Lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng Mười Hai năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp Giáng sinh và ban phép lành với ơn toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới. Ngài cầu xin Chúa ban hòa bình cho nhân loại đang chịu cảnh chiến tranh tại nhiều nơi, đặc biệt tại Ucraina.
Buổi công bố này diễn ra từ bao lơn chính của Đền thờ thánh Phêrô nhìn xuống Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của gần 30.000 tín hữu Roma và khách hành hương, dưới bầu trời nắng đẹp. Trên thềm đền thờ có một toán Vệ binh Thụy Sĩ, và liên quân của Ý.
Mở đầu ban quân nhạc của đoàn Hiến binh Vatican và ban quân nhạc của Ý đã xướng quốc thiều Vatican và Ý.
Buổi lễ cũng được các cơ quan truyền thông Vatican và nhiều nước trực tiếp truyền hình và truyền thanh.
Sứ điệp của Đức Thánh cha
Trong sứ điệp Giáng sinh, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến ở Roma và toàn thế giới, chúc mừng lễ Giáng sinh!
Xin Chúa Giêsu, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang lại cho tất cả anh chị em tình thương của Thiên Chúa, nguồn mạch lòng tín thác và hy vọng; và cùng mang hồng ân hòa bình mà các thiên thần loan báo cho những người chăn đoàn vật ở Bethlehem: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho những người Chúa thương” (Lc 2,14).
Hướng về Bethlehem
Trong ngày lễ này, chúng ta hướng nhìn về Bethlehem. Chúa đến trần thế trong một hang đá và nằm trong máng cỏ cho súc vật, vì cha mẹ Ngài không thể tìm được một chỗ trọ, mặc dù đối với Mẹ Maria, đó là giờ sinh con. Chúa đến giữa chúng ta trong thinh lặng và trong tối tăm của đêm đen, vì Ngôi Lời Thiên Chúa không cần những đèn chiếu, cũng chẳng cần những tiếng huyên náo của con người. Chính Chúa là Lời mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, ánh sáng chiếu soi đường đi. Tin Mừng nói: “Ánh sáng thật đã đến trong trần thế, ánh sáng soi chiếu mỗi người” (Ga 1,9).
Chúa đồng hành với con người
Chúa Giêsu sinh ra giữa chúng ta, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài đến để đồng hành với chúng ta trong đời sống hằng ngày, để chia sẻ mọi sự với chúng ta, vui mừng và đau khổ, hy vọng và lo âu. Chúa đến như một Hài Nhi yếu đuối mong manh. Ngài sinh ra trong giá lạnh, nghèo giữa người nghèo. Chúa cần mọi sự, Ngài gõ cửa tâm hồn chúng ta để tìm được hơi ấm và nơi trú ngụ.
Giống như những người chăn chiên ở Bethlehem, chúng ta hãy để cho mình được ánh sáng bao phủ và đi xem dấu chỉ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy chiến thắng tình trạng ngái ngủ tinh thần và những hình ảnh giả tạo về ngày lễ đang làm cho chúng ta quên ai là Đấng mà chúng ta đang mừng lễ. Chúng ta hãy ra khỏi những huyên náo làm tê liệt con tim và làm cho chúng ta chuẩn bị những trang trí và quà tặng hơn là chiêm ngưỡng Biến cố: Con Thiên Chúa sinh ra cho chúng ta. Anh Chị em, chúng ta hãy hướng về Bethlehem, nơi vang dội tiếng khóc đầu tiên của vị Vua Hòa Bình. Đúng vậy, chính Ngài, Chúa Giêsu, là hòa bình của chúng ta: hòa bình mà thế gian không thể ban và Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại khi sai Con của Người xuống trần thế. Thánh Lêô Cả có một thành ngữ, trong sự chính xác của tiếng Latinh, tóm gọn sứ điệp của ngày này: “Natalis Domini, Natalis est pacis”, “Giáng sinh của Chúa là Giáng sinh của hòa bình” (Bài giảng 26,5).
Chúa Giêsu, con đường hòa bình
Chúa Giêsu Kitô cũng là “con đường hòa bình”. Qua sự nhập thể, khổ nạn, chịu chết và sống lại, Ngài đã mở đường từ một thế giới khép kín, bị tối tăm của hận thù và chiến tranh đè nén, dẫn đến một thế giới cởi mở, tự do sống trong tình huynh đệ và hòa bình. Chúng ta hãy đi theo con đường ấy! Nhưng để có thể làm như vậy, để có thể bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải cởi bỏ những gánh nặng cản trở và chặn đứng chúng ta.
