Tin mừng: Mt 23, 1-12
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Suy niệm
QUYỀN LỰC CHÚA BAN ĐỂ PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG
Ngày 19/05/1997, ông Kofi Anan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã gửi một bản cáo phó đến các quốc gia thành viên của tổ chức với nội dung: “Một người giàu có và quyền lực nhất thế giới vừa mới vĩnh viễn ra đi rời bỏ chúng ta”. Người giàu quyền lực đó là ai? Có lẽ không ít người ngạc nhiên vì người đó chỉ là một phụ nữ nhỏ bé, 87 tuổi đời, và chẳng có một xu dính túi. Người ấy trong suốt nhiều năm cuối đời đã khiêm tốn đi xin từng chiếc giường cũ, quần áo, lương thực và những đồng tiền bố thí, để giúp những người nghèo sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Thế nhưng, bà đã được cả thế giới nể trọng và được coi là người giầu có và quyền lực nhất thế giới. Người phụ nữ ấy chính là Mẹ Têrêsa Calcutta.
Mẹ Têrêsa Calcutta được mọi người mến phục không phải vì sức mạnh của vũ khí hay bom đạn, cũng không phải bằng đô-la hay dầu hỏa. Sự cuốn hút và uy tín mẹ tạo ra chỉ với một phương thế duy nhất, đó là trải rộng tình yêu thương cho đến vô tận, ngang qua lối sống khiêm tốn và phục vụ hết mình. Làm sao một người phụ nữ nhỏ bé, chẳng có một đồng xu dính túi lại có thể làm được điều đó? Mẹ thánh đã chia sẻ phương châm sống của đời mình: “Tôi chỉ muốn làm cây bút chì nhỏ của Chúa, để Ngài gửi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới.” Và với tâm niệm ấy, mẹ đã khiêm tốn phục vụ tha nhân trong bàn tay hướng dẫn của Thiên Chúa, và chính tinh thần khiêm tốn phục vụ ấy của mẹ đã tạo nên sự giầu có và sức mạnh trong việc đem Chúa đến cho nhiều người.
Tinh thần khiêm tốn để phục vụ chính là sứ điệp nòng cốt Chúa Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng Chúa nhật 31 Thường Niên A hôm nay. Sau khi khiển trách việc giữ luật hình thức của các luật sĩ và người biệt phái, Chúa Giêsu chỉ dạy dân chúng và các môn đệ về lối sống chân thực của người theo Chúa: “Trong anh em, ai làm lớn hơn cả, phải trở nên tôi tớ phục vụ mọi người. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).
Có người thắc mắc, phải chăng đây là lối sống khiêm nhường giả vờ, “hạ mình xuống” để “được tôn lên”? Không, Chúa Giêsu không dạy chúng ta giả vờ khiêm nhường, như giả vờ chọn bàn cuối trong bữa tiệc để được chủ nhà mời lên chỗ danh dự. Chúa Giêsu cũng không dạy chúng ta lợi dụng chiến thuật tâm lý, chọn chỗ thấp để làm cho mình được thăng quan tiến chức. Trái lại, Người dạy chúng ta hãy mặc lấy tâm tình và lối sống khiêm tốn thực sự trong từng công việc phục vụ thường nhật của mỗi người. Đó là, vui vẻ sẵn sàng chấp nhận những công việc khiêm tốn và những địa vị kém cỏi. Vì trong mắt Thiên Chúa không có công việc nhỏ bé nào là tầm thường cả, nhưng quan trọng là chúng ta có biết đặt tình yêu của chúng ta vào trong công việc chúng ta làm hay không. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng phân định công nghiệp, sẽ chỉ cho chúng ta vị trí xứng hợp.
Sở dĩ, Chúa Giêsu dạy chúng ta phục vụ trong khiêm tốn vì Thiên Chúa là tình yêu và trong vương quốc của Ngài chỉ có tình yêu ngự trị, chứ không phải thống trị bằng quyền lực. Mặt khác, mọi người trong cộng đoàn và trong xã hội đều là anh chị em với nhau, không ai có quyền thống trị trên người khác, vì tất cả chúng ta chỉ “có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô.” Do đó, những ai được giao trọng trách trong cộng đoàn thì cũng chỉ là chức trách để phục vụ chứ không phải để thống trị và đàn áp, như Chúa Giêsu nhấn mạnh, “ai trong anh em có quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.”
Tuy nhiên, không phải chỉ những ai được giao chức vụ mới là người phục vụ, nhưng tất cả chúng ta đều được sinh ra trong thế gian như một quà tặng của Thiên Chúa cho người khác và để yêu thương phục vụ lẫn nhau. Chúa Giêsu là người đã đi bước trước chúng ta trong việc sống tinh thần khiêm nhường tự hạ và yêu thương ấy. Khi nhiều người nghĩ rằng một vị Thiên Chúa đến để được phục vụ trong nghênh giá, thì Chúa Giêsu lại sống tinh thần phục vụ vô vị lợi, “Con Người đến không để được phục vụ mà để phục vụ và hiến thân vì người khác” (Mc 10,45). Đây cũng chính là tinh thần mà mỗi người môn đệ của Chúa, dù ở cương vị và ơn gọi nào, đều cần phải cụ thể hóa trong đời sống thường nhật của mình.
Lạy Chúa, xin dâng lên Chúa các bề trên các cộng đoàn, các thẩm quyền trong Hội thánh, và các nhà lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt tại các quốc gia đang xảy ra chiến tranh. Xin gửi Thánh Thần Chúa xuống trên họ, canh tân đổi mới trái tim của họ, để giúp họ biết dùng quyền lực Chúa trao phó mà khiêm nhường yêu thương phục vụ lợi ích của mọi người, qua những quyết sách đúng đắn và nhân văn. Amen!
Hoa Dại