TIN MỪNG: Ga 6, 1-15
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Suy niệm: CHO ĐI CÁCH QUẢNG ĐẠI
Câu chuyện về phép lạ “hoá bánh ra nhiều” trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm B chắc chắn quá quen thuộc với mỗi người chúng ta. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin mừng: Mátthêu, Máccô, Luca, và Gioan ghi lại. Phép lạ hoá bánh ra nhiều là phép lạ quan trọng vì nó hướng chúng ta về Bí tích Thánh Thể – Bí tích mà chính Chúa Kitô đã trao cho Hội thánh cử hành để tiếp tục công trình cứu độ nhân loại của Ngài cho tới khi Ngài đến.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều được Chúa Giêu làm trên núi, gần bờ biển hồ Galilêa, nơi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng và chọn gọi bốn môn đệ đầu tiên. Thời gian xảy ra phép lạ là gần dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, và đối tượng là đám đông dân chúng đi theo người để nghe người giảng dạy vì họ đã chứng kiến những dấu lạ Ngài làm. Ngoài dân chúng, hai nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện là hai Tông đồ Philipphê và Anrê.
Con người dường như không bao giờ thoả mãn với những gì mình có và những gì mình đạt được. Họ luôn khao khát tiến tới những điều cao xa hơn. Câu hát “Ôi hạnh Phúc không chỉ có cơm ngon và áo đep,”trong ca khúc Mùa Xuân Bên Cửa Sổ của tác giả Xuân Hồng phần nào diễn tả thực tại đó. Thật vậy, khi đời sống con người ngày càng phát triển, quan niệm hạnh phúc của con người cũng theo đó mà lớn dần lên. Khi ta sống trong nghèo đói thì hạnh phúc chỉ đơn giản là bữa cơm no và manh áo ấm. Khi cơm đã làm ta no và áo đã làm ấm ta thì ta lại có mơ về bữa cơm ngon và manh áo đẹp. Và cứ như thế con người không ngừng tìm kiếm những thứ mới lạ và cao xa hơn. Phải chăng đại dịch Covid-19 cũng là một hậu quả của việc con người mong muốn thống trị vũ trụ?
Nhìn vào đoàn người đi theo Chúa trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy rằng chắc hẳn ai trong số họ cũng mang trong mình một ước mơ, một hoài bão. Có thể nhiều người theo Chúa vì hiếu kỳ muốn biết xem dấu lạ tiếp theo Chúa sẽ làm là gì vì họ vừa được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho những người bệnh tật. Hoặc, phải chăng có những người đi theo phong trào: họ đi, tôi cũng đi để không bị lạc lõng giữa dòng người? Còn tôi thì sao? Đâu là mục đích khi theo Chúa? Mỗi khi tôi đi tham dự thánh lễ tôi đi với tâm tình gì? Tạ ơn vì biết bao ơn lành Ngài đã ban cho tôi trong quá khứ? Xin ơn cho những dự tính trong tương lai? Hay chỉ đơn giản đến với Chúa vì bổn phận?
“Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy rất đông dân chúng đến với Người” (Ga 6, 5). Hình ảnh này cho thấy Ngài đã nhận ra nhu cầu của dân chúng, họ đang đói về cả vật chất lẫn tinh thần. Chúa cũng đang “ngước mắt lên” và Ngài đã bắt gặp cảnh ngộ của từng người chúng ta. Ngài đang nhìn chúng ta, ở bên chúng ta trong cơn đại dịch. Và đồng thời Ngài cũng đang chờ đợi và mời gọi ta cộng tác để phép lạ diễn ra trong cuộc đời chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta “ngước mắt lên” để nhìn thấy nhu cầu của anh chị em xung quanh mình. Khi nhận ra nhu cầu của anh chị em mình, chúng ta không được mời gọi để hỏi câu hỏi tương tự của Philiphê, “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” (Ga 6, 6) hoặc “tôi lấy tiền ở đâu mà giúp họ?” Khi được mời gọi cộng tác vào các tổ chức từ thiện hay các công trình xây dựng Giáo họ, Giáo xứ, Giáo phận, Chủng viện hay các Dòng tu, đặc biệt trong việc hỗ trợ các nạn nhân đang ở tâm điểm của đại dich, tôi cũng không nên bắt trước tông đồ Anrê: “Nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu,” hay công trình này quá lớn, nhiều người cần giúp đỡ, vài đồng bạc của tôi thì thấm vào đâu? Hãy cứ cho đi, hãy cứ quảng đại, quảng đại về vật chất, thời gian, tài lực trong khả năng, phần còn lại Chúa sẽ bù cho. Chúa không đòi chúng ta phải cho đi bao nhiêu, hay cho đi cái gì, nhưng là cho đi một cách nhanh nhẹn, hồn nhiên và không tính toán.
Hình ảnh đám đông trong bài Tin mừng dường như cũng là hình ảnh của chúng ta trong cơn đại dịch. Chúa đã làm phép lạ để nuôi dân chúng, nhưng Chúa không làm một mình cho dù Ngài thừa sức để làm. Chúa mời gọi sự cộng tác của tất cả chúng ta. Phép lạ có lẽ sẽ không xảy ra nếu như em bé từ chối dâng hiến 5 chiếc bánh và hai con cá bé nhỏ của mình? Phép lạ chưa xảy ra trong cơn đại dịch phải chăng là lỗi của mỗi người chúng ta? Nhiều lần thay vì “ngước mắt lên” để thấy nhu cầu của anh em, chúng ta lại cúi xuống vơ vét cho mình. Nhiều người buôn bán thì đầu tư tích luỹ, đi thu gom và mua thật nhiều khẩu trang, nước khử trùng và họ bán cho người dân với giá rất đắt: ngày thường một chiếc khẩu trang chỉ có 5 ngàn, trong cơn đại dịch phải mua tới 100 ngàn. Một số người khác thì tích trữ thóc, gạo, mì gói….Sự ích kỷ của chúng ta cách này hay cách khác có phải là lý do khiến cho chúng ta chưa nhận được phép lạ từ Chúa? Và trong quá khứ, có lẽ nhiều lần khác nữa chúng ta đã co lại, đã tính toán, không dám cho đi. Thế là chúng ta đã mất đi một dịp để sống quảng đại, mất đi một cơ hội để chứng kiến phép lạ xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Thật vậy, Chúa luôn đồng hành với từng người chúng ta; Ngài sẽ mau chóng xoa dịu những thử thách mà chúng ta đang gặp phải.
Lạy Chúa, Xin Chúa cho chúng con biết quảng đại bằng cách cộng tác với nhau và nhất là cộng tác với ơn Chúa để làm cho cuộc đời này tràn ngập tình thương của Chúa và để phép lạ được tiếp tục diễn ra trong cuộc đời của chúng con. Amen.
Cecilia Hoàng Lành