Tin Mừng: Lc 3, 15 – 16. 21 – 22
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Ðấng Mêsia. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.”
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Ðức Giêsu cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con.”
Suy Niệm
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là kết thúc mùa Giáng sinh, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời của Chúa Giê-su, đó là giai đoạn Ngài bắt đầu đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Thời đó, biết bao người Do thái đương thời họ đang trông mong và ngóng đợi một Đấng Mêsia, có lẽ vì thế họ đã tự hỏi nhau: “biết đâu Ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia?” (Mt 3,15)
Nhưng ông Gioan trả lời dân chúng rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,16).
Để bắt đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã hòa cùng với dòng người của dân tộc mình bên bờ sông Giođan để cùng với dân chúng xin ông Gioan làm phép rửa. Với việc làm ấy, Đức Giêsu đã chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng sông với cả những tội nhân muốn sám hối nhưng liệu có ai nhận ra Ngài chính là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian? Đấng thánh thiện lại khiêm nhu đứng bên kẻ tội lỗi. Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần nay lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước. Hành vi đầu tiên công khai của Đức Giêsu lại là một hành vi khiêm hạ, tự hủy… Chính vì vậy, Thánh Phaolô tông đồ đã viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6 -7). Qua hành động đó, Thiên Chúa muốn dạy cho chúng ta biết sống đồng hành và liên đới với tha nhân.
Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan, đang khi Người cầu nguyện thì “trời mở ra” (Mt 3, 21) và có tiếng phán của Chúa Cha về Người: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con” ((Mt 3,22) cùng với đó là sự xuất hiện của Ngôi Ba lấy hình dáng chim bồ câu ngự xuống trên người Con. Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là một mặc khải trọn ven về Thiên Chúa. Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm của Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha đã âu yếm gọi Ngài là Con và qua đó giới thiệu Đấng Mêsia cho nhân loại. Từ giờ phút này, thời gian sống ẩn dật của Đức Giêsu đã kết thúc, Chúa Cha đã ban Thánh Thần để Ngài bắt đầu một sứ mạng mới.
Là một người kitô hữu, bạn và tôi cũng đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu trong Thánh Thần, chúng ta đã sống Bí tích này thế nào? Có khi nào vì thấy khó khăn của đời phục vụ mà chúng ta nhụt chí? Để đồng hành với người khác đòi ta phải sống chậm lại, ta thấy thế nào? Muốn liên đới với người khác, đòi ta phải nhỏ bé đi, điều đó có dễ dàng không?
Lạy Chúa, biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan nhắc chúng chúng con nhớ lại Bí tích Rửa tội chúng con đã lãnh nhận. Vì yêu thương, Chúa đã muốn nên giống như chúng con, ngoại trừ tội lỗi. Đặc biệt, Ngài đã đồng hành với chúng con cho đến chết. Xin cho chúng con biết điều chỉnh lối nghĩ và cách sống của mình, luôn sống xứng đáng với danh nghĩa là Con Chúa để chết đi cho những ích kỷ, đam mê, tội lỗi, để chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa và yêu thương nhau. Amen.
Ane Trần Thị Dung