Cuộc đời người tu sĩ luôn là một hành trình dài cần phân định và chọn lựa để thực thi thánh ý Chúa. Tuy vậy, sống trong một thế giới ngày càng tục hóa và náo động với muôn vàn âm thanh màu sắc như hiện nay, với sức hút của tiền tài, danh lợi, địa vị, chức quyền; hoặc ngay cả những vất vả lo toan, những gian nan, thử thách trên đường đời khiến chúng ta dễ rơi vào ảo giác, tâm trí dễ bị lấn át và bối rối, phân tâm. Cuộc sống có quá nhiều các mối bận tâm, có quá nhiều tiếng gọi, quá nhiều những cuốn hút gọi mời, mà bản thân chúng chúng lại quá tinh vi nên thường khiến chúng ta trở nên ngộ nhận, dễ chọn lựa sai lầm vì không thể phân biệt đâu là tiếng của Chúa, đâu là tiếng thế gian gọi mời. Do đó, để có được sự phân định tốt hơn, ta có thể dựa vào năm chìa khóa cơ bản của Thánh I-Nhã là một trong những bậc thầy dạy về phân định gợi ý cho ta như là các bài tập để ta có thể nhận ra tiếng Chúa, nhận ra các dấu hiệu của Thần Khí mà vững vàng chọn theo Tiếng gọi của Ngài và an tâm bước đi trong hành trình dâng hiến của mình.[1]
Chìa khóa thứ nhất: Có ước muốn theo Chúa Kitô
Việc phân định là này trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để theo Chúa được tốt hơn, làm thế nào để sống Phúc Âm tốt hơn? Giữa một xã hội đang dần mất đi tính cách tôn giáo, không còn các chỉ dẫn rõ ràng, dấu hiệu nào là dấu hiệu của Chúa Kitô Phục Sinh đang mời gọi tôi?
Giả định rằng tôi có ước muốn đi theo Chúa Kitô, muốn tìm cho đời mình một ý nghĩa, thì trong cuộc sống nhiều lúc tôi cần phải phân định và quyết định: lúc chuẩn bị bước vào Dòng, lúc quyết định tuyên khấn, lúc gặp khó khăn trong việc sống Ba Lời Khuyên Phúc Âm, lúc khó khăn trong sứ vụ, trong đời sống Cộng đoàn…
Đó cũng là câu hỏi mà chính Thánh I-Nhã đã đặt ra cho mình khi ngài dưỡng bệnh ở Loyola, lúc đó ngài là một thanh niên đang “chạy theo phù hoa thế gian”: tôi có quyết định đi theo Chúa Kitô trọn đời không?
Chìa khóa thứ hai: Học để nhận ra những gì đang xảy ra trong lòng tôi
Khi các sự kiện xảy đến, trong những lời nói, thái độ, phản ứng của tôi…đã có Lời Chúa hiện diện và chi phối tôi hay không? Những chuyện làm cho tôi vui, làm cho tôi thích thú; những chuyện làm cho tôi ghê tởm, sợ hãi, làm cho tôi khép mình, làm cho tôi đau đớn…Có phải nếu lúc đó cảm thấy hạnh phúc là tôi đã làm theo ý Chúa; hoặc ngược lại, nếu chuyện đó gay go, buồn chán, khiến tôi phải đớn đau, thua thiệt thì không phải là con đường của Ngài.
Thánh I-Nhã đầy kinh nghiệm trong chuyện này. Ngài không phải là người yêu nghề lính, ngài là nhà quý tộc mơ làm lớn. Ở bản doanh Pampelune, vừa ra trận ngài đã bị thương. Giấc mơ hiệp sĩ tan tành! Bị thương, bị què, bị kẹt ở Loyola, ngài đọc hai quyển sách: quyển tiểu thuyết kiếm hiệp và quyển hạnh các thánh. Khi đó “mắt của ngài mở ra”; ngài biết có một cái gì đang xảy ra cho mình: tiểu thuyết kích thích trí tưởng tượng, nhưng khi nghĩ tới nó thì thấy lòng khô khan, lạnh lùng. Ngược lại, khi ngài hình dung mình hành động cho Chúa Kitô, nghĩ đến đó thì ngài thấy quả tim mình nóng lên, động lực của mình vẫn còn nguyên. Như thế, ngài phân biệt được trong lòng mình cái gì đến từ Chúa, cái gì đến từ Quỷ.
Đó là kinh nghiệm mà mỗi người có thể làm…Với điều kiện là phải chú ý và đừng đi nhanh quá!
