Tin mừng: Ga 2,1-11
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Ðức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Ðức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ.” Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Suy niệm: RƯỢU TẠI TIỆC CƯỚI CANA
Nếu dùng nghệ thuật hội hoạ để mô tả bài Tin Mừng hôm nay thì người hoạ sĩ hẳn sẽ chọn rất nhiều gam màu sáng. Tuy nhiên, bức tranh này cũng không thiếu gam màu tối – đó là việc thiếu rượu và ở đây, gam màu tối có lẽ lại là yếu tố cần để làm nên bức tranh nghệ thuật hoàn chỉnh cho một tiệc cưới đầy màu sắc tại Cana. Và chắc hẳn, không ít người trong chúng ta sẽ muốn dừng lại ở gam màu tối này để suy tư và để tìm kiếm lời giải đáp từ ánh sáng Lời Chúa qua những câu hỏi: Rượu là gì? Nó đóng vai trò quan trọng như thế nào trong bữa tiệc?
Theo Kinh Thánh thì rượu có một đặc điểm là “làm phấn khởi lòng người” (Tv 104,15; Tl 9,13). Xét về tính biểu tượng thì rượu là hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban cho những người trung thành với Ngài, và nó thường được diễn tả dưới hình thức “rượu dư đầy” như ta thấy trong các sấm ngôn ủi an của các tiên tri (x. Am 9,14; Hs 2,24; Gr 31,12; Is 25,6; Ge 2,19; Dcr 9,17). Có lẽ vì thế mà người ta nói rằng: “rượu là biểu tượng cho niềm vui và tình yêu!”.
Từ những ý nghĩa trên, ta có thể nói được rằng rượu đóng vai trò rất quan trọng trong bữa tiệc và nó càng trở nên quan trọng hơn nữa trong tiệc cưới. Vì hết rượu cho thấy hết niềm vui, hết tình yêu và hết luôn cả hy vọng.
Tiệc cưới tại Ca-na được mở ra với niềm vui đầy tràn vì đám cưới vốn dĩ đã vui, lại càng vui hơn nữa bởi có những khách quý là Chúa Giê-su, Đức Maria và các môn đệ. Với vinh dự có những khách quý như vậy, thiết tưởng gia chủ hẳn sẽ chuẩn bị rất chu đáo. Ấy vậy mà như ta thấy, họ vẫn bị thiếu rượu, tức là họ thiếu tình yêu, thiếu lòng trung thành. Tại sao vậy? Tại sao có Chúa Giê-su hiện diện mà họ vẫn thiếu rượu tình yêu?
Có lẽ chúng ta sẽ dễ tìm thấy câu trả lời hơn khi hiện thực hoá tiệc cưới Ca-na nơi cuộc sống đức tin của chính chúng ta.
Thật vậy, giống như tại tiệc cưới Cana, đời sống đạo của chúng ta cũng luôn có Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh hiện diện. Điều ấy được diễn tả qua việc chúng ta vẫn xưng mình là kitô hữu, vẫn đến nhà thờ tham dự thánh lễ và đọc kinh, cầu nguyện, v.v. Thế nhưng, cách sống của mỗi người qua những biểu hiện như con cái không sống thiếu hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ không yêu thương con cái, người với người không yêu thương nhau, hay nặng hơn nữa là những phản bội, bất trung trong hôn nhân gia đình dẫn đến ly thân, ly dị, những sai phạm trong cộng đoàn dòng tu, linh mục… cho thấy “tiệc cưới cuộc đời” của chúng ta cũng bị mất dần màu hồng của hy vọng và chuyển dần sang màu đen của sự thất vọng.
