“Chiều ngưng lại nhìn kim ô lững thững
Xuống chân trời gọi tia nắng nhớ nhung”
(Thánh Thi kinh chiều thứ 4 tuần IV)
Khi mặt trời đã ngả bóng, cũng là lúc người Do thái bắt đầu một nhịp sống mới. Đức Giêsu vẫn hoạt động giữa đôi bờ: bờ bên này và bờ bên kia. Giảng xong bên này, Chúa nhớ đến bên kia bờ, với những con người đang rất cần Ngài. Chiều đến, Chúa Giêsu nhắc các môn đệ: “chúng ta sang bên bờ bên kia đi” (Mc 4, 35). Có lẽ, suốt cả ngày, Chúa Giêsu đã dành trọn vẹn con người của Ngài cho đám đông dân chúng, nên giờ đây Ngài đã thấm mệt. Và với một lịch làm việc hầu như suốt cả ngày đến nỗi không có giờ nghỉ ngơi thì dường như giờ nghỉ của Chúa chỉ là những lúc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Và hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã làm tất cả theo thánh ý Chúa Cha nên tâm hồn Ngài thư thái bình an, dễ đi vào giấc ngủ (Tv 4, 9).
“Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy những nước” (Mc 4, 37). Giữa cái mênh mông của biển hồ Galilê dậy sóng, giữa những đợt sóng đẩy lên tận trời, nhào xuống vực sâu (Tv 106, 26), giữa nỗi sợ hãi của các môn đệ, Thầy Giêsu vẫn thanh thản tựa đầu vào chiếc gối mà ngủ (Mc 4, 38). Ta nhận thấy nơi Thầy Giêsu có sự bình an giữa sóng gió, nơi Thầy Giêsu có cái bình thản của Người làm chủ trên thiên nhiên và sự dữ.
“Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền” (Mc 4, 36). Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã ở trên chiếc thuyền của các tông đồ, thì ngày nay Chúa cũng đang ở trên chiếc thuyền của Giáo hội và thuyền đời của mỗi chúng ta. Ta chỉ chở Ngài đi đến những nơi mà Ngài đã chỉ cho chúng ta đến. Mỗi người chúng ta được sinh ra trong trần gian này và Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta: “hãy sang thế giới bên kia đi”. Để đi từ thế giới bên này sang thế giới bên kia, ta cần phải vượt qua mặt biển trần gian, cần phải trải qua nhiều sóng gió hiểm nguy. Trên hành trình đó, có những lúc chúng ta gặp sóng to, gió lớn như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ốm đau, bệnh tật, những tai nạn nghề nghiệp, v.v. Mỗi lần như thế, chúng ta hãy noi gương các tông đồ, hãy nhớ đến Chúa, hãy gọi tên Người, hãy đánh thức Người và khẩn cầu Người ra tay cứu giúp.
Hành trình đức tin, hành trình khám phá ra thiên tính của Đức Giêsu cần phải được chứng nghiệm bằng những phép lạ cả thể. Hôm nay các tông đồ được chứng kiến lời quyền năng của Chúa. Chúa đã “đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm bỗng đâu im tiếng, và Chúa dẫn đưa về bờ bến an toàn (Tv 106, 29). Chứng kiến những phép lạ đó, các tông đồ vừa vui sướng vừa kinh hoàng nới với nhau: “vậy người này là ai mà cả đến sóng và gió cũng phải tuân lệnh?”(Mc 4, 41). Qua phép lạ đó phần nào các tông đồ nhận ra thiên tính của Đức Giêsu.
Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có những nỗi sợ riêng: sợ thất nghiệp, sợ bị chỉ trích, sợ những hiểm nguy bắt bớ… Bên cạnh những nỗi sợ riêng tư, cả thế giới chúng con đang đối diện với một nỗi sợ virút Corona, một thứ vi rút nhỏ bé nhưng lại có sức hủy diệt biết bao sinh mạng con người. Giữa cơn đại dịch, chúng con đã chứng kiến biết bao cái chết bi thảm. Vì thế ai trong chúng con cũng hoảng sợ, lo âu, không biết ngày giờ của mình thế nào, sống chết ra sao? Dường như cái chết luôn rình rập từng phút giây. “Chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy vẫn ngủ được sao?”. Giữa những cơn sóng, giữa những trận cuồng phong, giữa cơn đại dịch bùng phát, Chúa vẫn im lặng… Giống như các tông đồ xưa, nhiều lúc chúng con cũng kêu trách Chúa: “Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38).
Lạy Chúa, qua bài Tin mừng hôm nay chúng con thêm xác tín vào sự hiện diện của Chúa: Thiên Chúa vẫn đang ở trong chiếc thuyền cuộc đời của chúng con và Ngài đang lắng nghe những lời cầu khẩn tha thiết của mỗi chúng con. Việc Thiên Chúa sẽ ra tay khi nào và với cách thức nào là quyền năng và sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa. Phần chúng con xin tin tưởng cậy trông phó thác nơi Chúa, chúng con tha thiết gọi tên Người, đánh thức Người để Người thương nhìn đến nhân loại tội lỗi này.
Rosa Thu Phương