Cần loại bỏ các gánh nặng cản trở
Và đâu là những gánh nặng đó? Đâu là những “đồ cản trở” ấy? Đó là những đam mê tiêu cực ngăn cản vua Hêrôđê và triều thần của ông không nhận ra và đón nhận sự giáng sinh của Chúa Giêsu: lòng gắn bó với quyền lực và tiền của, kiêu căng, giả hình, gian dối. Những gánh nặng đó ngăn cản việc đi Bethlehem, loại bỏ khỏi ân phúc của lễ Giáng sinh và khép kín lối vào con đường hòa bình. Và thực vậy, chúng ta phải đau lòng mà nhận thực rằng trong khi Vị Vua Hòa Bình được ban cho chúng ta, thì những luồng gió chiến tranh tiếp tục thổi giá lạnh trên nhân loại.
Nếu chúng ta muốn rằng có Lễ Giáng sinh, Giáng sinh của Chúa Giêsu và hòa bình, chúng ta hãy nhìn về Bethlehem và ngắm nhìn khuôn mặt của Chúa Hài Đồng sinh ra cho chúng ta! Và trên khuôn mặt ngây thơ bé nhỏ ấy, chúng ta nhận ra khuôn mặt của các hài nhi ở mọi nơi trên thế giới đang khao khát hòa bình.
Thảm trạng nhân dân Ucraina
Cái nhìn của chúng ta hãy tràn đầy những khuôn mặt của các anh chị em Ucraina đang sống lễ Giáng sinh này trong cảnh tối tăm, giá lạnh và xa nhà, vì sự tàn phá từ 10 tháng nay do chiến tranh. Xin Chúa làm cho chúng ta sẵn sàng có những cử chỉ liên đới cụ thể để giúp đỡ những người đang đau khổ, và soi sáng tâm trí những người có quyền làm cho tiếng võ khí im đi và chấm dứt ngay cuộc chiến tranh điên rồ này! Đáng tiếc là người ta muốn nghe những lý lẽ khác, theo những tiêu chuẩn của thế gian. Nhưng tiếng nói của Chúa Hài Đồng, có ai lắng nghe?
Syria, Trung Đông, Myanmar và Haiti
Thời đại chúng ta đang sống là tình trạng hạn hán hòa bình tại nhiều miền khác, trên những diễn trường khác của thế chiến thứ ba hiện nay. Chúng ta hãy nghĩ đến Syria còn chịu tang thương vì một cuộc xung đột bị đẩy vào hậu trường nhưng vẫn chưa chấm dứt; và chúng ta hãy nghĩ tới Thánh địa, nơi mà trong những tháng qua có sự gia tăng bạo lực và đụng độ, với những người chết và bị thương. Chúng ta hãy khẩn xin Chúa, để tại đó, nơi phần đất đã thấy Ngài sinh ra, sự đối thoại và tìm kiếm tín nhiệm nhau giữa người Israel và Palestine được mở lại. Xin Chúa Giêsu Hài đồng nâng đỡ các cộng đoàn Kitô đang sống trên toàn Trung Đông, để mỗi người tại các nước ấy có thể sống sự sống chung huynh đệ đẹp đẽ giữa những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Xin Chúa đặc biệt giúp đỡ Liban, để sau cùng nước này có thể trỗi dậy, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và với sức mạnh của tình huynh đệ và liên đới. Ước gì ánh sáng của Chúa Kitô soi sáng miền Sahel, nơi mà sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc và các truyền thống bị đảo lộn vì những cuộc đụng độ và bạo lực. Xin hướng về một cuộc đình chiến lâu dài tại Yemen và hướng về sự hòa giải tại Myanmar và Iran, để chấm dứt mọi đổ máu. Xin Chúa soi sáng các chính quyền và tất cả những người thiện chí tại Mỹ châu, hoạt động để bình định những căng thẳng chính trị và xã hội đang xảy ra tại nhiều nước; tôi đặc biệt nghĩ đến dân chúng tại Haiti đang đau khổ từ lâu.
