Tin Mừng Mc 5, 21-43.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
Suy Niệm:
Cái Chạm Đức Tin và Chữa Lành
Trong thời gian đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội là một trong những thực hành được áp dụng trên toàn thế giới, bắt tay, hay ôm hôn được coi là những cử chỉ diễn tả tình cảm và tương giao thân thiết ở các nước Tây Phương thì nay bị từ bỏ vì chúng tiềm ẩn nguy lây lan coronavirus rất cao. Những thực hành này được đặt ra vì lợi ích sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Cũng vì những lý do tương tự, luật Mô-sê cấm người Do Thái chạm vào người đã chết hoặc chạm vào người phụ nữ đang trong thời kỳ xuất huyết, vì những hành vi ấy làm cho người ta bị ô uế (Ds 19, 11; Lv 15, 19). Tuy nhiên, tường thuật Tin Mừng của Thánh Mác-cô hôm nay cho chúng ta thấy hai phép lạ phi thường đã xảy ra khi người phụ nữ ô uế chạm vào Chúa Giêsu với cái chạm đức tin và khi Chúa Giêsu chạm vào xác cô gái đã chết với cái chạm chữa lành. Người phụ nữ bị bệnh băng huyết trong suốt mười hai năm, nhưng bà đã được ơn chữa lành ngay sau khi bà chạm vào gấu áo Chúa, và cô con gái ông Giai-rô thì lập tức sống lại khi Chúa Giêsu cầm lấy tay cô (Mc 5, 21-43). Rõ ràng, bất cứ ai ô uế mà chạm vào Đức Giêsu với niềm tin xác quyết và kiên vững thì họ đều được trở nên thanh sạch, và bất cứ ai để Chúa Giêsu chạm vào đều được đón nhận sức sống mới.
Khi Chúa Giêsu đang trên đường đến nhà ông Giai-rô để chữa bệnh cho con gái ông, thì người phụ nữ bị bệnh băng huyết mười hai năm đã tìm cách vượt qua đám đông để chạm cho bằng được vào gấu áo của Người (Mc 5, 25-28). Đối với luật Do Thái, người phụ nữ đang trong thời kỳ xuất huyết được coi là ô uế và buộc phải sống cách biệt khỏi gia đình, cộng đoàn, và xã hội cho đến khi họ thanh sạch (Lv 15). Như vậy, người phụ nữ bị xuất huyết mười hai năm trong câu chuyện này đã phải sống trong sự xa cách và cô lập trong suốt ngần ấy năm trời. Thánh Mác-cô cho chúng ta biết thêm chi tiết, “Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn” (Mc 5, 26). Chính vì bị đẩy ra bên lề của xã hội trong suốt mười hai năm trong nghèo túng và cô lập, người phụ nữ đã không còn gì để mất, nên bà đã lấy hết can đảm vượt qua mọi cản trở của đám đông để chạm vào gấu áo của Chúa Giêsu như một cái phao cứu sinh cuối cùng, với một niềm tin xác quyết; “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành” (Mc 5, 28). Và quả thật, cái chạm ấy của bà đã không những không làm cho Chúa Giêsu ra ô uế như người Do Thái từng nghĩ, nhưng trái lại nó làm cho người phụ nữ được lành sạch.
Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta hãy vượt qua mọi rào cản của xã hội, lời gièm pha của người đời, và sự mặc cảm của bản thân để tự tin tiến tới gần và chạm vào Người. Không thiếu những lúc vì sợ dư luận, sợ chế giễu, và sợ những kỳ thị xung quanh mà chúng ta cứ mãi sống trong cô lập của chính mình, âm thầm cắn răng chịu đựng những nỗi đau dày vò cả thể xác lẫn tinh thần mà tránh xa Thiên Chúa, bỏ lỡ cơ hội được Thiên Chúa chữa lành. Và cũng không thiếu những lần vì rào cản của công việc, bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền, bận rộn với học hành, mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa trong Thánh lễ Chúa nhật, trong các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải. Và cũng không ít lần, chúng ta vì rào cản của tính ích kỷ cá nhân, mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội chạm vào Chúa qua những anh chị em nghèo khổ ngay trong chính cộng đoàn chúng ta.
Chúa Giêsu không những mời gọi chúng ta hãy đến gặp Chúa và chạm vào Chúa nơi anh chị em xung quanh, mà Người còn mời gọi chúng ta hãy để cho Thiên Chúa đụng chạm và cầm lấy tay hướng dẫn chúng ta. Khi Chúa Giêsu tới được nhà ông Giai-rô thì cô con gái của ông đã qua đời, nhưng khi Người cầm lấy tay cô thì cô lập tức sống lại (Mc 5, 41-42). Rõ ràng, sự sống thuộc về Thiên Chúa, Người có thể làm cho kẻ chết sống lại chỉ bằng cái chạm nhẹ. Cử chỉ Chúa Giêsu “cầm lấy tay” cô bé và kéo cô ra khỏi cái chết đưa chúng ta về căn tính của Chúa Giêsu, “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14, 6). Quả thật, Chúa Giêsu là đường và là sự sống, nên cái chạm của Người có sức chữa lành và đem lại cho chúng ta sức sống mới. Tuy nhiên, để chúng ta có thể đón nhận được sức sống và ơn chữa lành của Thiên Chúa hay không là tùy thuộc vào mỗi người. Liệu chúng ta có sẵn sàng để cho Thiên Chúa cầm lấy tay và dẫn chúng ta đi hay không, hay là chúng ta vẫn thích được tự do sống theo cách của mình?
Cái chạm đức tin của người phụ nữ bị băng huyết mời gọi mỗi người chúng ta hãy can đảm hành động cho niềm tin của mình. Thử hỏi, giữa những khó khăn bộn bề của cuộc sống đã khi nào chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như một người Cha đầy quyền năng, yêu thương và chăm sóc chúng ta, để rồi chúng ta phó thác hết thảy những khó khăn ấy cho lòng thương xót Chúa như người phụ nữ bị băng huyết xưa chưa? Chúng ta có thực sự tin vào năng quyền chữa lành của Thiên Chúa như ông Grai-rô, khi nghe tin con gái mình đã chết nhưng ông vẫn mời Chúa về nhà để cứu sống con ông? Giữa cuộc sống đầy thử thách ngày nay, chúng ta luôn được mời gọi tin và thực hành đức tin của mình một cách mạnh mẽ như người phụ nữ bị băng huyết cũng như ông Giai-rô. Hãy tin và hãy hành động trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa, chính Người sẽ đồng hành và chữa lành những thương tích của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết can đảm vượt qua mọi khó khăn của thời đại để tìm gặp Chúa mỗi ngày trong Thánh lễ, trong các Bí tích, và trong tha nhân. Đồng thời, giúp chúng con biết can đảm để cho Chúa “cầm lấy tay” dẫn dắt chúng con trong đời sống thường ngày. Vì chỉ khi nào chúng con dám chạm vào Chúa và tha nhân, và để cho Chúa và tha nhân chạm tới, thì chúng con mới có thể sống đúng ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi nên thánh của những người tin vào Chúa, và ơn gọi yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu.
Agnes Liên Đỗ