Dầu vậy, không vì thế mà chúng ta nản lòng và mất sự cậy trông. Bởi vì Đức Giêsu đã ở giữa tiệc cưới Ca-na hôm xưa và chắc chắn Ngài cũng vẫn luôn hiện diện với chúng ta hôm nay. Tình yêu của Ngài vẫn dư tràn như thánh Phao-lô trong bài đọc 2 cho chúng ta thấy: “Chính Thần Khí duy nhất phân chia cho mỗi người theo ý của Người” (1Cr 12,11), để qua đó, chúng ta luôn có đầy tràn niềm vui, tình yêu và sự kiên tâm trong việc đợi chờ Chàng Rể là Đức Giê-su Ki-tô đến đón rước chúng ta.
Như thế, Thiên Chúa vẫn hiện diện. Tình yêu của Ngài vẫn dư tràn. Nhưng “tiệc cưới” của ta có giữ được màu hồng hay không là tuỳ vào mức độ chúng ta gắn kết với Tình Yêu. Tuy nhiên, để gắn kết được với Tình Yêu cũng đòi hỏi chúng ta phải có tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới tương hợp được với tình yêu. Câu hỏi được đặt ra ở đây là “làm thế nào để có tình yêu?”.
Ở trên chúng ta vừa nhắc tới ơn ban Thần Khí tức là nói về tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người cách dư tràn. Tuy nhiên chúng ta cần hiều rằng Thiên Chúa đặt để vào trái tim ta Thần Khí của Ngài, hay nói cách khác là trao ban Tình Yêu của Ngài cho chúng ta và mời gọi mỗi người linh động khám phá trong khả năng Chúa ban chứ không phải chỉ đón nhận Tình Yêu ấy như một con Rô-bốt bị động và cứng nhắc. Để giữ được Tình Yêu và làm triển nở nó chúng ta cần học hỏi, chăm chút, nâng niu, cách cụ thể là học giáo lý để giữ vững đức tin, siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ để gia tằng đức mến và hy sinh hãm mình để giữ vững sự cậy trông.
Tiệc cưới tại Ca-na hết rượu thực ra đó là chuyện rất bình thường, vì nó nói lên sự mong manh của phận người. Thoạt nghe ta tưởng như là dấu chấm hết, là vệt đen sẫm không thể hồng tươi trở lại ngay giữa bức tranh. Nhưng thật bất ngờ đã có một phép lạ vì vẫn có Chúa hiện diện, hay nói đúng hơn là ‘con người vẫn để Chúa hiện diện với mình’, tức là vẫn tin vào Chúa, vẫn tin tưởng vào sự bầu cử của Mẹ Maria, do đó ‘phép lạ’ vẫn xảy ra. Sáu chum nước lã đã trở thành sáu chum rượu ngon (x. Ga 2,6-8). Bầu khí ảm đạm của bữa tiệc lại trở nên hân hoan. Chính Chúa Giê-su là tác giả đã vẽ tiếp phần kết của bức tranh khiến nó được trở nên một tuyệt phẩm, để rồi ở đó người chiêm ngưỡng được chìm đắm trong hạnh phúc. Ta có thể chú thích bức tranh đó bằng những dòng chữ ngọt ngào trong bài đọc 1 như sau:
“Chẳng ai còn réo tên người: “Đồ bị ruồng bỏ!”
Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.”
Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng ta hỡi!”
Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.”
Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái,
và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,
Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62, 4-5)
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con được diễm phúc là Nàng Dâu trong sự đón rước của Chàng Rể là Ngài. Nhưng Chúa ơi, Chúa biết chúng con thân phận yếu đuối mỏng manh có thể hết “rượu” trong từng ngày sống. Xin giúp chúng con biết ý thức sự yếu hèn của mình để rồi không ngừng kín múc “rượu tình yêu” của Chúa qua việc học hành, qua đời sống cầu nguyện, qua sự tham dự thánh lễ và làm các việc đạo đức. Ước gì khi Ngài đến với chúng con, “rượu tình yêu” chúng con dành cho Ngài vẫn nồng nàn và tươi màu hạnh phúc. Amen.
Thi Hương