Tình trạng đói khổ
Trong ngày này, thật là đẹp vì được quây quần nhau quanh bàn ăn thịnh soạn, chúng ta đừng quên hướng nhìn về Bethlehem, có nghĩa là “Nhà bánh”, và nghĩ đến những người đang bị đói, nhất là các trẻ em, trong khi mỗi ngày một số lượng lớn lương thực bị phung phí và các tài nguyên được chi phí cho võ khí. Chiến tranh tại Ucraina càng làm cho tình trạng ấy trở nên trầm trọng hơn, làm cho toàn dân tại một số nước đang chịu nguy cơ hạn hán, đặc biệt tại Afghanistan và các nước ở Vùng Sừng bên Phi châu. Chúng ta biết mỗi cuộc chiến tranh đều tạo nên đói kém và sử dụng chính lương thực như võ khí, ngăn cản việc phân phối lương thực cho dân chúng đã chịu đau khổ. Trong ngày này, chúng ta hãy học từ Vua Hòa Bình, tất cả đều dấn thân, bắt đầu từ những người có trách nhiệm chính trị, để lương thực chỉ được dùng như phương thế hòa bình.
Trong khi chúng ta hưởng niềm vui được gặp lại nhau với những người thân yêu của mình, chúng ta hãy nghĩ đến những gia đình bị thương tổn trong cuộc sống, và những gia đình trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, đang gặp khó khăn cơ cực vì nạn thất nghiệp, thiếu những gì cần thiết để sống.
Những người nghèo, thất nghiệp và bị gạt ra ngoài lề
Anh chị em thân mến, ngày hôm nay cũng như xưa kia, Chúa Giêsu, Ánh sáng chân thật, đến trong trần thế bị bệnh dửng dưng, không đón tiếp Ngài (Xc Ga 1,11), thậm chí còn xua đuổi Ngài, như xảy ra cho nhiều người ngoại quốc, hoặc cố tình không biết đến Ngài, như chúng ta quá nhiều khi hành động đối với những người nghèo. Ngày hôm nay, chúng ta đừng quên bao nhiêu người tị nạn và di dân đang gõ cửa chúng ta để tìm kiếm sự nâng đỡ, hơi ấm và lương thực. Chúng ta đừng quên những người bị gạt ra ngoài lề, những người lẻ loi, các cô nhi và người già có nguy cơ bị gạt bỏ, các tù nhân mà chúng ta chỉ nhìn những lỗi lầm của họ chứ không phải như những con người.
Bethlehem tỏ cho chúng ta sự đơn sơ của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra không phải cho nhưng người khôn ngoan thông thái, nhưng cho những người bé nhỏ có con tim thanh khiết và cởi mở (Xc Mt 11,25). Nhưng những người chăn chiên, chúng ta cũng hãy mau lẹ ra đi và để cho mình được ngỡ ngàng trước biến cố không tưởng tượng được Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta. Đấng là nguồn mạch mọi sự thiện trở nên nghèo khó và xin nhận nhân tính nghèo nàn của chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình cảm động vì tình thương của Thiên Chúa và đi theo Chúa Giêsu, Đấng đã cởi mở vinh quang của Ngài để cho chúng ta được tham gia sự sung mãn của Ngài.
Chúc mừng lễ Giáng sinh tới tất cả mọi người!
Phép lành toàn xá
Sau sứ điệp, Đức Thánh cha và mọi người đã đọc kinh Truyền tin, rồi Đức Hồng y James Harvey, người Mỹ, Giám quản Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, trong tư cách là Hồng y Trưởng Đẳng Phó tế, đã thông báo cho mọi người chủ ý của Đức Thánh cha ban phép lành Tòa Thánh với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, với điều kiện thường lệ là xưng tội và cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha.
Rồi Đức Thánh cha long trọng đọc công thức ban ơn toàn xá cho các tín hữu:
“Nhờ lời cầu nguyện và công phúc của Đức Trinh Nữ Maria, Tổng lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Tẩy Giả và các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót và, sau khi mọi tội lỗi của anh chị em được tha thứ, xin Chúa Kitô dẫn đưa anh chị em đến sự sống đời đời.
“Xin Chúa toàn năng và thương xót ban cho anh chị em ân xá, sự xá giải và tha thứ mọi tội lỗi của anh chị em, cơ hội thống hối chân thực và phong phú, một con tim luôn thống hối và một đời sống hoán cải, ơn phúc và an ủi của Chúa Thánh Linh, và sự kiên trì đến cùng trong các công việc lành”.
“Và xin Phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở cùng anh chị em luôn mãi. Amen.”
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/