Tin mừng: Mc 12, 38-44
38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.
41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.
Suy niệm:
TIÊU CHÍ VỀ GIÁ TRỊ TRONG CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA
Một cách bản năng, chúng ta thường có khuynh hướng muốn tạo được ấn tượng, muốn gây sự chú ý và muốn nhận được sự yêu mến, tôn trọng, nể phục nơi những người mà chúng ta gặp gỡ. Tuy nhiên, không phải cách gây chú ý nào cũng là điều tích cực và không phải việc làm, cách ứng xử nào cũng để lại ấn tượng tốt đẹp nơi những người xung quanh.
Bài Tin mừng hôm nay, Thánh sử Mác-cô cho chúng ta thấy rõ khía cạnh ấy qua lối sống của những kinh sư và việc dâng cúng tiền của bà goá nghèo.
Việc mà các kinh sư làm như: ưa dạo quanh, xúng xính trong những bộ áo thụng, hay thích đi qua đi lại nơi công cộng, hoặc đọc kinh cầu nguyện lâu giờ… Đó là những việc tưởng chừng như rất bình thường mà chúng ta có thể làm trong cuộc sống. Nhưng, các ông đã bị Chúa Giêsu lên án (x. Mc 12,38-40). Ngài lên án các ông bởi Ngài thấu biết lòng các ông, các ông là những kẻ “giả hình” chỉ muốn được người khác nể trọng, tôn sùng, mến mộ và muốn chứng tỏ cho mọi người biết mình là người có quyền thế, có địa vị, có chức tước trong cộng đồng, muốn được thiên hạ gọi là “ráp-bi”; chứ các ông không làm những việc ấy vì lợi ích của người khác, bởi đến tài sản của các bà goá, các ông còn “nuốt hết” thì làm sao các ông có thể làm bất cứ việc gì vì anh chị em mình và vì danh Thiên Chúa??? (x. Mt 23,1-7/13-36; Mc 12,40). Chính bởi thế mà việc muốn “gây ấn tượng” của các ông đã trở thành lố bịch, giả dối và đáng bị lên án.
Trái lại, bà goá nghèo thì lại được Chúa Giêsu ca tụng, mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng dâng cúng “hai đồng kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma” (Mc 12,42). Lý do là bởi vì bà đã “bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,43).
Cách trao đi tất cả của bà goá nghèo đáng để chúng ta phải nhìn lại thái độ cho đi của mình. Chúng ta thường tự nhủ: tôi có gì để trao cho người khác đâu! Tiền của thì không dư dật (thậm chí là không được sở hữu và không được tự định đoạt như đời sống của các tu sĩ); tài năng thì hạn chế; thời gian thì eo hẹp, v.v. Và vì vậy, chúng ta thường nói với mình: Tôi sẽ cho đi, sẽ làm, sẽ hành động… khi tôi có nhiều tiền hơn, khi tôi trau dồi được nhiều kiến thức hơn, khi tôi có thời gian và sức khoẻ hơn. Tất cả chỉ dừng lại ở thì “tương lai” với hai từ “tôi sẽ…”. Chính lối suy nghĩ này cản trở chúng ta trong việc dám quảng đại, dám hy sinh, dám dấn thân trao đi với “những gì hiện có”. Khi để cho lối suy nghĩ ấy điều khiển, chúng ta đã quên mất một điều rằng, sự trao tặng không hệ tại ở số tiền, không hệ tại ở mức độ tài năng và không hệ tại ở quãng thời gian mà mình bỏ ra; nhưng là hệ tại ở cách cho đi như thế nào, hệ tại ở thái độ tặng trao và hệ tại ở tấm lòng mà ta đặt vào trong đó. Khi ta không có nhiều tiền để tặng, thì một trái tim biết cảm thông với người khác đã là quý giá; khi ta không có đủ thời gian, thì một lời khích lệ và nâng đỡ khi họ cần đã là giá trị; khi ta không có đủ sức khoẻ, thì một nụ cười chân thành đã là món quà quý giá; và khi ta không có nhiều tài năng, thì sự ân cần và ủng hộ những gì người khác làm là điều đáng trân trọng, v.v. Thật vậy, có quá nhiều cách thức mà chúng ta có thể “dâng tặng” cho Trời và cho Đời nếu chúng ta thật tâm muốn làm điều ấy. Có lẽ, đây là điều Chúa muốn nơi chúng ta. Một cách chắc chắn, Ngài không bao giờ đòi hỏi những gì vượt quá sức của mình, Ngài chỉ cần chúng ta biết “sinh lời” bằng chính số nén bạc mà chúng ta đã nhận lãnh nhưng không từ Ngài mà thôi (x. Mt 25,14-30).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra rằng cái nhìn và tiêu chí về giá trị mà Thiên Chúa đặt ra không giống với tiêu chí trong con mắt người phàm chúng con. Xin cho chúng con biết vượt lên những gì là giả tạo bên ngoài, đừng mải mê “xúng xính” trong những “bộ áo thụng”, trong những lời chúc tụng, trong những ảo ảnh của trần gian. Nhưng xin cho chúng con biết sống và trao đi với “tất cả những gì mình có” theo những tiêu chí và đợi chờ mà Chúa muốn. Amen.
Têrêsa Dung Đinh