Chìa khóa thứ ba: Được tháp tùng
Trước những sự việc xảy đến, tôi không nên phân định một mình. Để có thể nhìn thấu được những gì đang xảy ra trong lòng mình, tôi phải cần đến một người khác giúp đỡ. Cũng giống như tâm lý gia, người tháp tùng sẽ giúp tôi nhìn lại ký ức, họ đóng vai trò của một cái gương, và không chỉ dừng lại ở đó, họ có thể giúp tôi đi xa hơn những gì mình mong đợi.
Thánh Kinh đã minh họa rõ nét về ông Phêrô và ông Nicôđêmô: Khi ông Phêrô khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, sau đó ông phủ nhận một khả năng Chúa bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại, Chúa Giêsu đã cho ông biết, trong lời của ông, lời nào đến từ Chúa, lời nào đến từ Satan. Cũng vậy, Chúa Giêsu nhận thấy ông Nicôđêmô được cảm hứng và Ngài đưa ông đi xa hơn…
Sách Thánh cũng cho biết: ai muốn biết sự thật đến từ ánh sáng, người đó đi tìm một linh mục, một nữ tu, một giáo dân đã được đào tạo để tháp tùng, họ sẽ giúp thấy rõ hơn, đi về phía ánh sáng và hành động trong Thần Khí.
Chìa khóa thứ tư: Sàng lọc
Đây là giai đoạn quan trọng và quyết định. Phân định chính là sàng lọc, là tách cái gì tốt, cái gì chưa tốt hay dẫn đến ngõ cụt. Dĩ nhiên không phải cái gì cũng đem ra phân định. Ở đây, không thảo luận giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái đúng và cái sai, vì khi đã quá rõ ràng thì không cần phải phân định. Do đó, tôi chỉ phân định khi có những khả thể tốt về mặt đạo đức, cái ít xấu nhất trong các tình huống phức tạp.
Theo Chúa Kitô đòi hỏi đến nơi nào mà tôi có thể cống hiến tốt nhất, để làm cho tình yêu được lớn và để xây dựng Giáo hội. Nhưng câu trả lời không nhất thiết phải hiển nhiên nhất. Chẳng hạn, nhờ phân định, tôi có thể biết tôi phải từ chối lời yêu cầu của giáo xứ này vì như thế là tôi trốn nhiệm vụ của cộng đoàn, của chức vụ tôi. Dù thoạt mới nhìn, nó có dấu hiệu cho thấy đây là con đường tốt.
Chìa khóa thứ năm: Hàng ngày xem lại đời sống của mình
Mục tiêu được xác định cho một lựa chọn sẽ làm cho tôi sống. Tôi thấy mình sẽ yêu thích và dành mối quan tâm cho nó. Có thể tôi sẽ phải mất một thời gian để khẳng định, chẳng hạn khi bắt đầu một công việc mới, lúc đầu tôi dễ cảm thấy khó khăn, chán nản, muốn buông xuôi, nhưng thật sự đó là con đường của tôi.
Bỏ thì giờ ra để đọc lại đời của mình mỗi ngày, sẽ giúp cho tôi thấy cái gì đồng nhất, cái gì xảy ra thường xuyên, ngoài các lựa chọn quyết định. Điều quan trọng là có thể nhận thấy, mình đang ở đâu với Chúa trong đời sống hàng ngày. Vì phân định, là bắt đầu cắm mốc sự hiện diện của Chúa trong đời tôi và tạ ơn Chúa về điều này.
Trong cuộc họp tại Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh: “vấn đề phân định là vấn đề rất thiết thân” và “Chúng ta phải lớn lên trong phân định”. Điều đó cho thấy phân định có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người tu sĩ, và nó như “con mắt nội tâm” dần dần giúp ta quan sát thực tế và lượng định nó theo cái nhìn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, phân định sẽ luôn bao hàm một cuộc chiến đấu, nhưng nó là cuộc chiến đấu thiêng liêng, là khí cụ để ta chiến đấu đi theo Chúa, là phương tiện để giúp ta nhận biết thời điểm và ân sủng của Chúa để có thể “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (x. Rm 12,2), cũng như không bỏ qua lời mời gọi nào của Ngài để lớn lên trong kế hoạch huyền nhiệm yêu thương Ngài đã định sẵn cho mỗi người tu sĩ chúng ta.
Nt. Maria Thùy Phương
Nguồn: https://daminhtamhiep.net