen, không nói xấu, đặt điều bôi nhọ người khác? Là việc trao cho nhau những lời tốt đẹp, chân thành và thứ tha?…
Lạy Chúa, nhận thức về những yếu hèn của chính mình, chúng con thấy mình chẳng có thể cho đi và yêu thương đủ để có ánh nhìn bao dung, đôi môi biết nói lời yêu mến, đôi tai biết lắng nghe, đôi tay dám đón lấy những nhơ nhớp xấu xí nơi tha nhân sống quanh chúng con. Lạy Chúa, mượn lời cầu nguyện trong bài hát được trở nên như Ánh Mắt Giêsu: “ Xin thương ban cho con ánh mắt Ngài, biết cảm thông, chia san đau thương và luôn thứ tha như chính Ngài, xin thương ban cho con ánh mắt Ngài, trao bình an, con tim bao dung tình mến chứa chan” để chúng con yêu đủ, thương đủ, lãnh nhận và cho đi đủ “như Thầy đã yêu”.
Maria Thanh Bần – HV