Chương 2: Kibera
9. Nyumba, Nyumbani
Nằm cách Kibera không quá xa là văn phòng của Liên Hiệp Quốc tại Nairobi, trong đó có Cơ Quan Nhà Ở (UN-Habitat).
Sau gần 30 năm hiện diện và hoạt động, cơ quan này vẫn chưa để lại dấu ấn nào thật sự đáng kể trong việc giúp cải thiện tình hình sống ở khu ổ chuột Kibera. Là một cơ quan “có yếu tố nước ngoài”, bạn có muốn đóng góp hết lòng hết sức để phục vụ người dân thì cũng chưa chắc bạn đã được trao cơ hội. Tất cả những nỗ lực mà cơ quan quốc tế này có thể làm chừng như vẫn loanh quanh với những chương trình cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp, những chương trình y tế cộng đồng, nước sạch, xử lý chất thải… Còn những chuyện lớn lao đại sự liên quan đến cả vận mệnh của khu vực Kibera này thuộc toàn quyền của nhà nước.
Có khi sự hiện diện của các cơ quan quốc tế cũng chỉ có thể giới hạn ở vai trò quan sát viên, để đảm bảo rằng những quyền tối thiểu của con người nơi đây luôn phải được tôn trọng trong bất cứ trường hợp nào. Nhưng đảm bảo làm sao được khi xung đột xảy ra là giữa nhà nước cầm quyền và những sắc tộc nằm trong vùng lãnh thổ của họ?
Thỉnh thoảng, nhân viên của cơ quan này lại đưa các đoàn cứu trợ và từ thiện vào khu ổ chuột. Những người thuộc đoàn cứu trợ đến đây với mục đích giúp người cũng có, mà du lịch cũng có. Họ lăm le những chiếc máy ảnh và điện thoại, chụp bất cứ ngóc ngách nào có thể chụp được.
Thú thật, tôi chưa bao giờ đủ can đảm chụp lại bất cứ một tấm ảnh nào trong khu ổ chuột này. Tôi thấy có gì đó như là thiếu tôn trọng khi mình cố tình ghi lại những hình ảnh bần cùng và bệ rạc trong thế giới sống của người khác. Tôi thấy thật bất nhẫn khi những bất hạnh và nỗi đau của người khác bị ghi lại, rồi trở thành đề tài cho mình bàn tán, dù chỉ là bàn tán theo kiểu xuýt xoa tội nghiệp. Chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh của những con người nơi đây thì mình sẽ hiểu ngay thôi: Nếu tôi là người đang sống trong hoàn cảnh giống như họ, tôi có muốn người khác chụp lại hình của mình rồi đem ra khoe với cả thế giới không?
Nhưng có lẽ đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi thôi. Biết đâu, chỉ vì tôi suy nghĩ nhiều quá!
Người dân nơi đây vẫn hồn nhiên một cách trơ lì, chẳng có chút phản ứng gì khi được người khác chụp hình của mình ngay chính trong cái tồi tàn bệ rạc của mình. Hình như họ đã quen. Bởi vì những người chụp hình là những người đến cho họ quà. Người ta làm phước nên người ta có quyền. Chắc họ nghĩ vậy!
Nhưng có một bà cụ đứng bên tôi càu nhàu:
– Chụp hình gì mà chụp nhiều dữ! Có gì đẹp đâu mà chụp quài…
Tôi đành chống chế giúp những người bị càu nhàu:
– Hình như họ chụp để gởi cho những người ân nhân đó bà ơi. Có hình ảnh thực tế, biết đâu lần sau họ lại có quà để tới đây. Thế là mình lại được nhận quà…
Bà cụ chỉ im lặng chứ không nói gì. Sau một hồi, bà chỉ tay về phía trước:
– Sao không qua bên kia kìa, nhà đẹp, tha hồ mà chụp!
Tôi dõi mắt theo hướng bên kia mà bà đang chỉ. Đó là khu tái định cư đã được xây hơn 3 năm nay. Khu ấy giờ đã trở thành giống như khu nhà hoang vậy. Tôi hỏi để bắt chuyện:
– Nhà bên đó đẹp hả bà? Bà qua bên đó chưa mà biết hay vậy?
– Qua rồi chứ – bà cụ trả lời – tôi cũng ở bên đó một thời gian rồi đó!
– Bên đó nhà đẹp sao bà không ở, về đây lại làm chi vậy bà? – được thế tôi bèn hỏi tới.
Im lặng một hồi rồi bà cụ mới trả lời:
– Đẹp mà buồn lắm. Bên này mới là nhà, chứ bên đó đâu phải là nhà. Người ta gọi đó là nyumba. Thì đó là nyumba chứ đâu phải là nyumbani.
Bà cụ làm tôi thật sự giật mình. Trong tiếng Swahili, nyumba là cái nhà, còn nymbani là mái nhà, là gia đình, là tổ ấm. Hai chữ đó nhìn giống giống vậy thôi, chứ khác nhau lắm.
Tôi gặn hỏi thêm:
– Sao nhà bên đó không phải là nyumbani hả bà?
Bà cụ cười vừa khoa tay vừa diễn tả:
– Cái nhà gì mà ở tuốt trên cao. Mở cửa ra là chỉ sợ rớt xuống đất thôi. Ngồi trên đó nhìn xuống buồn lắm. Với lại mấy cái nhà đó có cái mùi kỳ lắm, không quen, không phải là mùi nhà…
Bà nói cũng đúng. Khu tái định cư xây nhà như chung cư, cao đến 4-5 tầng. Nhà mới lại đầy mùi sơn, mùi xi-măng, mùi vật liệu. Làm sao những con người sinh ra, lớn lên, và sống cả đời trong khu ổ chuột này có thể quen với mấy cái mùi của thế giới hiện đại đó được, phải không?
Những người trong tổ chức của Liên Hiệp Quốc cho rằng dân trong khu ổ chuột không muốn ra ở khu tái định cư vì họ… lười. Ở trong này thỉnh thoảng còn có đoàn cứu trợ vào làm từ thiện, cho gạo, cho bánh, cho tiền, cho quần áo. Còn ra khu định cư thì chẳng còn ai cho gì nữa hết.
Tôi không nghĩ như vậy. Dù có là khu ổ chuột, đây vẫn là nơi đã nuôi sống họ, gia đình và dòng họ qua bao đời. Đâu phải cứ bứng họ đi, trồng vào một chỗ khác, thì tự nhiên cái chỗ khác ấy sẽ là nhà đâu. Dù cho cái chỗ khác có đẹp đến mức nào đi nữa… Đâu phải chỉ cần dựng lên bốn bức tường, sơn sơn phết phết, thêm thắt vài thứ, là cái nơi bạn ở sẽ thành cái nhà liền được đâu, phải không?
Bạn có tin rằng cần phải có cái mùi rất đặc trưng quen thuộc thì nhà mới thật sự là nhà không?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog