Tin mừng: Mt 9, 36 – 10, 8
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng:
“Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.
Sống Thái Độ Tham Gia
Thời gian gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều về Hiệp hành – một chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 và chúng ta cũng đang chứng kiến toàn thể Dân Chúa khắp nơi đang tích cực thực hiện tiến trình này. Tiến trình hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ diễn tả “bản chất của Hội Thánh”1. Một trong những bản chất của Hội thánh chính là tính “tham gia” đã được Đức Giê-su đề cập tới khi Ngài nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
“Nhân ái” là một đặc nét của Thiên Chúa, vì thế mà khi chứng kiến đoàn dân của Ngài đang tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn dắt, hẳn Đức Giê-su không thể không động lòng. Những con chiên bơ vơ ấy giống như cánh đồng đang đầy lúa chín mà thiếu thợ gặt. Nếu là người nông dân, chúng ta sẽ rất xót lòng khi nhìn những bông lúa trĩu vàng với bao công lao vất vả chăm bón mà không có người gặt đem về, phải để chúng rơi rụng, hoang phí. Trong tâm thế ấy, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Thực ra, là một người con đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng như Đức Giê-su (x. Mt 3,17) thì Ngài có thể trực tiếp nói với Chúa Cha và không lẽ gì mà Chúa Cha từ khước những mong muốn tốt lành, chính đáng này của Chúa Con. Ấy thế mà Đức Giê-su đã không tự mình làm điều đó mà lại dạy các môn đệ làm. Hẳn là Đức Giê-su có mục đích khi dạy các ông cất lên lời xin ấy.
Với cái nhìn đơn sơ của một ki-tô hữu bình dân, thì có lẽ, Chúa Giê-su muốn cho các môn đệ thấy Thiên Chúa coi trọng sự cộng tác của con người; Thiên Chúa có thể “phán một lời” nhưng Ngài không làm vậy, mà Ngài đợi con người “xin” để thấy rằng, con người chúng ta có thiện ý cùng với Thiên Chúa làm cho vũ trụ này tươi đẹp hơn; và dường như, cũng là điều Chúa muốn dạy chúng ta cần nhạy bén để nhìn ra những nhu cầu của Giáo hội; nhìn thấy những nhu cầu của tha nhân như nhìn thấy những bông lúa trĩu hạt đang chờ ngày gặt hái để hành động đúng lúc, để ra tay kịp thời. Và trên tất cả, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta ý thức về những hồng ân mình đã lãnh nhận: “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”. Thật thế, bao sự tốt lành ta đã lãnh nhận, đặc biệt là ân ban được làm con Thiên Chúa, Ngài không muốn chúng ta ích kỷ giữ lại cho riêng mình, nhưng cần biết chia sẻ với tha nhân bằng mọi cách, mọi khả năng mình có để mọi người đều được ơn cứu độ. Đây cũng là điều mà Giáo hội đang dạy chúng ta thực thi trong khi sống tinh thần hiệp hành: “tất cả mọi Kitô hữu đều có quyền và bổn phận tham gia vào sự tăng trưởng của Hội Thánh […]. Trong Hội Thánh, không ai được thụ động hay dửng dưng […]”2.
Và thật an tâm là trong khi khuyến khích chúng ta nhìn ra bổn phận của mình để khi thi hành, Thiên Chúa không để chúng ta bơ vơ một mình, Ngài luôn có đó, quan sát, lên kế hoạch, ban ơn thêm sức như việc Ngài triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế và đưa ra những hướng dẫn kịp thời, dạy cho ta biết phải nói gì, làm gì: Các con đừng đi về phía dân ngoại… các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần’.
Uớc mong với lời Chúa dạy hôm nay, cùng với tinh thần hiệp thông – tham gia – sứ vụ của tiến trình hiệp hành mà cả Giáo hội đang hướng tới, mỗi chúng ta, một lần nữa, sẽ ý thức lại bổn phận và trách nhiệm của mình trong sứ mạng cộng tác với Thiên Chúa để giúp cho mọi loài thụ tạo nhận biết Nước của Thiên Chúa đang đến gần. Xin cho chúng con đừng sống trong tâm thế dửng dưng, vô cảm trước lời mời gọi của Thiên Chúa và trước nhu cầu của Giáo hội, của tha nhân. Amen.
Têrêsa Dung Đinh
1 ĐTGM G. Nguyễn Năng, Hiệp Hành Là Một Lối Sống Của Hội Thánh, trong https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898.
2 Idem.